Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phát huy những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo
Ngày cập nhật 11/12/2021

Các cơ quan, địa phương đã chú trọng tuyên truyền pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; về phòng, chống dịch bệnh covid19. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương đã tăng cường trong triển khai thông tin, tuyên truyền pháp luật qua các hình thức như: tờ gấp pháp luật, Trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở,...

Năm 2021, để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, địa phương.

Các cơ quan, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, đoàn thể ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời.

Các cơ quan, địa phương đã chú trọng tuyên truyền pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; về phòng, chống dịch bệnh covid19. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương đã tăng cường trong triển khai thông tin, tuyên truyền pháp luật qua các hình thức như: tờ gấp pháp luật, Trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở,...

Những kết quả đạt được trong năm 2021

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã định hướng các cơ quan, địa phương quan tâm tăng cường phổ biến các quy định pháp luật nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, như: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về an toàn thực phẩm; kết hợp thông tin đầy đủ diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo về các biện pháp phòng dịch bệnh; tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng và các hành vi lợi dụng dịch do dịch Covid19 gây ra để trục lợi… Ngoài ra, chú trọng phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia; phổ biến pháp luật gắn với thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai phù hợp với đối tượng, địa bàn, mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghiên cứu, áp dụng các mô hình, giải pháp phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực nghiên cứu, áp dụng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật sát thực có hiệu quả với người dân để xem xét, nhân rộng. Một số mô hình đã được các cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả thời gian qua, như: thường xuyên đăng tải các nội dung về an toàn, cảnh báo giao thông trên Fanpage An ninh trật tự Thừa Thiên Huế, HuếS (Công an tỉnh); phối hợp với các trường học hoặc chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, trải nghiệm về phòng cháy, chữa cháy, qua đó phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên (Công an Phòng cháy, chữa cháy); phổ biến, triển khai cho đội ngũ giáo viên các trường học vào các đợt học tập chính trị đầu năm; thông tin, tuyên truyền qua Bản tin pháp luật (thành phố Huế), Bản tin nội bộ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (Sở Giao thông Vận tải), định kỳ hàng tháng, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của ngành, địa phương và văn bản pháp luật mới; phối hợp với các trường Phổ thông trung học, Đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức các phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), phát huy vai trò của Hội Luật gia, Chi hội luật gia trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức, người lao động (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài chính...); thực hiện thông tin, phổ biến pháp luật trong nội bộ cơ quan cho công chức, viên chức, người lao động qua mạng xã hội Zalo, Facebook (Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp, Sở Tư pháp,…).

Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp như Hội nghị, Hội thảo đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông qua Trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông, các hình thức không có sự tập trung đông người như cấp phát tờ gấp, tài liệu[1]. Gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2589/UBND-TTr ngày 31/3/2020 về tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 để chỉ đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai thực, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bảo đảm tính răn đe cũng như làm rõ thực trạng khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật, tìm ra nguyên nhân làm xảy ra các vụ việc cả dưới góc độ thể chế và thực thi pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đề xuất phương án giải quyết nhằm khắc phục tình trạng này; hướng dẫn lồng ghép quy định pháp luật về bình đẳng giới vào hương ước, quy ước làng, thôn, bản, tổ dân phố để vận động người dân thực hiện nghiêm pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao).

Các cơ quan, địa phương gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với triển khai Luật Tiếp cận thông tin. Tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Điều 17 (nội dung thông tin công khai), Điều 18 (hình thức, thời điểm công khai thông tin) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, địa phương. 100% các cơ quan thực hiện công khai thông tin qua Trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin cho công dân. Quan tâm triển khai các biện pháp cung cấp thông tin phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 2 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ. 100% các cơ quan nhà nước có Trang thông tin điện tử và được cập nhật thông tin thường xuyên. Hệ thống phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh ở cơ sở của địa phương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, văn bản chỉ đạo của các cơ quan nhà nước. Thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, miền núi được chú trọng (huyện Nam Đông, A Lưới).

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình mới đã chủ động nghiên cứu để xây dựng các phương án, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: biên soạn và đăng tải đề cương các văn bản Luật: Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam…; xây dựng 07 video motion tuyên truyền pháp luật với nội dung sinh động: nguyên tắc phổ thông và bình đẳng trong bầu cử, nguyên tắc trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử, đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc … ; 17 tiểu phẩm pháp luật; 13 câu chuyện pháp luật đăng tải lên Chuyên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, các tình huống pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, pháp luật về hộ tịch, dân sự… đăng tải lên Fanpage “Pháp luật với cuộc sống”. Trang Fanpage “Pháp luật với Cuộc sống” đạt hơn 7.000 lượt tiếp cận các bài đăng, thu hút gần 2.000 lượt tương tác gồm: thích, bình luận, chia sẻ..., và gần 500 lượt người đăng ký theo dõi trang; số lượt truy cập kênh Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đạt hơn 4.000.000 lượt.

Đặc biệt, năm 2021 thực hiện Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 được ban hành kèm theo Quyết định số 2658/QĐ-BTP ngày 31/12/2021 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; các cấp, các ngành và địa phương từ tỉnh đến huyện, xã đã tham gia dự thi và có 23 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vào Vòng chung khảo. Cuộc thi thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả Cuộc thi gồm: 03 giải nhất; 03 giải nhì; 06 giải ba, và 11 giải khuyến khích[2].

