Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Công tác tuyên tuyền cải cách hành chính: những kết quả đạt được trong năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Ngày cập nhật 11/12/2021

Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác tuyên truyền về CCHC nên ngay từ cuối năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2021, trong đó đã phân định rõ trách nhiệm và thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, các nội dung, nhiệm vụ tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 tại Kế hoạch được triển khai kịp thời, theo đúng nội dung, tiến độ đề ra. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế cũng đã xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể tại cơ quan, địa phương mình.

Một số kết quả khả quan đã đạt được trong năm 2021 đó là:

 

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị

- Thông qua các buổi giao ban, họp định kỳ, các đơn vị đã tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt công tác cải cách hành chính, tập trung tuyên truyền Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3248/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh về Phê duyệt Kế hoạch CCHC năm 2021; Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình CCHC gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh năm 2021; Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 16/12/2020 của UBND tỉnh về Tuyên truyền CCHC trên địa bàn tỉnh năm 2021; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt chương trình Chuyển đổi số tỉnh; Chỉ thị số 24/CT-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác CCHC gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh; Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; các quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ/hủy bỏ trong năm 2021 …

- Các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã thường xuyên quan tâm lồng ghép đa dạng hóa nội dung tuyên truyền và chỉ đạo tăng cường công tác CCHC trong hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ hàng năm, sinh hoạt chuyên đề nội bộ... đảm bảo thống nhất cao trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và CBCCVC về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp CCHC.... Một số đơn vị đã triển khai các hoạt động nổi bật như: Sở Tư pháp đã tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật và Nghị định mới được ban hành năm 2021; Sở Xây dựng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghệp trong quá trình giải quyết TTHC; Sở Du lịch đã tuyên truyền qua 01 lớp chuyên đề bồi dường cho hướng dẫn viên với 60 hướng dẫn viên tham gia; lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch với 47 lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch; UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh, các phần mềm ứng dụng trong quản lý dịch bệnh Covid-19; Ban Quản lý Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh đã thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nói chung, các quy định về CCHC nói chung cho đội ngũ cán bộ Công đoàn trực thuộc, và đông đảo công nhân lao động  tại các doanh nghiệp; Sở Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên phối hợp các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, biện pháp, giải pháp chuyển đổi số, nhất là vấn đề xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số... Đặc biệt, Ban quản lý đã thường xuyên tổ chức Chương trình đối thoại tại nơi làm việc ở các công ty để kịp thời nắm bắt, giải quyết phản ánh kiến nghị của người lao động...

- Thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ và thường xuyên cập nhật TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử của đơn vị; đồng thời cập nhật dữ liệu TTHC vào cơ sở dữ liệu thông qua Hệ thống thông tin TTHC theo quy định tại Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 25/2/2016 của UBND tỉnh. Bộ phận “một cửa” của các cơ quan, ngành, địa phương ở các trung tâm phục vụ hành chính công đã thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn các quy định, quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh, chính xác, đáp ứng được yếu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Duy trì đường dây nóng giải đáp các thắc mắc liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC và tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan đến giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch. Riêng Sở Công thương thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc có điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương.

- Tổ chức việc tiếp nhận ý kiến nhận xét, đóng góp, kiến nghị của tổ chức, công dân về TTHC theo quy định tại Quyết định số 2709/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của UBND tỉnh về  ban hành quy định khảo sát  lấy ý kiến mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC ở các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường biên soạn, biên tập tin bài tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử của đơn vị. Nhiều nội dung tin, bài được cập nhật liên tục, thường xuyên, mang tính thời sự đáp ứng yêu cầu của người truy cập nhất là các vấn đề liên quan đến CCHC.

- Bên cạnh đó đã thực hiện nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trong cơ quan nhằm đổi mới toàn diện và tăng cường hiệu quả hoạt động cơ quan, đơn vị được chú trọng triển khai thông qua các cuộc kiểm tra.

Thông qua công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, hầu hết các đơn vị, địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các nhà đầu tư, doanh nhân và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện cải cách hành chính và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhìn chung các cấp, các ngành đã gắn nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính  vào Nghị quyết của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bước đầu tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức, viên chức.

2. Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương phối hợp tích cực, có hiệu quả với các cơ quan thông tin, truyền thông ở cả Trung ương và địa phương để tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu, chuyển tải các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cải cách hành chính. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài truyền thanh, truyền hình và các kênh thông tin khác. Có thể nói, công tác tuyên truyền CCHC năm 2021 đã được các cơ quan báo chí triển khai một cách tích cực, đồng bộ, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. Cụ thể:

- Trong năm 2021, các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá về chủ trương, chính sách cũng như kết quả thực hiện CCHC của tỉnh Thừa Thiên Huế đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Quản lý nhà nước xây dựng các phóng sự tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế; Sở Xây dựng hợp tác với Báo Xây dựng điện tử xây dựng chương trình tuyên truyền chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC ngành xây dựng...

- Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên đề, chuyên mục có nội dung tuyên truyền về CCHC và việc chuyển đổi số, trong đó có nội dung xây dựng chính quyền số. Mục CCHC trong chuyên đề tiếp tục phản ánh có chiều sâu về CCHC trên địa bàn tỉnh; tình hình, kết quả triển khai mô hình chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; công tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực; kết quả bước đầu công tác xây dựng và phát triển dữ liệu mở; các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới; Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù – động lực để tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương....

- Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên trang CCHC, tuyên truyền kịp thời cơ chế, chính sách, nhất là kết quả chuyển đổi số của tỉnh với trọng tâm nội dung xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC. Đặc biệt trong năm 2021, Báo Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền về tình hình triển khai các nội dung hiện đại hóa hành chính, trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17-NQ/CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ; Các mô hình thí điểm trong quá trình CCHC; các điển hình tiên tiến trong thực hiện CCHC tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương các cấp và những vấn đề nổi cộm, bức xúc xảy ra trong công tác CCHC.

  • Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện cũng có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến CCHC đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tất cả các trung tâm đã xây dựng các chuyên mục: Cải cách hành chính, Pháp luật và đời sống, Hỏi đáp pháp luật…. xoay quanh các nội dung: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan hành chính nhà nước; Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Công bố, Công khai các Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành và thủ tục hành chính bị bãi bỏ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ công chức gắn với xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số; Vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ triển khai công tác CCHC ở từng cấp, ngành, đơn vị, từng lĩnh vực… thời lượng mỗi chuyên đề từ 5-10 phút. Trong năm 2021, trung bình mỗi trung tâm đã xây dựng và phát sóng 85 tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác CCHC đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện còn tích cực gửi tin bài cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, VTV8, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Công an Nhân dân ANTV, báo Thừa Thiên Huế, báo Thanh Niên, báo Nhân dân… để tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả hơn về tình hình thực hiện CCHC trên địa bàn.

3. Tuyên truyền trên môi trường mạng

- Tiếp tục nâng cao chất lượng các chuyên trang tuyên truyền CCHC trên trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đây là những kênh tuyên truyền hiệu quả, góp phần đưa thông tin kịp thời, chính xác về công tác CCHC đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức, doanh nghiệp, và người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã đăng tải gần 30 file thu âm phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới, các tiểu phẩm pháp luật với nội dung sinh động, thể hiện bằng hình thức diễn kịch…để nâng cao hiệu quả tuyên truyên, phổ biến pháp luật. Cũng thông qua trang TTĐT, Sở Tư pháp đã thực hiện giải đáp 200 tình huống về TTHC liên quan đến các lĩnh vực như: hòa giải thương mại; thừa phát lại; trọng tài thương mại; giáo dục và đào tạo; văn hóa và thể thao; hộ tịch; công chức, viên chức; thi đua khen thưởng; tổ chức, biên chế; hội, tổ chức phi chính phủ; lao động, tiền lương.

- Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC trên trang TTĐT của đơn vị và mạng xã hội. Thông qua các nền tảng Zalo, Facebook, kênh Youtube... từ đó tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo nhân dân các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CCHC; tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông, dịch vụ công trực tuyến đang được triển khai; tình hình và kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.

