Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Giới thiệu, hướng dẫn khai thác sử dụng bộ Pháp điển điện tử
Ngày cập nhật 24/10/2022

Khái niệm về Bộ Pháp điển

Bộ Pháp điển là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành; các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất; giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của Pháp luật. Bộ Pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được khai thác, sử dụng miên phí.

 

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ pháp điển gồm 271 đề mục được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Đến nay, Chính phủ đã  phê duyệt kết quả pháp điển đối với 250/271 đề mục (đạt hơn 92% của Bộ pháp điển). Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng tải công khai trên Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn). Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai công tác pháp điển bảo đảm hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ, với tinh thần khẩn trương, sớm hoàn thành Bộ Pháp điển so với lộ trình đề ra (dự kiến hoàn thành sớm trong năm 2022).

Cổng thông tin điện tử pháp điển là điểm truy cập duy nhất về công tác pháp điển hệ thống QPPL của Nhà nước trên môi trường mạng, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì, đăng tải Bộ pháp điển điện tử. Bộ pháp điển điện tử được đăng công khai trên môi trường mạng internet giúp cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác, sử dụng miễn phí.

 

 

2.1 Tra cứu nội dung theo cấu trúc của đề mục

Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Do đó, màn hình hiển thị Bộ pháp điển điện tử đầu tiên gồm 45 chủ đề. Người dùng click chuột vào tên chủ đề mà mình muốn tìm kiếm thì màn hình xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó. Người dùng tiếp tục click chuột vào tên đề mục thì màn hình hiện lên cấu trúc của đề mục (các Phần hoặc Chương). Cứ thế tiếp theo, người dùng click chuột vào tên Phần thì màn hình hiện lên các Chương; click chuột vào tên Chương thì màn hình hiện lên các Mục; click chuột vào tên Mục thì màn hình hiện lên các Tiểu mục; click chuột vào tên Tiểu mục thì màn hình hiện lên các Điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất; click chuột vào Điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất thì màn hình hiện lên các Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Chủ đề 1 

- Đề mục (xem chi tiết)

- Phần (xem chi tiết)

- Chương (xem chi tiết)

- Mục (xem chi tiết)

- Tiểu mục (xem chi tiết)

- Điều của Luật (xem chi tiết)

- Điều của Nghị định (xem chi tiết)

- Điều của Thông tư (xem chi tiết)

 

Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “Xem chi tiết”. Người dùng click chuột vào cụm từ “Xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể).

 

2.2 Tra cứu toàn bộ nội dung của đề mục

Khi vào Bộ pháp điển, màn hình máy tính hiển thị 45 chủ đề. Người dùng tìm kiếm các đề mục trong 45 chủ đề. Bên cạnh mỗi đề mục có cụm từ (Xem chi tiết), khi đó, người dùng click chuột vào cụm từ (Xem chi tiết), màn hình sẽ hiện ra toàn bộ nội dung của đề mục.

2.3 Tra cứu Danh mục văn bản sử dụng pháp điển vào mỗi đề mục

Ngay bên cạnh tên của mỗi đề mục có cụm từ (Danh mục văn bản), khi đó, người dùng click chuột vào cụm từ (Danh mục văn bản), màn hình sẽ hiện ra toàn bộ Danh mục các văn bản sử dụng để pháp điển.

Đối với từng văn bản sử dụng để pháp điển được thể hiện các thông tin về: Cơ quan thực hiện pháp điển, ngày ban hành, ngày có hiệu lực của văn bản và số thứ tự của văn bản trong đề mục

2.4 Tra cứu, tìm kiếm theo từ khóa: Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm các nội dung pháp lý cần tìm trong phần cấu trúc của Bộ pháp điển. Người dùng nhập nội dung tra cứu vào ô Nhập từ khóa cần tìm trên thanh công cụ, khi đó, kết quả tìm kiếm sẽ ra nội dung có chứa các từ khóa cần tìm.

Một số kỹ thuật trong Bộ pháp điển

- Số của điều trong Bộ pháp điển gồm: Số thứ tự của chủ đề; Số thứ tự của đề mục; Ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; Số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nếu có); Số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển (Ký hiệu về hình thức của văn bản như sau: Luật của Quốc hội là LQ; Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội là PL; Lệnh của Chủ tịch nước là LC; Quyết định là QĐ; Nghị định của Chính phủ là NĐ; Nghị quyết là NQ; Nghị quyết liên tịch là NL; Chỉ thị là CT; Thông tư là TT; Thông tư liên tịch là TL. Số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng một hình thức được ghi bằng chữ số Ả Rập, theo thứ tự về thời gian ban hành, bắt đầu từ số 1. Trường hợp mỗi hình thức văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chỉ có một văn bản thì ghi số thứ tự văn bản này là số 1 (một).

Cách sắp xếp các Điều trong Bộ pháp điển

Bộ pháp điển được pháp điển từ các QPPL đang còn hiệu lực tại thời điểm pháp điển. Các QPPL này được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản chứa đựng QPPL được pháp điển từ cao xuống thấp (trường hợp các văn bản cùng cấp thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành); các QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các QPPL được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Điều của Luật

- Điều của Nghị định 1

      - Điều của Nghị định 2

                             - Điều của Thông tư 1

                             - Điều của Thông tư 2

Điều 11 Pháp lệnh pháp điển quy định cách sắp xếp các Điều vào đề mục như sau: “Lựa chọn, sắp xếp các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

- Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên;

- Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức;

- Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều này ngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

- Các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.

- QPPL chuyển tiếp được sắp xếp ngay sau điều chứa QPPL được áp dụng chuyển tiếp. Trường hợp có nhiều điều được áp dụng QPPL chuyển tiếp thì sắp xếp QPPL chuyển tiếp ngay sau điều đầu tiên được áp dụng chuyển tiếp; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều có QPPL chuyển tiếp đã sắp xếp.

- Phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo văn bản được sắp xếp vào cuối điều có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu. Trường hợp có nhiều điều cùng quy định áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì phụ lục, biểu mẫu được sắp xếp cuối điều đầu tiên có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến phụ lục, biểu mẫu đã được sắp xếp ở trên.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.287.196
Truy câp hiện tại 15.595