Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hiệu quả mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học tại phường Thủy Dương, Thị xã Hương Thủy
Ngày cập nhật 25/08/2016
Nuôi lợn trên đệm lót sinh học tại hộ ông Lê Hoàng- Phường Thủy Phương

Phường Thủy Phương thuộc thị xã Hương Thủy có chăn nuôi khá phát triển, năm 2015 có tổng đàn trâu bò 429con, đàn lợn 3.231con, đàn gia cầm 28.591con. Chăn nuôi lợn chủ yếu trong nông hộ với quy mô từ 5-20 con. Một trong những trở ngại để phát triển chăn nuôi nông hộ ở Thủy Phương là ô nhiễm môi trường do phân thải vật nuôi không được xử lý, đây là vấn đề đang gây bức xúc trong khu dân cư trên địa bàn Phường.

Để giúp bà con nông dân phát triển chăn nuôi lợn kết hợp ứng dụng kỹ thuật mới về xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuyển đổi giống lợn có năng suất chất lượng cao, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Nông dân Phường triển khai mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học với giống lợn siêu nạc 100% máu ngoại. Mô hình được thực hiện tại 4 hộ với quy mô 7 con/hộ. Sau 5 tháng triển khai, tại Hội nghị đầu bờ tổ chức vào ngày 19/8/2016, kết quả mô hình được đánh giá như sau:

Về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

- Khả năng tăng trọng và tiêu tốn thức ăn của lợn sau 100 ngày nuôi:  Lợn tăng trọng bình quân 780g/ngày (23,5kg/tháng). Tiêu tốn thức ăn bình quân/kg tăng trọng: 2,61kg. Trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 100kg/con

- Lợn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, không có bệnh tật nghiêm trọng, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%.

Mặc dù trong điều kiện thời tiết mùa hè khá nóng 36-370C, nhiệt độ đệm lót ở độ sâu 20cm cao hơn nhiệt độ trên nền bê tông từ 2-30C nhưng lợn vẫn tăng trọng tốt nhờ sử dụng các giải pháp chống nóng như: Chuồng trại thông thoáng, có phần nền bê tông để lợn nằm khi nóng, bắt vòi phun sương và quạt để làm mát cho lợn. Khả năng tăng trọng của lợn trong mùa hè tương đương với tăng trọng của lợn mô hình trong mùa đông năm 2015-2016.

Về hiệu quả kinh tế:

            - Tiết kiệm công dọn chuồng và chăm sóc nuôi dưỡng: Nuôi lợn chuồng bê tông phải dọn chuồng 2 lần ngày, nuôi đệm lót chỉ xới đệm 1 lần/ngày, mặc khác bố trí máng ăn và vòi uống tự động nên tiết kiệm công chăm sóc nuôi dưỡng, ước tính lợi được 3 công lao động/100 ngày nuôi, tương ứng 300.000đồng.

            - Chi phí làm đệm lót ban đầu/hộ nuôi : 600.000đ. Số tiền chi phí làm đệm lót tương ứng với giá trị thu được phân sạch để bón cho cây trồng.

            - Thu nhập bình quân/con lợn nuôi trên đệm lót của mô hình tại thời điểm xuất chuồng hiện nay đạt: 735.000đ/con (bình quân mỗi hộ tham gia mô hình có thu nhập hơn 5 triệu đồng)

Về hiệu quả xã hội và môi trường:

- Toàn bộ phân và nước tiểu lơn thải ra hàng ngày được lên men phân hủy trong đệm lót vì vậy không có mùi hôi.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuồng nuôi hầu như không có ruồi, muỗi  nên hạn chế lây truyền bệnh cho con người cũng như vật nuôi.

- Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học có thể phát chăn nuôi lợn ở khu dân cư mà không sợ gây ô nhiễm, tạo ra sinh kế cho nông dân ở các vùng này nhằm tăng thêm thu nhập.

- Thông qua mô hình, hộ chăn nuôi đã tiếp thu được tiến bộ kỹ thuật mới về chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học đồng thời hướng dẫn cho các hộ khác làm theo.

Khả năng nhân rộng mô hình:

- Trong quá trình thực hiện mô hình các hộ đã cải tiến, xây thêm chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi.

- Bước đầu mô hình đã được nhân rộng ra thêm 1 hộ trên địa bàn Phường.

- Lợi thế để ứng dụng làm đệm lót nuôi lợn ở Thủy Phương rất lớn do địa phương có nhiều xưởng cưa gỗ lớn, nhiều máy xay xát gạo nên nguồn nguyên liệu làm đệm lót luôn có sẳn và giá rẻ. Mặc khác Thủy Phương có địa hình cao, đất đai rộng nên khi cải tiến chuồng chỉ cần đào sâu và mở rộng diện tích làm đệm lót, phần diện tích bê tông giữ nguyên vì vậy dễ cải tiến chuồng trại và chi phí thấp.

- Nhu cầu phân bón hữu cơ sạch để bón cho vườn khá lớn vì vậy nhiều hộ sẽ áp dụng công nghệ chăn nuôi trên đệm lót.

Qua kết quả từ mô hình ở phường Thủy Phương, có thể kết luận như sau:

- Nuôi lợn trên đệm lót sinh học trong mùa hè vẫn đạt kết quả tốt. Biện pháp chống nóng đơn giản, lợn tăng trọng tốt tương đương các lứa nuôi trong mùa đông.

- Đệm lót sinh học để nuôi lợn đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do phân thải gây ra, không còn mùi hôi như trước đây, hạn chế ruồi muỗi.

- Lợn sống thoải mái trên đệm lót, sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh.

- Tiết kiệm được nước rửa chuồng và công dọn chuồng hàng ngày.

- Nếu nuôi trong mùa đông lợn được làm ấm nhờ nhiệt phát sinh từ đệm lót sinh học.

- Nuôi lợn trên đệm lót quy mô nông hộ có thể phát triển được ở các vùng dân cư, vùng chăn nuôi ô nhiễm có nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng.

   Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường rất thiết thực, cần có một chương trình hỗ trợ cho nông dân áp dụng đại trà nhằm phát triển chăn nuôi bền vững và an toàn sinh học, góp phần xây dựng thành công tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm Khuyến Nông
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.363.315
Truy câp hiện tại 15.077