  • Đã quan tâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh theo Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 17/9/2013 của UBND tỉnh. Thông qua đối thoại trực tuyến trên môi trường mạng đã giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như nhân dân hiểu rõ hơn, tiếp cận các chủ trương, chính sách của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với các doanh nghiệp; đồng thời, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình lãnh chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

4. Các hình thức tuyên truyền trực quan khác

- Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền về chính sách pháp luật nói chung và CCHC nói riêng, cụ thể: Bản tin Tư pháp chuyên đề về CCHC (500 cuốn), 10.000 tờ gấp pháp luật giới thiệu Quy trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; 02 Tờ gấp pháp luật với số lượng 20.000 tờ (10.000 tờ/loại), giớithiệu quy định về danh sách cử tri, các công việc thực hiện trong ngày bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để cấp phát cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

- Sở Thông tin và Truyền thông đã biên soạn và phát hành 22.000 tờ gấp tuyên tuyền hướng dẫn sử dụng dịch vụ công và các ứng dụng đô thị thông minh đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Các đặc san, ấn phẩm, bản tin của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về CCHC.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, phong phú: Biên soạn tờ rơi, infograpic, pano tuyên truyền về cải cách hành chính nói chung và truyên truyền về kỷ cương, kỷ luật hành chính nói riêng tại các trung tâm huyện; đặc biệt, nhằm hiện đại hóa, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trực quan, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đã  trang bị bản điện tử chạy các nội dung tuyên truyền CCHC tại bộ phận một cửa và thực hiện truyên truyền CCHC trên màn hình Led tại trung tâm huyện, thị xã.

Nhìn chung, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt sâu rộng công tác CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức, các nhà đầu tư, doanh nhân và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác CCHC.

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, song công tác tuyên truyền về CCHC năm 2021 còn tồn tại một số hạn chế như:

  • Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác tuyên truyền CCHC còn thiếu chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả tuyên truyền, giáo dục chưa sâu rộng, đồng bộ.
  • Tại các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự kịp thời và đầy đủ các chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính cho người dân.
  • Nội dung và hình thức tuyên truyền CCHC chưa đổi mới mạnh mẽ. Nội dung tuyên truyền vẫn thiếu tính thuyết phục, chủ yếu tập trung những mặt tích cực, ưu điểm, chưa nêu được những mặt tiêu cực, hạn chế, yếu kém về CCHC. Hình thức tuyên truyền phục vụ CCHC còn đơn điệu, một số hình thức đơn giản, dễ làm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để (infograpic …).
  • Một số sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa quan tâm bố trí nguồn lực (nhân lực, kinh phí) phục vụ CCHC và công tác tuyên truyền về CCHC nói riêng nên hiệu quả công tác tuyên truyền còn hạn chế.
  • Việc phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước cho báo chí chưa chủ động, kịp thời gây hạn chế trong công tác tuyên truyền CCHC.
  • Vẫn còn hạn chế trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng đô thị thông minh như: giám sát camera, giám sát dịch vụ hành chính, dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh.

- Chưa khai thác hết được tiềm năng và hiệu quả tuyên truyền CCHC trên mạng xã hội.

Với những kết quả đạt được cũng như nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2022 như sau:

1. Bám sát các Chương trình, Nghị quyết về công tác CCHC trong giai đoạn mới để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC, đồng thời gắn công tác tuyên truyền CCHC với tuyên truyền, truyền thông xây dựng hoàn thiện chính quyền điện tử, chinh quyền số, kinh tế số, xã hội số.

2. Các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phục vụ kịp thời các nhu cầu chính đáng của người dân; chống tham nhũng, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong tiếp nhận và giải quyết các công việc của dân và doanh nghiệp.

3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về CCHC với các hình thức tuyên truyền phù hợp thực tế và yêu cầu của địa phương.

4. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn tỉnh; hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Qua đó, để cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá tạo phát triển bền vững.

5. Tăng cường ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền về CCHC, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiện tích của mạng xã hội có nhiều người dùng (như zalo, Facebook, Youtube...) trong việc tuyên truyền về các nội dung CCHC.

6. Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực trình độ, thiết bị hỗ trợ công nghệ thông tin cho công chức, viên chức trong công tác CCHC, đồng thời quan tâm bố trí kinh phí và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền CCHC của tỉnh.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.293.900
Truy câp hiện tại 18.880