Trong năm 2023, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã thực hiện đánh giá tác động đối với 04 dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh. Trong đó: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với dự thảo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 04/01/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; Ban Dân tộc đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với dự thảo dự thảo Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025; Sở Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh.
Số lượng TTHC đã được đánh giá tác động trong kỳ báo cáo: 09 TTHC; Số lượng TTHC được ban hành trong kỳ báo cáo đã được đánh giá tác động: 12 TTHC.
Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã thẩm định 04 dự thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND có chứa TTHC gồm: dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; dự thảo Nghị quyết Ban hành quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025 có quy định TTHC; dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước thực hiện phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 95 Quyết định công bố danh mục TTHC và 05 Quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Cập nhật công khai TTHC trên CSDL quốc gia 1.157 TTHC và bãi bỏ 108 TTHC. Trong đó: Chuẩn hoá: 481 TTHC; mới ban hành: 99 TTHC; sửa đổi, bổ sung: 577 TTHC. Cụ thể:
- Tổng số Quyết định công bố TTHC/danh mục TTHC đã được ban hành trong kỳ báo cáo: 95 Quyết định.
- Tổng số văn bản QPPL có quy định TTHC được công bố: 05 Nghị quyết.
- Tổng số TTHC/danh mục TTHC được công bố 1.157 TTHC; trong đó số TTHC được công khai 1157 TTHC (đạt 100%).
- Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương: 1.157 TTHC; trong đó: số TTHC do Trung ương quy định: 1.145 TTHC; số TTHC do địa phương quy định: 12 TTHC.
100% TTHC sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đồng bộ từ Cổng dịch vụ công quốc gia về Hệ thống thông tin TTHC của tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng quy định và công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị; niêm yết đầy đủ, công khai và đúng quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết TTHC (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Trung tâm Hành chính công cấp huyện; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã).
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị Sở, ngành, UBND cấp huyện được giao rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình. Kết quả, các đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch; tổng số TTHC kiến nghị phương án đơn giản hóa gồm 32 TTHC thuộc 20 lĩnh vực, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi 25 văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Lợi ích tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC: 576.792.940 đồng/năm và tỉ lệ cắt giảm chi phí 33%.
Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận và xử lý trong năm 2023 là: 483.219 hồ sơ; số mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 476.830 hồ sơ (Trong đó: trực tuyến: 199.018 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính: 277.812 hồ sơ); số từ kỳ trước chuyển qua: 6.389 hồ sơ; Số lượng hồ sơ đã giải quyết: 472.627 hồ sơ. Trong đó, giải quyết trước hạn: 214.539 hồ sơ, đúng hạn: 248.440 hồ sơ (đạt tỷ lệ 98%), quá hạn: 9.648 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 2%); Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 10.592 hồ sơ; trong đó, trong hạn: 9.209 hồ sơ, quá hạn: 1.383 hồ sơ. Cụ thể:
+ Cấp tỉnh: Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý là: 122.025 hồ sơ; số mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 119.276 hồ sơ. (Trong đó: trực tuyến: 74.965 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính: 44.311 hồ sơ); số từ kỳ trước chuyển qua: 2.749 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã giải quyết: 118.981 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 40.043 hồ sơ, đúng hạn: 78.359 hồ sơ, quá hạn: 579 hồ sơ; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 3.044 hồ sơ; trong đó, trong hạn: 3.024 hồ sơ, quá hạn: 20 hồ sơ.
+ Cấp huyện: Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý là: 85.119 hồ sơ; số mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 83.758 hồ sơ. (Trong đó: trực tuyến: 38.205 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính: 45.553 hồ sơ); số từ kỳ trước chuyển qua: 1.361 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã giải quyết: 80.912 hồ sơ, giải quyết trước hạn: 38.282 hồ sơ, đúng hạn: 37.022 hồ sơ, quá hạn: 5.608 hồ sơ; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 4.207 hồ sơ, trong hạn: 3.562 hồ sơ, quá hạn: 645 hồ sơ.
