Về tình hình sâu bệnh trên cây lúa, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật hiện nay đã xuất hiện một số sâu bệnh như: bệnh đạo ôn gây hại trên các giống nhiễm (Nếp, Xi23, X21,...) tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, bệnh cấp 1, bệnh tiếp tục phát triển khi điều kiện thời tiết thuận lợi; chuột gây hại cục bộ tỷ lệ 1-3%, nơi cao 5-10%; ốc bươu vàng gây hại mật độ 3-5 con/m2, cục bộ 200con/m2; tuyến trùng rễ gây hại cục bộ tỷ lệ 5-10%, nơi cao 20%; các đối tượng sinh vật gây hại khác mật độ và tỷ lệ thấp.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong tháng 2/2015 có khả năng xuất hiện khoảng 3-4 đợt không khí lạnh gây mưa nhỏ rải rác cho các tỉnh phía Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, nhiệt độ tại khu vực này giảm thấp, trời rét sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Trong thời gian Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là giai đoạn cao điểm cây trồng, vật nuôi cần phải chăm sóc và một số dịch bệnh có điều kiện phát sinh, phát triển; đồng thời năm nay thời gian nghỉ tết kéo dài (9 ngày) nếu chủ quan không kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất...
Nhằm đạt kết quả tốt trong sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở; UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với cây lúa:
- Tranh thủ những ngày thời tiết nắng, ấm chỉ đạo bà con nông dân bón phân, chăm sóc cho các trà lúa đã gieo cấy, tiến hành tỉa dặm sớm, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt ngay từ đầu vụ.
- Khi nhiệt độ xuống thấp cần giữ nước thường xuyên trong ruộng, bón thêm tro bếp, lân, kali để lúa chống rét, tuyệt đối không bón đạm.
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện và hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ các đối tượng sâu bệnh kịp thời, quan tâm đến các đối tượng như bệnh đạo ôn lá trên các trà lúa gieo sạ sớm đối với các giống nhiễm như nếp, IR38, 13/2...nhất là ở những vùng đất bạt màu nghèo dinh dưỡng; dòi dục nõn, ốc bươu vàng ở các vùng thấp trũng; bọ trĩ ở trà lúa gieo muộn, ...để có biện pháp xử lý, tuyệt đối không phun thuốc để yên tâm ăn tết khi chưa đến ngưỡng phòng trừ.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo tình hình dịch hại, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm để xử lý kịp thời.
2. Đối với các cây trồng ngắn ngày khác:
Tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ gieo trồng sắn CN, lạc, ngô, rau, màu. Tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương để bố trí các công thức luân canh, xen canh phù hợp (lạc – sắn, lạc – đậu đỗ, lạc – khoai) để đảm bảo thời vụ trồng và sử dụng tối đa quỹ đất hiện có.
Tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh đúng quy trình ngay từ đầu vụ để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
3. Đối với các cây dài ngày:
Cần tiến hành chăm sóc kịp thời các diện tích trồng mới cao su, cây ăn quả bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn bà con nông dẫn thực hiện các biện pháp xử lý bệnh héo đen đầu lá, xì mủ, loét sọc miệng cạo trên cao su, bệnh chảy gôm, muội đen, sâu đục thân trên cây ăn quả.
4. Đối với chăn nuôi:
- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn cho các chủ nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo nội dung Công văn số 1480/SNNPTNT-TTCN ngày 16/12/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường chỉ đạo triển khai công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi và Công văn số 167/SNNPTNT-TTCN ngày 05/3/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng chống rét cho trâu, bò.
- Hướng dẫn nông dân có các giải pháp phù hợp để phục hồi và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao để giúp nông dân nâng cao chất lượng đàn lợn tại địa phương.
- Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân 2015 theo Kế hoạch số 509/KH-CCTY ngày 15/12/2014 của Chi cục Thú y.
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật theo nội dung Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 09/01/2015 của UBND tỉnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, Chi cục BVTV và Trạm BVTV các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chi cục Thú y, Trạm Thú y các huyện, thị xã phân công cán bộ trực theo dõi, phối hợp chặt chẻ với địa phương bám sát đồng ruộng để kiểm tra, phát hiện và cảnh báo kịp thời tình hình sâu bệnh cây trồng và dịch bệnh gia súc, gia cầm; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Sở để có biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả.