Ngày 09/01/2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đọng vật và sản phẩm động vật, nội dung Chỉ thị như sau:
Trong năm 2014, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đặc biệt xuất hiện chủng vi rút mới H5N6, lở mồm long mong týp A. Ở tỉnh ta, dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản cơ bản được khống chế; tuy nhiên nguy cơ tái phát trong thời gian đến vẫn rất cao do mầm bệnh còn tiềm tàng, thời tiết bất lợi, việc vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm tăng trong dịp Tết Nguyên Đán làm cho mầm bệnh dễ phát sinh, phát triển và lây lan.
Thực hiện Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 09 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Công điện khẩn số 10091/CĐ-BNN-TY ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch LMLM. Để tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo vệ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cung cấp thực phẩm có nguồn gốc động vật an toàn cho người tiêu dùng, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) phối hợp UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thành phố Huế và các ngành liên quan:
a) Tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực cho lực lượng thú y cơ sở; phân công cán bộ thú y giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch gia súc, gia cầm, thủy sản không để lây lan trên diện rộng.
b) Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin đạt số lượng, chất lượng cao cho đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi theo qui định.
c) Hàng tháng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với các vùng nguy cơ cao như ổ dịch cũ, hố chôn, các nơi giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật. Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. Phát động và tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường.
d) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật nhằm hạn chế dịch bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn. Túc trực 24/24h tại 2 chốt Phong Thu và Lộc Thủy trên Quốc lộ 1A; kiểm tra và tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thành phố Huế:
a) Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống đỗ ngã, đói rét, dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật; tổ chức rà soát, chấn chỉnh hoạt động đối với các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn; yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng vật nuôi, quy định về kiểm dịch động vật.
b) Tổ chức tiêm phòng triệt để các loại vắc xin trên địa bàn huyện, xã đảm bảo tỷ lệ miễn dịch trên 80% so với tổng đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi.
c) Khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm thì tiến hành tổ chức tiêu hủy ngay ổ dịch đầu tiên để tránh lây lan ra diện rộng; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống dịch và hỗ trợ chủ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/08/2011 về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
d) Chi đạo triển khai thực hiện Đề án qui hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại từng địa phương; cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; chấm dứt tình trạng giết mổ gia súc tại hộ gia đình.
đ) Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo lịch thời vụ; qui hoạch vùng nuôi và xử lý nước thải; tôm giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi.
e) Trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Mùi và các ngày lễ lớn trong năm, chỉ đạo đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định của Pháp lệnh Thú y.
3. Các ngành Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Hải Quan, Công Thương (Quản lý Thị trường) có trách nhiệm phối hợp với ngành Nông nghiệp & PTNT (Thú y) và các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường kiểm tra các hoạt động lưu thông, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển gia cầm bị bệnh, gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
4. Sở Y tế: chỉ đạo các Trung tâm Y tế, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, theo dõi, đề phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người, có phương án đối phó kịp thời khi có trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H5N1, H5N6, H7N9, H10N8), phối hợp với các ngành liên quan tăng cường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế để tổ chức tuyên truyền liên tục bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân thực hiện tốt các nội dung trên.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, thủ trưởng các Sở, ngành liên quan có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) thường xuyên theo dõi và tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh./.