Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, Công ty TNHH nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại chỉ thị 2385/CT-BNN-TCTL ngày 27/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước thuộc địa bàn quản lý; thống kê các công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ năm 2018 và phải báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý kịp thời; có kế hoạch xử lý, tu sửa những hạng mục hư hỏng trước thời gian mưa lũ; kiểm tra vật tư dự phòng để có kế hoạch bổ sung.
- Chỉ đạo các chủ đập xây dựng phương án phòng chống thiên tai cho công trình và vùng hạ du, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi củng cố lực lượng quản lý công trình thủy lợi đủ năng lực, chuyên môn về quản lý, vận hành; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách phát luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác bảo đảm an toàn công trình; nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân sống ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.
- Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công các công thủy lợi đẩy nhanh tiến độ nhằm bảo đảm hoàn thành công trình trước mùa mưa, lũ. Đối với các công trình chưa hoàn thành phải xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho công trình.
3. Công ty TNHH nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế và các chủ đập tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước thuộc đơn vị quản lý; thống kê các công trình, hạng mục có nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ năm 2018 và phải báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý kịp thời; xử lý, tu sửa những hạng mục hư hỏng trước thời gian mưa lũ; Kiểm tra vật tư dự phòng để có kế hoạch bổ sung
- Thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình.
- Tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn hồ chứa; cử cán bộ thường trực tại công trình và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi công trình nhằm sớm phát hiện và xử lý ngay giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
- Tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh thoát lũ, các trục kênh tiêu, cửa vào các cống tiêu nhằm chủ động vận hành các trạm bơm, cống tiêu để tiêu rút nước đệm khi dự báo có mưa lớn xảy ra.
4. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 chủ động xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, hậu cần ứng phó sự cố công trình hồ chứa nước Tả Trạch:
- Làm việc với UBND thị xã Hương Thủy, UBND xã Dương Hòa, xã Phú Sơn và các địa phương liên quan để phối hợp huy động lực lượng tham gia ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
- Hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có liên quan để điều động phương tiện, xe máy tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.
- Rà soát phương án bố trí nguồn điện dự phòng, vật tư dự trữ, hậu cần cho công tác phòng chống thiên tai đối với công trình hồ Tả Trạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch kiểm tra một số công trình hồ chứa nước trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước này 05/6/2018 để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai./.
Có file Công văn kèm theo