Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thử nghiệm ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất và chất lượng mủ cao su khai thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 11/12/2014

Hiện nay, ở Việt Nam đã sử dụng thuốc kích thích mủ cao su bôi lên lớp vỏ cạo nhằm tăng sản lượng từ 20-40 % tùy giống cây và điều kiện dinh dưỡng. Việc sử dụng chất kích thích mủ kết hợp giảm chế độ cạo là giải pháp tốt để giảm chi phí lao động ( khoảng 20%), tiết kiệm vỏ cạo 2,5 -3cm/năm.

Theo Viện Nghiên cứu Cao su, hoạt chất kích thích được dùng phổ biến hiện nay là Ethephon ( acid 2 - chloroethyl phosphonic), khi bôi lên cây Ethylen được nhả dần, tác động lên các tế bào vỏ và tế bào ống mủ thúc đẩy gia tăng sản lượng. Quy trình kỹ thuật Tiêu chuẩn ngành 10 TCN của Bộ NN&PTNT đã đưa ra chế độ khai thác có sử dụng chất kích thích mủ ở bắc Trung bộ trở ra (bao gồm Thừa Thiên Huế).
Tuy nhiên, quy trình  trên chưa được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại Thừa Thiên Huế. Vì vậy, để áp dụng quy trình khai thác, kích thích mủ phù hợp với thực tiễn của địa phương cần nghiên cứu, xác định chế độ cạo và nhịp độ kích thích nhằm hoàn thiện quy trình phù hợp với điều kiện canh tác.
Xuất phát từ những vấn đề trên, được sự hổ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi nghiên cứu chuyên đề “ Thử nghiệm ảnh hưởng của nhịp độ kích thích ở các chế độ cạo khác nhau đến sản lượng và chất lượng mủ cao su” thuộc đề tài “Thử nghiệm ứng dụng chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất và chất lượng mủ cao su khai thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” nhằm đánh giá, xác định được quy trình khai thác mủ cao su phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Thừa Thiên Huế, trên cơ sở nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất theo Tiêu chuẩn ngành 10 TCN để khuyến cáo và chuyển giao công nghệ cho nông dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh áp dụng vào sản xuất.
 NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thử nghiệm được tiến hành trên cao su khai thác từ năm cạo thứ 3-5 và năm 6-10, đang thực hiện chế độ cạo ngửa trên mặt cạo BO-1 và BO-2 đối với các dòng vô tính (DVT) PB 260, PB235, GT1, tại 03 huyện Phong Điền, Hương Trà và Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế. Sử dụng chất kích thích Ethephon 2,5%.
-  Mủ nước của mỗi lần cạo được đong gộp các cây trên cùng ô cơ sở. Mủ tạp thu và cân ngày hôm sau. Sản lượng mủ quy khô trung bình mỗi cây trong một lần cạo  được tính 2lần/ tháng theo công thức:
 

g/c/c =

(Vmủ nước x DRC %)   + (Mmủ tạp x 50 %)

Ncạo/ô

Trong đó: Vmủ nước là tổng thể tích mủ nước,  Mmủ tạp là tổng lượng mủ tạp,  Ncạo/ô là tổng số cây cạo của ô cơ sở.

- Năng suất vườn cây (kg/ha/năm): lượng toán từ sản lượng cá thể trung bình năm; số lần cạo/năm và số cây theo dõi thực tế qui đổi.

