Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA MẠNG
Ngày cập nhật 06/09/2023

 

Thời gian gần đây, trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.


 

Một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng:

1. Đăng tin mạo danh tuyển cộng tác viên làm việc online trên các trang mạng xã hội để chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

2. Giả danh cơ quan chức năng: Mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để gọi điện thoại, đọc đúng thông tin cá nhân của nạn nhân (hoặc yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân) sau đó thông báo rằng nạn nhân đang bị điều tra liên quan đường dây rửa tiền, mua bán ma túy, tai nạn giao thông … yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng để chứng minh trong sạch sau đó chiếm đoạt.

3. Kêu gọi đầu tư online siêu lợi nhuận: Các đối tượng tạo lập các website giả mạo các công ty tài chính, tập đoàn lớn có uy tín (tập đoàn dầu khí, công ty đa quốc gia …), quảng cáo, lôi kéo, kêu gọi số lượng lớn người tham gia đầu tư, cam kết có sự hướng dẫn của các chuyên gia lâu năm và được hưởng siêu lợi nhuận trên các sàn chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, giao dịch tiền điện tử, giao dịch tiền tệ, ngoại hối... Sau một vài lần tạo sự tin tưởng bằng cách thực hiện đúng cam kết với số tiền đầu tư nhỏ, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ở những lượt đầu tư lớn.

4. Giả danh người nước ngoài thành đạt: Mạo danh là Quân nhân, Bác sỹ, Doanh nhân thành đạt người nước ngoài kết bạn làm quen qua mạng xã hội (facebook, messenger, whatsapp…) và hứa hẹn sẽ gửi quà hoặc tiền có giá trị lớn. Sau đó, các đối tượng đồng bọn tự xưng là hải quan, cán bộ thuế, nhân viên sân bay, nhân viên vận chuyển hàng… gọi điện yêu cầu nộp các khoản phí để nhận quà và chiếm đoạt.

5. Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội: Tạo đường dẫn (link) giả mạo có giao diện giống với các chương trình đã phát trên truyền hình như Biệt tài tí hon, Bình chọn ảnh đẹp… Sau khi nạn nhân kích vào đường dẫn, cung cấp các thông tin bảo mật về tài khoản mạng xã hội (tên tài khoản, mật khẩu…) để đăng nhập và tham gia bình chọn thì tài khoản của nạn nhận sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển, mạo danh nạn nhân nhắn tin đề nghị người thân, bạn bè (có trong danh sách bạn bè) cho mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền để chiếm đoạt.

6. Chiếm quyền sử dụng sim số: Giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng gọi điện để hỗ trợ giải quyết sự cố hoặc nâng cấp miễn phí dịch vụ sim từ 3G lên 4G, hướng dẫn nạn nhân soạn tin nhắn theo cú pháp, từ đó sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa và chuyển quyền sử dụng sang sim (sim trắng) của đối tượng. Đối tượng sử dụng sim chiếm đoạt được để khôi phục thông tin bảo mật liên quan các tài khoản ngân hàng của nạn nhân và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản hoặc tiến hành đăng ký các khoản vay trên mạng internet của các công ty tài chính để chiếm đoạt.

7. Giả danh giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện: Giả danh giáo viên chủ nhiệm, nhân viên bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện cho phụ huynh báo tin về việc người thân của họ bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí, sau đó chiếm đoạt.

8. Lừa đảo đặt tiệc để chiếm đoạt tài sản: Sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội gọi điện đặt tiệc tại các nhà hàng kèm theo các yêu cầu đặc biệt như chuẩn bị một số món ăn, đồ uống, quà tặng hiếm có trên thị trường. Sau đó giới thiệu “Đại lý” để nhà hàng liên hệ đặt mua và chiếm đoạt tiền đặt cọc từ nhà hàng.

9. Chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng: Sử dụng dịch vụ “SMS Brandname” mạo danh các ngân hàng gửi tin nhắn thông báo với các nội dung như tài khoản được kích hoạt trên thiết bị lạ, tài khoản được thanh toán ở nước ngoài, xác thực tài khoản, hủy dịch vụ…, đề nghị kích vào các đường dẫn (link) cho trước để thay đổi thông tin; hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản ngân hàng vào đường dẫn (link) do đối tượng cung cấp để thanh toán online nhằm mục đích chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản.

10. Vay vốn online: Quảng cáo các khoản vay với lãi suất thấp, yêu cầu nộp các khoản phí, cọc đảm bảo để hoàn tất thủ tục vay và chiếm đoạt. Hoặc, cho vay với lãi suất “cắt cổ” và bị đe dọa, khủng bố tinh thần nếu không trả đúng hạn.

11. Giả danh nhân viên Công ty xổ số cho số đề để đánh lô, đề: Giả danh nhân viên Công ty xổ số, thể hiện bản thân biết trước kết quả xổ số, đề nghị nộp tiền mua số để đánh lô, đề và chiếm đoạt.

12. Giả danh nhân viên ngân hàng, nhà mạng; nhân viên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… thông báo nạn nhân là người may mắn trúng thưởng, đề nghị đóng một số khoản phí để hoàn tất thủ tục nhận thưởng và chiếm đoạt.

Nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cán bộ, công chức, viên chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân xác minh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền; không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào, tránh sập bẫy các đối tượng./.

Tập tin đính kèm:
TÔN THẤT NIỆM - VPS
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.272.808
Truy câp hiện tại 6.886