Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Khai mạc lớp đào tạo quản lý, sử dụng, vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị của dự án “Vận hành hồ chứa do Nhật Bản tài trợ
Ngày cập nhật 24/11/2022

       Sáng 21/12/2022 tại Văn phòng Chi cục Thủy lợi, Ban QLDA “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Trung ương, đơn vị tổng thầu tư vấn FRICS và Tổng thầu thi công lắp đặt thiết bị - Liên danh JRC-Fujitsu tổ chức lớp đào tạo quản lý, sử dụng, vận hành, bảo trì  hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin quản lý thiên tai thuộc dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Nhật Bản tài trợ. Buổi khai mạc tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa Huế và Hà Nội.

 

       Tham dự buổi khai mạc, tại điểm cầu Hà Nội có ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Giám đốc dự án và 21 cán bộ, học viên của các cơ quan, đơn vị liên quan gồm Tổng cục PCTT, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Tại điểm cầu Huế có ông Nguyễn Long An- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc BQLD cấp tỉnh, Lãnh đạo các cơ quan đơn vị liên quan và 28 cán bộ học viên được triệu tập tham dự khóa đào tạo.

        Giảng viên của lớp học là các chuyên gia Nhật Bản – những người trực tiếp thiết kế, thi công lắp đặt và vận hành thử hệ thống trang thiết bị dự án.

       Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Long An cho biết dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Nhật Bản tài trợ thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 8 năm 2017 đến nay, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2023. Tổng vốn của dự án: 18.524.075 USD (tương đương 421.422.702.000 VNĐ), trong đó: Vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản: 1.844.000.000 Yên Nhật (tương đương 378.905.120.000 VNĐ; 16.655.170USD); Vốn đối ứng phía Việt Nam là 42.517.582.000 VNĐ (tương đương 1.868.905 USD). 

Ồng Nguyễn Long An - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Giám đốc Ban QLDA tỉnh phát biểu tại buổi khai mạc lớp đào tạo

Mục tiêu của dự án gồm:

- Thiết lập hệ thống vận hành và quản lý đối với 3 đập lớn đang hoạt động kết hợp với việc phòng chống thiên tai tại lưu vực trên sông Hương.

- Thiết lập mạng lưới thông tin phòng chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương.

- Hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay về cơ bản dự án đã hoàn thành các hợp phần, hạng mục, đúng tiến độ đề ra, cụ thể:

- Hợp phần 1: Thiết bị thu thập dữ liệu trong lưu vực sông. Đã lắp đặt, khai thác bước đầu trạm radar quan trắc mưa X-band, hệ thống trạm quan trắc thủy văn, hệ thống truyền hình mạch kín ở hạ lưu.

- Hợp phần 2: Thiết bị vận hành hồ chứa ở văn phòng quản lý đập bao gồm lắp đặt hệ thống điều hành thời gian thực cho đập, truyền hình mạch kín CCTV, đường truyền viễn thông, thiết bị đo mực nước, thiết bị đo độ mở cửa đập.

- Hợp phần 3: Hệ thống thông tin quản lý thiên tai liên quan đến nước ở cấp địa phương. Đã lắp đặt thiết bị quản lý thông tin (đầu vào, xử lý đầu ra), hệ thống hiển thị đa thông tin, hệ thống website cung cấp thông tin, hệ thống email cảnh báo, thiết bị viễn thông tại văn phòng quản lý các hồ chứa, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hợp phần 4: Hệ thống thông tin quản lý thiên tai liên quan đến nước ở cấp Trung ương. Lắp đặt hệ thống hiển thị đa thông tin, thiết bị viễn thông tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại Hà Nội.

- Hợp phần 5: Thu thập dữ liệu cơ sở. Kết quả có được bộ dữ liệu khảo sát địa hình LiDAR, dữ liệu khảo sát mặt cắt ngang kênh, sông, phục vụ cho tính toán, nghiên cứu.

- Hợp phần 6: Hướng dẫn hoạt động kiểm soát chất lượng. Kết quả dự kiến đạt được là: Xây dựng sổ tay hướng dẫn và đào tạo, dịch vụ tư vấn và hợp phần mềm.

 

ông Kano - Chuyên gia người Nhật Bản trình bày bài giảng vè tổng quan hệ thống thiết bị của dự án

 

Nội dung của khóa đào tạo lần này gồm 9 mô đun, sẽ cung cấp cho các học viên nắm bắt tổng thể cũng như chi tiết hệ thống hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị của dự án đã lắp đặt, cấu hình của hệ thống hiển thị và xử lý thông tin. Bao gồm hệ thống quan trắc thủy văn; hệ thống telemetry; cách thao tác, sử dụng, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống thiết bị, máy móc, hệ thống camera cho đến phần mềm hiển thị tính toán, thao tác, bảo dưỡng hệ thống radar; các thiết bị không dây; hệ thống quan trắc mực nước và chỉ báo mở cửa đập tại các hồ chứa và phần mềm dự báo lũ. Nội dung chương trình học là rất phong phú với nhiều thiết bị kỹ thuật phức tạp, thời gian kéo dài 01 tháng từ ngày 21/11 đến 20/12/2022.

Sau khi kết thúc chương trình, trên cơ sở đội ngũ được đào tạo, trung ương và tỉnh sẽ hình thành bộ máy tổ chức để tiếp nhận quản lý, vận hành, sử dụng và bảo trì có hiệu quả hệ thống kỹ thuật và quản lý thông tin thiên tai mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, thông qua JICA đã tài trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm góp phần nâng cao năng lực phòng chống lũ lụt, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Chi cục Thủy lợi
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.290.468
Truy câp hiện tại 17.291