- Hàm lượng mủ khô ( DRC) được xác định hai lần/ tháng. Mủ tạp được tính x 50%. Xác định DCR(%) bằng phương pháp xác định hàm lượng chất rắn trong mủ nước ( TSC). Công thức tính DRC = 90% TSC.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN:
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM ẢNH HƯỞNG  CỦA NHỊP ĐỘ KÍCH THÍCH  Ở CÁC CHẾ ĐỘ CẠO KHÁC NHAU ĐẾN SẢN LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG MỦ :
Ảnh hưởng của nhịp độ kích thích đến sản lượng và chất lượng mủ trên cao su cạo từ năm thứ 3 đến năm thứ 5:
Năng suất, sản lượng của các nghiệm thức được biểu thị bằng khối lượng mủ quy khô trên đơn vị diện tích trong năm. Ứng dụng chế độ khai thác hợp lý vườn cây cho năng suất cao, bền vững.
Kết quả là năng suất cá thể của các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET 2,5% 2-4 lần /năm cao hơn hẳn so với cạo d/2 không kích thích. Trung bình từ tháng 8/2012- 2/2013 của các nghiệm thức cạo d/2 ET 2,5% Pa 2-3/y đạt  42,03- 42,88 g tăng từ  13,01- 13,53% so với đối chứng d/2 không kích thích (37,16 g). Các nghiệm thức cạo d/3 có sử dụng ET 2,5% 2-4 lần /năm rất cao . Cao nhất là nghiệm thức d/3 ET 2,5%Pa 3/y đạt 49,72 g.
Như vậy, việc sử dụng kích thích ET 2,5% đã làm gia tăng năng suất cá thể g/c/c so với không kích thích trên cao su cạo ở giai đoạn cạo miệng ngửa (BO-1).
 Năng suất cá thể g/c/c qua các tháng tại Hương trà Thừa Thiên Huế:
 Kết quả lần kích thích thứ nhất và thứ hai của các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET 2,5% 2- 4 lần /năm cao hơn hẳn so với d/2 không kích thích.
- Lần kích thích thứ nhất : Các nghiệm thức  d/2 ET 2,5% Pa 2-4/y đạt 40,22 - 43,57 g,  tăng  32 -32,57 % so với cạo d/2 không kích thích (30,47 g). Các nghiệm thức cạo d/3 ET 2,5% Pa 2-4/y  đạt 43,63 - 45,90 g, tăng so với d/2 không kích thích và d/3 không kích thích lần lượt là 32,17 – 36,94 %.
- Lần kích thích thứ hai: Các nghiệm thức  d/2 ET 2,5% Pa 2-4/y đạt  52,84-55,34 g tăng 26,5 - 44,98 % so với d/2 không kích thích (38,17g). Các nghiệm thức cạo d/3 ET 2,5% Pa 2-4/y  đạt 57,94- 60,29 g  cao hơn hẳn so với d/2 không kích thích và d/3 không kích thích.
- Lần kích thích thứ 3 : Sự khác biệt của tất cả các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET2,5% so với d/2 không kích thích là thấp, không có ý nghĩa thống kê. Nhưng các nghiệm thức cạo d/3 ở lần kích thích thứ 3 tăng so với  d/2 không kích thích và d/3 không kích thích lần lượt là 43,21% và 33,94%.
- Lần kích thích thứ 4 : Sự khác biệt các nghiệm không có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, chứng tỏ  trong phạm vi của thử nghiệm này thì khả năng đáp ứng với chất kích thích ET 2,5 % ở chế độ cạo d/2 với nhịp độ kích thích > 2 và ở chế độ cạo d/3 với nhịp độ kích thích > 3  là không tốt.
Năng suất của các nghiệm thức kg/ha :
Kết quả cho thấy, hai nghiệm thức cạo d/2  kết hợp kích thích ET 2,5 % với nhịp độ 2- 3/y tương đương nhau và cao hơn so với đối chứng d/2 không kích thích. Các nghiệm thức cạo d/3 tuy có năng suất cá thể g/c/c cao nhưng do có số lần cạo / năm ít hơn d/2 (52/78 lát cạo) nên sản lượng cộng dồn qua 7 tháng ít hơn d/2. Nghiệm thức d/2 ET 2,5% Pa 2/y có năng suất thu được sau 7 tháng đạt 1.337,92 kg/ha tăng 16,26%  so với đối chứng cạo d/2 không kích thích (1.150,73 kg/ha).
Ảnh hưởng của nhịp độ kích thích đến sản lượng và chất lượng mủ trên cao su cạo từ năm thứ 6 đến năm thứ 10:
 Năng suất cá thể gram trên cây/ lần cạo (g/c/c) :
Kết quả cho thấy, năng suất cá thể của các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET 2,5% 3-4 lần /năm cao hơn hẳn so với cạo d/2 không kích thích. Trung bình từ tháng 8/2012- 2/2013 của các nghiệm thức cạo d/2 ET 2,5% Pa 3-4/y đạt  41,43- 44,43 g tăng từ 7,62 - 12,36% so với đối chứng (39,54 g). Các nghiệm thức cạo d/3 có sử dụng ET 2,5% 2-4 lần /năm rất cao đạt 49,17- 50,19 g. Cao nhất là nghiệm thức d/3 ET 2,5% Pa 3/y đạt 49,66 g.
Tương tự các nghiệm thức cạo d/2 kích thích 3 -4 lần đạt 42,18 - 44,49g  cao hơn hẳn so với đối chứng (37,86g). Các nghiệm thức cạo d/3 kích thích 3 -4 lần đạt 41,24-42,79g cao hơn so với đối chứng (36,98 g). Các nghiệm thức cạo d/3 có kích thích là rất cao.
Như vậy, việc sử dụng kích thích ET 2,5% đã làm gia tăng năng suất cá thể g/c/c so với không kích thích trên cao su cạo  ở giai đoạn cạo miệng ngửa (BO-2).

