Theo Ban Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tổng lượng mưa từ ngày 08-18/10 phổ biến từ 1.000-1.300mm, có nơi cao hơn, như Bạch Mã 1.634mm. Đặc biệt từ 19h ngày 17/10 đến 13h ngày 18/10 tại Thừa Thiên Huế đã có mưa to, mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, một số nơi cao hơn như: Bình Tiến, Hương Trà 378, Thọ Sơn, Hương Trà 362 mm.
Mực nước trên các triền sông lúc 15h ngày 18/10: Sông Hương, tại Kim Long: + 2,38m, trên báo động động II là 0,38m; Sông Bồ, tại Phú Ốc: +4,19 m, dưới báo động III là 0,31m; Mực nước sông Ô Lâu, tại Phong Bình: +2,1m. Do mưa lớn nên nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện, thị xã, thành phố Huế đã bị ngập. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, tại Km392+100 cách Đồn Biên phòng Hương Nguyên, khoảng 6300m3 đất sạt xuống mặt đường gây ùn tắc từ 7h30 18/10, hiện tại Khu Quản lý đường bộ II đang chỉ đạo các đơn vị liên quan phân luồng, cảnh báo từ xa điều tiết đảm bảo an toàn giao thông. Đường dây Trung thế tại Khu công nghiệp Phong Điền do sạt lở dòng chảy dẫn đến xói mòn và đổ cột, gây sự cố mất điện trên diện rộng. Hiện nay Điện lực Phong Điền đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức kiểm tra và có phương án khắc phục. Về sạt lở bờ sông Bồ: Tại thôn Thượng An 1 - xã Phong An bị sạt lở 02 điểm, với chiều dài khoảng 10m, khối lượng sạt lở khoảng 120m3.
Mưa to đã làm ngập lụt các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm các chỉ đạo tại Công điện số 03/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, có cơ chế nắm bắt thông tin kịp thời đến với người dân một cách chính xác và nhanh chóng trong công tác ứng phó với mưa lũ.
Bên cạnh đó, các đơn vị chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ. Qua đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mưa lũ. Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương để cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, và giáo viên tại các vùng thấp trũng. Ngành y tế cần phải sẵn sàng phương tiện, cơ sở vật chất ứng trực 24/24 để xử lý khẩn cấp các tình huống xảy ra. Các địa phương chuẩn bị lương thực thực phẩm, cần có giải pháp cứu trợ khi có yêu cầu. Đề nghị các địa phương có báo cáo về tình hình thiệt hại sau mưa lũ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và có phương án hỗ trợ.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các địa phương