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng được củng cố

 Thực hiện củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng đi vào thực chất, lựa chọn những người thật sự tâm huyết, có năng lực, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật[3]. Trên cơ sở đó, đã ban hành Quyết định số 2765/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 về việc công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.      

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 87 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 193 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.663 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã (theo Phụ lục I đính kèm).

Các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bằng nhiều hình thức thích hợp, trong đó chú trọng hỗ trợ tài liệu, đề cương tuyên truyền pháp luật[4] để chủ động nghiên cứu, áp dụng.

Các Luật, pháp lệnh mới ban hành đã được chú trọng tập trung tuyên truyền:

Năm 2021, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật mới và Nghị định gồm: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cư trú,  Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Mỗi hội nghị có 120 đại biểu là Lãnh đạo các cơ quan của tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Phòng Tư pháp và các Phòng chức năng liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 2512/UBND-TĐKT ngày 29 tháng 3 năm 2021 chỉ đạo các cơ quan, địa phương tích cực hưởng ứng, phát động để cán bộ, người dân tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” do Bộ Tư pháp tổ chức. Các cơ quan đã phát động và động viên công chức, viên chức, người lao động tham gia (Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà, Ủy ban nhân dân huyện Phú Vang,...). Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng chuyên mục “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” trên Trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện đăng tải 25 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn bầu cử; 05 tài liệu tuyên truyền pháp luật liên quan đến bầu cử. 07 video clip các tình huống pháp luật liên quan đến bầu cử[5]. Số lượt truy cập là gần 134.742 lượt. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên Fanpage “Pháp luật với cuộc sống” với các chủ đề liên quan đến bầu cử, đăng tải thường xuyên hàng tuần (07 chủ đề liên quan đến bầu cử), các quy định liên quan đến Luật Bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phát hành 02 Tờ gấp pháp luật với số lượng 20.000 tờ (10.000 tờ/loại), giới thiệu quy định về danh sách cử tri, các công việc thực hiện trong ngày bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để cấp phát cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát hành Bản tin số chuyên đề về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (500 quyển), với các bài viết liên quan đến công tác bầu cử, thông tin, tuyên truyền pháp luật về bầu cử.

Ngày pháp luật năm 2021 đã được tổ chức đầy đủ, ý nghĩa thiết thực

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 17/9/2021 về tổ chức Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Ngày pháp luật với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai. Đã tiến hành treo 95 băng rôn, 02 pano trên địa bàn thành phố; các cơ quan đồng loạt treo khẩu hiệu hưởng ứng Ngày pháp luật tại cổng và trụ sở cơ quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế hưởng ứng với nhiều khẩu hiệu cổ động trực quan, sinh động. Trong thời gian cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật của năm (15/10 - 15/11/2020), nhiều hội nghị, hội thảo, tư vấn pháp luật, các buổi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức livestream trên fanpage “Đại học Luật Huế”, đã được các cơ quan chức năng triển khai tích cực: Ủy ban nhân dân thành phố Huế, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Đại học Luật Huế, Trường Cao đẳng sư phạm tổ chức Hội thi hiểu biết pháp luật năm 2021 (thi trắc nghiệm trên internet)... Hiệu quả từ Ngày pháp luật đã tác động tích cực, lan tỏa hiệu ứng về một tinh thần “hiểu pháp luật để sống đúng, sống hạnh phúc”.

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được chú trọng

Thực hiện quy định về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ (Điều 8, Điều 9), các thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tích cực tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân; tích cực, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí thường xuyên tại các tổ chức hành nghề luật sư cho các đối tượng người nghèo hoặc thuộc diện chính sách; thực hiện trợ giúp pháp lý cho mọi công dân vào Ngày Truyền thống luật sư Việt Nam 10/10 và Ngày pháp luật Việt Nam 09/11.

Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, huy động đội ngũ luật gia tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên là hội viên Hội Luật gia các cấp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Tạo điều kiện để Hội Luật gia tỉnh tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn tồn tại một số hạn chế chủ yếu sau đây:

- Công tác triển khai có lúc chưa bảo đảm tiến độ, nội dung triển khai chưa bao quát các lĩnh vực một cách chuyên sâu.

- Một số lĩnh vực hiệu quả tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật sự sinh động, thiếu các hình thức tương tác trực tiếp với người dùng.

- Công tác thông tin, báo cáo một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu kịp thời.

- Kinh phí được cấp cho công tác phổ biến giáo dục các cấp tăng theo mức độ nhiệm vụ chính trị được giao, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên đã bị giảm trừ làm hạn chế việc triển khai theo kế hoạch, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cấp huyện và cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Các nội dung pháp luật tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các quy định pháp luật nhằm thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

- Yêu cầu đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng cao nhằm đáp ứng kịp với tình hình phát triển của đất nước; tuy nhiên nguồn lực thực hiện (Con người, kinh phí, cơ sở vật chất…) chưa đảm bảo, nhất là đối với cấp huyện và cấp xã.

- Chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật.

- Phương pháp và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc, có nơi thiếu tính phù hợp với đối tượng.

 

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.277.215
Truy câp hiện tại 9.484