Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN CHÚ Ý TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI THỪA THIÊN HUẾ TRONG THÁNG 8/2016
Ngày cập nhật 11/08/2016

Theo dự báo, trong tháng 8 thời tiết của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ít xuất hiện tình trạng nắng nóng. Đến giữa tháng 8 thời tiết sẽ chuyển sang dịu mát, tuy nhiên vẫn có xuất hiện hiện tượng mưa giông vào buổi chiều. Để có một mùa vụ thành công bà con cần lưu ý những vấn đề sau:

  1. Lĩnh vực trồng trọt:
  1. Cây lúa:

          - Thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, chú ý một số đối tượng: Sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy các loại, lem lép hạt, nhện gié… Chú ý thời gian phun thuốc, thời gian cách ly để đảm bảo an toàn cho người lao động, cây trồng và an toàn sản phẩm.

          - Đảm bảo đủ nước trong giai đoạn lúa trổ - chín sáp, đặc biệt ở những nơi có phun trừ rầy nâu yêu cầu trong ruộng phải có nước việc phun thuốc mới có hiệu quả. 

          - Thu hoạch khi lúa vừa chín tránh mưa lũ. Để đảm bảo chất lượng lúa gạo và an toàn giao thông, bà con nông dân không nên phơi thóc, rơm trên các trục đường giao thông, không đốt rơm rạ trên đồng.

          - Vệ sinh đồng ruộng, cày vùi rơm rạ, lật đất trước mùa mưa lũ để chuẩn bị cho vụ sau.

2. Cây lạc:

- Theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn…

 - Thu hoạch đúng thời điểm khi lạc vừa già, phơi và bảo quả cẩn thận để làm giống cho vụ Đông Xuân.

3. Cây cao su:

-  Phòng trừ bệnh phấn trắng, loét sọc mặt cạo

- Vệ sinh vườn cao su, thu gom toàn bộ cành cây lá khô, phát dọn sạch đường băng phòng chống cháy

- Khai thác theo đúng kỹ thuật, bảo vệ vườn cây lâu dài

4. Cây sắn:

- Những vùng thấp trũng cần có kế hoạch thu hoạch sớm để chạy lũ, đảm bảo năng suất, chất lượng.

5. Cây thanh trà:

- Phòng trừ sâu bệnh, tưới đủ nước cho quả phát triển tốt, tránh bị rụng vào mùa mưa, sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép, cách ly đúng quy định.

  1. Lĩnh vực chăn nuôi:

1. Công tác phòng dịch: Bà con nông dân chú ý chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn gia súc gia cầm, chuẩn bị tiêm phòng đợt 2 theo chỉ định của Chi cục Thú y, phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi theo định kỳ. Do thời tiết mưa- nắng thất thường, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn vì vậy gia súc gia cầm dễ phát sinh một số bệnh mẫn cảm với thời tiết, cần tiêm phòng bổ sung và sử dụng thuốc để phòng bệnh cho toàn đàn.

2. Chống nóng cho gia súc gia cầm:  Hiện nay đang cao điểm nắng nóng vì vậy cần áp dụng mọi biện pháp có thể để chống nóng cho gia súc gia cầm như: Chuồng trại thông thoáng, lót thêm trần chuồng bằng các vật liệu cách nhiệt, phun nước làm mát mái và nền chuồng, bổ sung các chất điện giải- Vitamin C vào nước uống hàng ngày cho gia súc gia cầm, điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp... Lưu ý không để gia súc gia cầm thiếu nước uống tại chuồng.

3. Thức ăn đối với trâu bò: Do nắng nóng kéo dài, cỏ cây ở vùng đồng bằng và vùng cát nội đồng kém phát triển, cần bổ sung thêm cỏ cắt, thức ăn tinh cho trâu bò.

4.Chăm sóc đàn trâu bò cái sinh sản trước và sau phối giống: Do nhiệt độ ban ngày rất cao 38-390C, nhiệt độ ngoài bãi chăn còn cao hơn sẽ ảnh hưởng đến kết quả đậu thai sau thụ tinh nhân tạo, vì vậy để tỷ lệ đậu thai cao, bà con nên giữ bò ở nhà hoặc chăn giữ dưới bóng mát trước khi phối giống và sau khi phối giống từ 2-3 ngày.

III. Lĩnh vực nuôi trồng Thủy sản:

- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như : nhiệt độ, oxy hòa tan, pH, H2S, NH3, độ kiềm ... ; theo dõi hoạt động của vật nuôi nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.

- Vào cuối vụ nuôi, nhất là đối với những ao nuôi sử dụng thức ăn là cá tạp với số lượng lớn, thức ăn phân hủy sẽ làm tảo (màu nước của ao nuôi) phát triển mạnh kéo pH ao nuôi biến động mạnh, thiếu oxy vào thời gian đêm và sáng sớm.  Khi tảo tàn sẽ gây ra hiện tượng thiếu oxy và khí độc cho ao nuôi. Khi thấy màu nước phát triển quá mức người nuôi cần thực hiện các biện pháp sau:

+ Tiến hành thay nước để giảm mật độ tảo khi thấy màu nước ao nuôi quá đậm. Trong trường hợp tảo phát triển quá mức bà con có thể sử dụng các hóa chất để diệt bớt tảo như: BKC, formaline…

+ Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi để duy trì chất lượng nước ao nuôi.

+ Nếu ao nuôi có pH ngày đêm biến động lớn, cần bón thêm Dolomite để tăng độ kiềm hạn chế sự biến động pH .

+ Bổ sung thêm quạt nước, sục khí để tăng cường oxy cho ao nuôi nhất là thời gian từ đêm về sáng.

+ Quản lý tốt thức ăn tránh dư thừa vừa tránh lãng phí thức ăn và ô nhiễm môi trường nuôi làm tảo phát triển nhanh.

- Sau 1 thời gian nuôi dài ao nuôi sẽ tích tụ nhiều chất thải hữu cơ (do thức ăn dư thừa và chất thải của tôm cá) khi gặp trời giông vào buổi chiều các chất thải hữu cơ sẽ phân hủy tạo ra các khí độc như H2S, NH3, NO2… dẫn đến hiện tượng tôm cá bị chết. Để tránh hiện tượng tôm cá nuôi chết do khí độc người nuôi cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh dùng để phân hủy đáy kết hợp với bón Zeolite hạt để hấp thụ các khí độc, thời gian bón vào buổi sáng khi có mặt trời kết hợp với sục khí.

Vào cuối vụ nuôi các động vật giáp xác (tôm, cua …) cần nhiều khoáng cần thiết cho quá trình lột xác vì vậy ao nuôi cần duy trì độ kiềm > 80mg/l  đồng thời bổ sung khoáng trực tiếp vào ao nuôi và thức ăn cho tôm, cua; tăng cường bón Dolomite để ổn định độ kiềm của ao nuôi; bổ sung vitaminC (3-5g/kg thức ăn) vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Trước và sau khi trời mưa cần bón vôi để ổn định pH của ao nuôi bón đều quanh ao và trên bờ đê.

Kiểm tra kỹ bờ ao, đăng chắn của ao nuôi để tránh thất thoát do mưa lũ đầu mùa vào cuối tháng 8 hằng năm.

Tiến hành thu tỉa tôm cua cá đạt trọng lượng thu hoạch và nuôi tiếp các tôm, cua, cá kích cỡ nhỏ. Tiến hành thu hoạch toàn bộ trước mùa mưa lũ đối với những ao nuôi dễ bị ngập lụt để tránh thiệt hại do mưa lũ.

Chúc bà con có một mùa vụ  thành công./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.299.777
Truy câp hiện tại 2.534