* Kết quả  lần kích thích thứ nhất và thứ hai, ba của các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET 2,5% 3- 5 lần /năm cao hơn hẳn so với d/2 không kích thích.
- Lần kích thích thứ nhất : Các nghiệm thức  d/2 ET 2,5% Pa 3-5/y đạt 42,71 - 44,88 g,  tăng  22,17 -37 % so với cạo d/2 không kích thích (32,76 g). Các nghiệm thức cạo d/3 ET 2,5% Pa 2-4/y  đạt 45,14- 45,53 g, tăng so với d/2 không kích thích và d/3 không kích thích lần lượt là 28,04 - 39,01 % và 27,85- 36,95%
- Lần kích thích thứ hai: Các nghiệm thức  d/2 ET 2,5% Pa 3-5/y đạt  53,39-55,01g tăng 17,18- 25,19 % so với d/2 không kích thích (43,94g). Các nghiệm thức cạo d/3 ET 2,5% Pa 3-5/y  đạt 59,24- 60,31 g  cao hơn so với d/2 không kích thích và d/3 không kích thích.
- Lần kích thích thứ 3: Các nghiệm thức  d/2 ET 2,5% Pa 3-5/y đạt  47,37-50,01 g tăng 7,76- 14,94 % so với d/2 không kích thích (43,49 g). Các nghiệm thức cạo d/3 ET 2,5% Pa 3-5/y  đạt 52,71- 61,80 g  cao hơn so với d/2 không kích thích và d/3 không kích thích.
- Lần kích thích thứ 4: Sự khác biệt của tất cả các nghiệm thức cạo d/2 có sử dụng kích thích ET2,5% so với d/2 không kích thích là thấp và không có ý nghĩa thống kê. Riêng các nghiệm thức cạo d/3 ở lần kích thích thứ 4 tăng so với  d/2 không kích thích và d/3 không kích thích lần lượt là 18,28% và 7,26 %.
- Lần kích thích thứ 5: Sự khác biệt của tất cả các nghiệm thức cạo d/2 và d/3 có sử dụng kích thích ET2,5% so với  không kích thích là thấp và không có ý nghĩa thống kê.
Điều này chứng tỏ, trong phạm phi của thử nghiệm này thì khả năng đáp ứng với chất kích thích ET 2,5 % ở chế độ cạo d/2 với nhịp độ kích thích > 3 và ở chế độ cạo d/3 với nhịp độ kích thích > 4  là không tốt.
* Năng suất của các nghiệm thức kg/ha :
Kết quả hai nghiệm thức cạo d/2  kết hợp kích ET 2,5 % với nhịp độ 3- 4/y tương đương nhau và cao hơn so với đối chứng d/2 không kích thích. Các nghiệm thức cạo d/3 tuy có năng suất cá thể g/c/c cao nhưng do có số lần cạo / năm ít hơn d/2 (51/76 lát cạo) nên sản lượng cộng dồn qua 7 tháng ít hơn d/2.
Nghiệm thức d/2 ET 2,5% Pa 3/y có năng suất thu được sau 7 tháng đạt 1.418,15 kg/ha tăng 13,35%  so với đối chứng cạo d/2 không kích thích (1.251,07 kg/ha).
