Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Ngày cập nhật 01/04/2020

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh CGC, LMLM, DTLCP; kiên quyết không để các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (Covid-19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND yêu cầu Giám đốc các s, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chỉnh phủ; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh động vật (CGC, LMLM, DTLCP,.. ): Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh theo quy định; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin bao vây ổ dịch và phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ; thành lập các Đoàn công tác đến các địa phương có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.

b) Chỉ đạo địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao:

- Tổ chức triển khai phòng, chống bệnh LMLM, DTLCP  theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Chính phủCông điện số 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019 và các theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống CGC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025” và Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người; của UBND tỉnh tại Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019- 2025”, Công văn số 872/UBND-NN ngày 07/02/2020 về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người, Công văn số 1041/UBND-NN ngày 14/02/2020 về việc tập tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm;

- Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh CGC, LMLM, Tai xanh, Dại... nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao;

- Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

c) Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 và Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

d) Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

đ) Kịp thời bố trí kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; trong đó có kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện; lưu ý không hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn đối với các trường hợp tái đàn mà chưa được cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn cho phép; vận động, xử lý, tiến tới chấm dứt việc chăn nuôi tại khu vực dân cư.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương:

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

- Tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là đối với bệnh CGC, LMLM, DTLCP; khẩn trương hướng dẫn, bảo đảm tổ chức nuôi tái đàn lợn thành công, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không để dịch bệnh tái phát.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt: Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giai đoạn 2020-2025 (trong đó lồng ghép: Kế hoạch phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2021 -2025, Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giai đoạn 2020-2025) và Kế hoạch tái đàn lợn sau bệnh DTLCP. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020” Các kế hoạch bao gồm nội dung xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; đề án tăng cường năng lực ngành thú y các cấp giai đoạn 2020-2030 để bảo đảm nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh động vật; kế hoạch ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid-19 trên động vật, bao gồm tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện nCoV trên động vật nuôi và động vật hoang dã.

- Chỉ đạo bảo đảm các nguồn vắc xin phù hợp, hiệu quả để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng; tổ chức giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh.

3. Sở Công Thương:

Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật.

4. Sở Y tế:

Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại CGC khác; hướng dẫn các địa phương chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch CGC lây từ gia cầm sang người.

5. Công an tỉnh:

Thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật bán chạy, nghi bán chạy từ ổ dịch theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh:

Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và y tế.

8. Sở Tài chính:

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham mưu bố trí kinh phí mua vắc xin phòng bệnh CGC, LMLM theo các chương trình, kế hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

9. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm lực lượng phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

10. Các s, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; thường xuyên thông báo về Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.325.478
Truy câp hiện tại 17.924