Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại Bản tin dự báo hiện tượng El Nino ngày 15/5/2023, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể khéo dài sang đầu năng 2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước.
Trên địa bàn tỉnh, trong khoảng thời gian đầu tháng 5/2023 thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan. Hiện tượng nắng nóng gây gắt xuất hiện từ ngày 04-07/5/2023 đặc biệt trong các ngày 06-07/5 xuất hiện nắng nóng kỷ lục tại tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày 07/5 ở vùng đồng bằng và thành phố Huế là 40,0oC, độ ẩm thấp nhất 49%. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm đều thấp hơn và chỉ đạt từ 30-70% so với TBNN.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4732/UBND-XD ngày 17/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với quy mô nắng nóng, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn theo nội dung Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 09/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vụ Hè Thu 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp sau:
1. Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Hè Thu 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.
2. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Hè Thu 2023, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2023. Xây dựng phương án phòng chống hạn theo từng kịch bản diễn biến thời tiết cụ thể.
3. Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
4. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
5. Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa bão trong năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; xây dựng các phương án thi công, dẫn dòng phù hợp để đảm bảo không gây ách tắc, cản trở dòng chảy cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp
6. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả.
7. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Hè Thu 2023. Tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn.
8. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt loại hình tự chảy: Thực hiện chống rò rỉ, hao hụt, thất thoát từ đập dâng và hố thu nước đầu nguồn để tập trung nguồn nước về khu xử lý chất lượng và bể chứa. Kiểm tra xử lý hệ thống đường ống cấp nước đảm bảo không rò rỉ thất thoát, hệ thống van điều tiết hoạt động tốt để có thể điều tiết cấp nước luân phiên theo từng cụm dân cư khi bị thiết hụt nguồn cung cấp.
9. Đối với nuôi trồng thủy sản: Những diện tích thiếu nước cần tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các diện tích không đảm bảo nguồn nước thì các địa phương chủ động chuyển đổi hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng thủy sản tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Giảm số lượng lồng nuôi, mật độ cá giống thả và tăng cường các thiết bị, biện pháp kỹ thuật về cho ăn, chăm sóc đối với nuôi cá lồng trên sông Bồ, sông Đại Giang và sông Ô Lâu. Thu hoạch sớm, thu tỉa sản phẩm thủy sản thương phẩm theo khung lịch thời vụ.
10. Công ty TNHH NN MTV QLKT CTTL Thừa Thiên Huế: Chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, vận hành các công trình thủy lợi, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
11. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện: Thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2023 theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019, Công văn số 66/SNNPTNT-TL ngày 12/01/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thống nhất kế hoạch cấp nước cho hạ du các hồ chứa trên lưu vực sông Hương trong các tháng mùa khô năm 2023.
12. Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế: Căn cứ tình hình nguồn nước hiện nay để xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2023.
Đề nghị các địa phương, đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện./.