Hàm lượng cao su khô DRC:
Hàm lượng cao su khô DRC tương đương 90% hàm lượng chất khô ( TSC), TSC thấp phản ánh sự tái tạo không đầy đủ giữa hai lần cạo và có thể dẫn đến việc cạo không có mủ. Ngược lại TSC cao phản ánh sự tái sinh tích cực, tuy nhiên trong trường hợp tái sinh quá mạnh làm tăng độ nhầy gây cản trở dòng chảy.
Tất cả các nghiệm thức có sử dụng ET 2,5% đều có DRC thấp hơn so với d/2 và d/3 không kích thích. Nghiệm thức d/2 ET 2,5%  5/y có DRC thấp nhất đạt 30,02% thấp hơn so đối chứng 3,75%, kế đến là nghiệm thức d/2 ET 2,5%  4/y có DRC 30,26 thấp hơn so đối chứng 2,98 %.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ:
Việc sử dụng kích thích ET 2,5% đã làm gia tăng năng suất cá thể g/c/c so với không kích thích trên cao su cạo  ở giai đoạn cạo miệng ngửa (BO-1 và BO-2).
Đối với cao su cạo từ năm thứ 3-5: Năng suất ở chế độ cạo d/2 có kích thích ET 2,5% ở nhịp độ 2 và 3 lần tương đương nhau và cao hơn hẳn so với đối chứng, nhưng DRC của chế độ cạo d/2 kích thích 3 lần trở lên  giảm đi rỏ rệt.
Đối với cao su cạo từ năm thứ 6-10: Năng suất ở chế độ cạo d/2 có kích thích ET 2,5% ở nhịp độ 3 và 4 lần tương đương nhau và cao hơn hẳn so với đối chứng, nhưng DRC của chế độ cạo d/2 kích thích 4 lần trở lên giảm đi rỏ rệt.
Các nghiệm thức cạo d/3 tuy có năng suất cá thể g/c/c cao nhưng do có số lần cạo / năm ít hơn d/2  nên năng suất thấp hơn chế độ cạo d/2.
Chế độ cạo hợp lý nhất:
* Đối với cao su cạo từ năm thứ 3-5: áp dụng chế độ cạo S/2↓d/2 7d/7ET 2,5% Pa 2/y ( 8,9).
* Đối với cao su cạo từ năm thứ 6-10: áp dụng chế độ cạo S/2↓d/2 7d/7 ET 2,5% Pa 3/y (8,9,10)
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm và theo quy trình kỹ thuật của Tiêu chuẩn ngành 10 TCN, chúng tôi đề nghị áp dụng các chế độ cạo trên vào sản xuất diện rộng tại Thừa Thiên Huế./.



Trần Quang Phước, Nguyễn Văn Dương và CTV  Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư Thừa Thiên Huế
Ghi chú: Đây là kết quả của đề tài KHCN cấp tỉnh được ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư hổ trợ.
 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.365.403
Truy câp hiện tại 16.202