Chưa thể xuống giống
Sau các đợt lũ, những vựa hoa vừa xuống giống ở các thôn Mỹ An, Lưu Khánh, Phú Khê, xã Phú Dương (Phú Vang) với diện tích khoảng 7ha gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Mới đây, một bộ phận người dân xuống giống hoa triển khai vụ tết cũng bị hư hại do ngập úng cộng với trời rét.
Ông Nguyễn Văn Tý (thôn Mỹ An, xã Phú Dương) cho biết, sau trận mưa cuối mùa vừa qua, người dân bị thiệt hại nên vẫn chưa “dám” xuống lại giống. Với thời tiết như hiện tại, chắc chắn hoa tết trồng trên ruộng đã trễ vụ, chỉ còn lại hoa trồng trong chậu đã cứng cáp sẵn là kịp khung lịch thời vụ và đáp ứng nhu cầu trong dịp tết sắp đến.
Hộ ông Tý trồng 10 sào hoa cúc ruộng, mọi năm mỗi vụ ông kiếm được từ 30-40 triệu đồng hoa tết. Tuy nhiên, năm nay mưa kéo dài cộng với rét cuối vụ, nước ngập ngâm lâu ngày nên cây bị thối. “Đến nay mọi công tác làm đất gia đình đã chuẩn bị xong, chỉ chờ trời nắng là triển khai trồng hoa vụ mới. Hy vọng nắng lên hoa màu phát triển nhanh kịp có hàng bán trong tết”, ông Tý nói.
Sau lụt đến nay, dù đã cơ bản hoàn thành vệ sinh đồng ruộng, xử lý rều rác và khơi thông kênh mương, nhưng vựa rau Quảng Thành (Quảng Điền) vẫn chưa sản xuất được. Với 500 hộ dân tham gia trồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, nghề trồng rau ở Quảng Thành mang thu nhập ổn định với doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm.
Tại khu sản xuất rau tập trung thôn Thành Trung, lớp bùn đất vẫn còn dày trên mặt ruộng. Người dân đã ra đồng vệ sinh ruộng nhiều ngày trước đó, nhưng chưa triển khai công tác làm đất được nên vẫn chưa xuống giống cho vụ mới. Hàng năm, vào thời điểm hiện tại, các hộ dân đã tất bật chuẩn bị trồng rau để có nguồn cung cho thị trường tết.
Ông Dương Thanh Hùng (thôn Thành Trung) cho biết, thường sau lũ, mọi năm thời tiết có rét nhưng vẫn xen nắng, cây rau phát triển rất nhanh. Năm nay mưa rét kéo dài, vùng trồng rau tập trung nằm ở nơi thấp trũng khiến công tác xuống giống gặp khó khăn. Hiện tại, rau rất được giá, mỗi bó dao động từ 10-15 nghìn đồng (tùy loại), bà con đang triển khai trồng rau tại vườn nhà từ 500-700m2/hộ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hộ ông Hùng trồng 3 sào xà lách. Theo tính toán của ông, với 3 sào rau bình quân đầu tư trên dưới 500 nghìn đồng tiền giống, phân và các thứ khác, cho thu hoạch chừng 8 tạ rau. Với giá như hiện nay, cho lãi hơn chục triệu đồng/vụ.
Chủ động sản xuất
Ông Ngô Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành thông tin, toàn xã có 32 ha rau các loại (trong đó có 5 ha sản xuất theo mô hình VietGAP) tập trung ở các thôn Tây Thành, Thanh Hà, Thành Trung, Phú Ngạn. Hiện nay, những diện tích này nằm ở khu vực thấp trũng chưa thể xuống giống dù nguồn giống hỗ trợ sau lũ của Sở NN&PTNT đã chuyển về cho địa phương.
Dù chưa thể xuống giống nhưng hiện tại vẫn chưa trễ khung lịch thời vụ, bởi theo tính toán cũng như kinh nghiệm của người dân, vẫn còn 10 ngày nữa mới đến thời điểm xuống giống vụ rau. “Tùy mỗi loại rau, thời gian sinh trưởng khoảng 20-60 ngày; do đó, sẽ thu hoạch kịp để bán tết”, ông Hợi cho hay.
Các HTX vận động người dân những ngày tới nếu có nắng lên là triển khai ngay công tác làm đất. Chính quyền địa phương, các HTX chỉ đạo người dân chủ động sẵn nguồn giống, vật tư nông nghiệp (từ nguồn hỗ trợ sau lụt bão cũng như từ các cơ sở vật tư trên địa bàn), thời tiết thuận lợi là triển khai trồng trở lại; trước mặt tập trung trồng ở diện tích vườn nhà khoảng 10 ha toàn xã để có nguồn rau cung ứng kịp thời cho thị trường.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) thông tin, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới triển khai trồng khoảng 150 ha hoa màu và khoảng 45 nghìn hoa chậu. Từ sau lũ đến nay, những địa phương có diện tích đất khô ráo đã triển khai trồng hoa màu trở lại. Riêng đối với vùng trũng vẫn chưa triển khai đồng loạt do còn nhiều vùng đất bị ngập úng, chưa triển khai công tác làm đất.
Sở NN&PTNT đã phân bổ 0,65 tấn giống rau, 10 tấn giống lúa và ngô cho các địa phương triển khai công tác xuống giống sau lũ lụt. Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống chất lượng, năng suất, rõ nguồn gốc để gieo trồng, chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để tăng khả năng chống lại với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sinh vật gây hại; tăng cường theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương chủ động khắc phục thủy lợi và có phương án khôi phục sản xuất sau lũ. Người dân cần chủ động nguồn giống không chờ hỗ trợ để kịp khung lịch thời vụ.
Đối với cây lúa, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường đôn đốc, chỉ đạo nông dân tiến hành khắc phục kịp thời diện tích ruộng lúa bị vùi lấp, cày lật đất để tiêu hủy lúa chét, cỏ dại, các mầm mống sinh vật gây hại để gieo cấy đúng lịch thời vụ. Rà soát số lượng, chất lượng giống lúa đã sản xuất và hỗ trợ, cân đối để đăng ký mua thêm ở các đơn vị cung ứng giống, có phương án chuẩn bị lượng giống dự phòng hợp lý tùy theo điều kiện thực tế của địa phương. Bố trí cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn thực phẩm