Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tình hình thực hiện các quy định về Dân chủ cơ sở tại Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2019
Ngày cập nhật 25/10/2019

.Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt quản lý lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT là lĩnh vực hết sức rộng lớn, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân, cơ quan, tổ chức, vấn đề bảo đảm dân chủ càng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT.

.Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhiều bài học kinh nghiệm về vai trò làm chủ của nhân dân đã được đúc kết. Nguyễn Trãi từng nói “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”; “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Tư tưởng Nho giáo cũng nhìn nhận “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”;… Đến lượt mình, trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ của ông cha và luận điểm của Chủ nghĩa Mac - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đề cập đến xây dựng Nhà nước, cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc thiết lập một nền dân chủ XHCN chân chính đó là nền dân chủ mà “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Đến nay, quan điểm đó vẫn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, xem đó là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với quá trình phát triển của đất nước


Bản chất của dân chủ trong Nhà nước ta chính là dân là chủ và dân làm chủ. Tính dân chủ ấy đã được xác định rõ tại khoản 1, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực, trao quyền cho Nhà nước để thay mình thực hiện việc quản lý chung mọi mặt đời sống xã hội; và ngược lại, Nhà nước - với vai trò là đại diện của Nhân dân phải đảm bảo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình: quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và thụ hưởng quyền lợi về vật chất, tinh thần.


Với vị trí là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Tính dân chủ không chỉ thể hiện qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến người dân, cơ quan, tổ chức khác; mà còn thể hiện trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhằm bảo đảm quyền dân chủ cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan đó.


Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị là điều kiện hết sức quan trọng để công chức, cá nhân, tổ chức phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Tuy nhiên, dân chủ phải đặt trong giới hạn nhất định nhằm bảo đảm trật tự xã hội. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị cần gắn liền với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mà trước tiên đó là sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Dân chủ phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chức và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
 

Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt quản lý lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT là lĩnh vực hết sức rộng lớn, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân, cơ quan, tổ chức, vấn đề bảo đảm dân chủ càng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT.


Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 04/2015/NĐ-CP); Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 01/2016/TT-BNV).

 

Năm 2019, tình hình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được nhiều kết quả khả quan.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Cấp ủy các cấp, các cơ quan đơn vị trong Ngành đã thường xuyên chú trọng, quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong việc lãnh đạo thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ, đã coi trọng việc xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo, bộ phận tham mưu chủ yếu giúp ban thường vụ chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Trong năm 2019, Đảng ủy Sở Nông nghiệp và PTNT đã duy trì liên tục và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; tích cực chuẩn bị nội dung các cuộc họp của cấp ủy bàn về công tác chỉ đạo, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chung. Đồng thời, chủ động đề ra kế hoạch và các chương trình công tác chỉ đạo xây dựng, thực hiện QCDC ở tất cả các đơn vị.

Các cấp ủy Đảng đã gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Tỉnh ủy, gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Dân vận khéo” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đồng thời, tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên ở địa phương, cơ quan,

2. Tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc

Thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Lãnh đạo các đơn vị đã tích cực quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC gắn với thực hiện Chỉ thị của cơ quan cấp trên.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường công tác tiếp xúc cử tri để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, qua tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được đối thoại, giải thích trực tiếp, được tập hợp và trình HĐND xem xét giải quyết.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, quy định chế độ công khai các công trình, dự án, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; áp dụng quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 - 2015; thực hiện nghiêm túc công tác rà soát văn bản, ban hành, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, tham gia đối thoại trực tuyến trên môi trường mạng giữa Lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Thông qua Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã công khai, minh bạch kết quả tiếp dân và hoạt động của chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp, tạo điều kiện để nhân dân được bàn, được giám sát theo quy định, đem lại những thay đổi quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước.

3. Vai trò của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị

Các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công, Cựu chiến binh thường xuyên phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, Pháp luật của nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác phối hợp giới thiệu nhân sự, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Lãnh đạo, quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân. Công đoàn các cấp đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và người lao động đúng quy định

Nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội không ngừng đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chú trọng chăm lo, bảo vệ lợi ích của đoàn viên và người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và công tác đối thoại, hoà giải ở cơ sở.

4. Công tác sơ kết, tổng kết, công tác kiểm tra, giám sát

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, các cấp ủy Đảng đã chú trọng đến công tác sơ kết, tổng kết từng năm, từng giai đoạn; đồng thời, xem công tác kiểm tra là một trong những biện pháp quan trọng để chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, nhờ vậy mà chất lượng, hiệu quả thực hiện ngày càng cao hơn.

Trong kiểm tra, luôn chú trọng tới các đơn vị cơ sở, qua đó đã kịp thời uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm, phát hiện các mô hình, điển hình giúp cho việc nhân rộng các điển hình và sơ kết, tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở hàng năm thiết thực, hiệu quả.

II. Ưu điểm và hạn chế

1. Ưu điểm

- Thực hiện Quy chế dân chủ đã góp phần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Ngành, công chức, viên chức đã có những chuyển biến sâu sắc; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên, qua đó đã khắc phục một phần tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị các cấp ngày càng vững mạnh.

- Hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của bộ máy các cơ quan nhà nước có chuyển biến tốt hơn. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính đã nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

2. Một số hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân

2.1. Hạn chế, khuyết điểm

- Một số cấp ủy và đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc tổ chức xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở nên thiếu tập trung chỉ đạo; chưa chú trọng việc quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ.

- Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở một số đơn vị còn hình thức, Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa được triển khai thực hiện kịp thời, nhiều nơi chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy ước theo nội dung văn bản mới của Chính phủ; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu.

- Việc thực hiện QCDC trong hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ủy ban kiểm tra còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động.

- Sự phối hợp, kết hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể có nơi còn thiếu chặt chẽ; không ít nơi hoạt động của các đoàn thể chưa thực sự làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên và người lao động cũng như chưa tạo được sức mạnh của dư luận nhân dân trong đấu tranh.

2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

- Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ở một số nơi chưa đầy đủ, chưa đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình lãnh đạo, phụ trách.

- Đội ngũ cán bộ do thường xuyên thay đổi, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời nên quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, hạn chế về năng lực công tác cũng tác động đến việc thực hiện dân chủ.

I. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong những năm tới, công tác xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với tăng cường công tác dân vận theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Các nhiệm vụ trọng tâm:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

3. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ đi liền với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; quyền lợi gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội CCVC.

4. Phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc thực hiện dân chủ đại diện; đồng thời, vận động người lao động phát huy dân chủ trực tiếp trong quá trình thực hiện

5. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra

Với những kết quả đạt được trong năm 2019, Lãnh đạo và công chức Sở Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục phát huy tinh thần thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại đơn vị, phấn đấu đạt được các kết quả khả quan trong năm 2020 góp phần ổn định và thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.265.260
Truy câp hiện tại 2.343