+ Cấp xã: Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý là: 276.075 hồ sơ; số hồ sơ mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo là: 273.796 hồ sơ. (Trong đó: trực tuyến: 85.848 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính: 187.948 hồ sơ); số từ kỳ trước chuyển qua: 2.279 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã giải quyết: 272.734 hồ sơ: trong đó, giải quyết trước hạn: 136.214 hồ sơ, đúng hạn: 133.059 hồ sơ, quá hạn: 3.461 hồ sơ; số lượng hồ sơ đang giải quyết: 3.341 hồ sơ; trong đó, trong hạn: 2.623 hồ sơ, quá hạn: 718 hồ sơ.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết hồ sơ TTHC được các sở, ban, ngành, địa phương xác định chủ yếu là do: một số hồ sơ cần phải xác minh cụ thể hoặc phải thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định và do các nguyên nhân khách quan khác, kể cả từ phía người nộp hồ sơ...
Việc công khai tiến độ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, đã được cập nhật thường xuyên và công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh
Về thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC. Có 377 trường hợp gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ. Cả 377/377 trường hợp đều thực hiện đầy đủ, đúng quy định, theo Biểu mẫu BM 02-12/CC “Thông báo về việc gia hạn thời gian giải quyết kèm lời xin lỗi” của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% hồ sơ trễ hạn đều ban hành văn bản xin lỗi theo quy định.
UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã; 100% TTHC đủ điều kiện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp, trừ các TTHC thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.061 TTHC được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Trong đó: 1.592 TTHC tại cấp tỉnh (Trong có: 436 TTHC liên thông lên UBND tỉnh và 47 TTHC liên thông cùng cấp); 344 TTHC tại cấp huyện (Trong đó: 20 TTHC liên thông cùng cấp và 42 TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền); 125 TTHC tại UBND cấp xã (không tính 09 TTHC ngành dọc).
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 87 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, trong đó đã phê duyệt bổ sung 1.145 quy trình nội bộ để cấu hình điện tử giải quyết TTHC và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện đưa vào sử dụng chính thức Kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định và tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Về số hóa kết quả giải quyết TTHC: các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND ngày 19/7/2022 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (gồm: danh mục 1.953 dịch vụ công trực tuyến (bao gồm: 787 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 40%), 1.072 dịch vụ công trực tuyến một phần) và 94 dịch vụ công không xác định là dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế).
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quy trình tích hợp, kiểm thử và công khai các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, số lượng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 1.388 dịch vụ công (Trong đó: 593 TTHC cung cấp dịch vụ công một phần (đạt 30,39%); 795 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 40,75%) và còn lại 563 TTHC (chiếm 28,86%).
Ngoài ra, nhằm khuyến khích và hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Ngày 21/8/2023 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND quy định mức thu lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó, giảm 40% mức lệ phí cần nộp liên quan đến TTHC đquy định tại 05 Nghị quyết kèm theo thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên, tăng cường đưa tin, bài trên Trang Thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về kiểm soát TTHC, cải cách TTHC; Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chương trình cải cách hành chính (bao gồm cả các nội dung về kiểm soát TTHC) nhằm nâng cao nhận thức về cải cách TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương đã có nhiều nỗ lực, tích cực trong tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Nhìn chung, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra.
Công tác rà soát, ban hành bổ sung, sửa đổi và công bố danh mục TTHC của các cấp, các ngành đã được duy trì thực hiện thường xuyên; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.
Nhiệm vụ niêm yết công khai TTHC đã được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm, chú trọng. Hầu hết các đơn vị đều có bảng niêm yết TTHC theo đúng quy định tại trụ sở cơ quan hoặc tại Bộ phận Một cửa các cấp và trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng tiếp nhận TTHC trực tuyến qua phần mềm dịch vụ công một phần, toàn trình và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức nói riêng và công tác kiểm soát TTHC nói chung.
Việc vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin trên Hệ thống Báo cáo của Văn phòng Chính phủ đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các chế độ Báo cáo theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-VPCP và các văn bản hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, kịp thời cập nhật, phân quyền tài khoản sử dụng, khai thác và vận hành thông suốt từ UBND cấp xã đến UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh.