Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc giaxây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 20/12/2012

Thực hiện Công văn số 108/BCĐTW ngày 26/11/2012 của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới về việc sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin báo cáo tình hình triển khai thực hiện và kết quả 2 năm thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới của tỉnh như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 5.053,59 km2, dân số 1.134.500 người. Toàn tỉnh có 152 phường, xã (47 phường và 105 xã; trong đó có 38 xã miền núi vùng cao). Có 92 xã của toàn tỉnh được quy hoạch thực hiện Chương trình XD-NTM. Với lợi thế của các địa phương và sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, sự ủng hộ tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; cùng với sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của người dân; nên 2 năm qua Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Nhận thức của cán bộ và người dân tham gia Chương trình nông thôn mới chuyển biến tích cực; Chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ sở phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn từng bước được hoàn thiện và hiện đại hoá; đời sống, an sinh xã hội được cải thiện; bản sắc văn hoá được phát huy.

Tuy nhiên, Chương trình được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới suy giảm; kinh tế trong nước giặp nhiều khó khăn; nguồn lực để đầu tư phát triển còn hạn chế, trong khi đó xuất phát điểm còn khác nhau giữa các vùng trên địa bàn tỉnh, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác XD-NTM của các cấp còn nhiều hạn chế. Để đánh giá những kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm trong trong chỉ đạo điều hành Chương trình, Ban chỉ đạo tỉnh  tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, khắc phục những khó khăn tồn tại, tìm các giải pháp để huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

II. NHỮNG CÔNG VIỆC TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về chủ trương và hệ thống chính sách

Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-TU thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 06/12/2010 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó đề cập đến việc thực hienj Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  để triển khai rộng trên địa bàn toàn tỉnh; Nghị quyết số 15c/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngày 01/01/2011 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh năm 2011.

Ngày 01/01/2012 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh năm 2012. 

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo đã tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thị xã và các xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban vận động, Ban Quản lý thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, địa bàn phụ trách cho các thành viên của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới trình UBND tỉnh phê duyệt, để tổ chức triển khai thực hiện.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 về quy định tạm thời cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới.

2. Về bộ máy triển khai ở các cấp:

Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của Chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, thị xã và các xã đã được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 1871/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trưởng ban là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, 2 Phó Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Thành viên có 30 đồng chí là lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Đoàn thể của tỉnh. Thành lập Tổ giúp việc thực hiện Chương trình nông thôn mới cho Ban Chỉ đạo tỉnh. Tổ trưởng là do Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thành viên có 13 đồng chí là Chuyên viên của các Sở, Ban, Ngành và của Chi cục PTNT và QLCLNLTS.

Các huyện, thị xã đã lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp  việc Ban Chỉ đạo huyện, thị xã. Các xã thành lập Ban quản lý theo hướng dẫn chung của Trung ương. Nhiều xã thành lập Ban phát triển thôn để làm công tác vận động tuyên truyền cho người dân ở các thôn xóm về Chương trình nông thôn mới.

3. Về hoạt động: Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện định kỳ hàng tháng họp thường trực 1 lần, 3 tháng họp toàn thể 1 lần để rút kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và đi kiểm tra đôn đốc tiến độ theo địa bàn được phân công. Cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai các hoạt động về quy hoạch, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tham gia đề nghị sửa đổi tiêu chí NTM và cơ chế hỗ trợ đã giúp cho các địa phương giảm bớt lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thống kê, thành lập Tổ công tác giám sát, rà soát, đánh giá Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ giám sát đã triển khai làm điểm ở 2 huyện Nam Đông, Quảng Điền để đánh giá rút kinh nghiệm trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành khung giám sát để thực hiện chung cho toàn tỉnh.

Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới của tỉnh đã có sự phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách, chỉ đạo địa bàn, để giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp các địa phương thực hiện Chương trình như:

Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đã phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Mặt trận kêu gọi các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ủng hộ giúp đỡ “ngày vì người nghèo”; hỗ trợ giúp đỡ xoá nhà tạm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn xây dựng nhà tái định cư, các hộ dân ảnh hưởng thiên tai, góp phần chỉnh trang quy hoạch dân cư nông thôn.

Hội Nông dân giúp đỡ các hội viên sản xuất giỏi, nâng cao thu nhập; đã vận động nông dân góp đất không đền bù xây dựng hạ tầng nông thôn, đã đóng góp 28.814 ngày công, làm mới 112,9 km đường bê tông trục thôn, nâng cấp 58 km kênh mương phục tưới tiêu.

Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo, tổ chức các hoạt động như hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình; “ Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”; đã huy động được 400 triệu đồng để xóa nhà tạm cho 22 hộ nghèo; tổ chức 336 lớp tập huấn cho 14.862 lượt cán bộ, hội viên về nước sạch, vệ sinh môi trường…,vận động hội viên thực hiện phong trào “05 không 3 sạch”, gắn với nông thôn mới. 

 Hội cựu chiến binh tham gia vận động khu dân cư giữ gìn an ninh, trật tự, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia cải tạo môi trường.

Hội người cao tuổi đã ký giao ước thi đua với Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới, vận động con cháu trong gia đình, bà con thôn xóm tham gia hưởng ứng phong trào NTM, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động ‘Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mới”; bằng các việc làm cụ thể như: chỉ đạo các đoàn cơ sở thực hiện chương trình thanh niên 40 tuyến đường xanh – sạch – đẹp; đã tổ chức 158 đợt ra quân với hơn 15.835 đoàn viên tham gia thu góm hơn 32,5 tấn rác thải làm sạch đẹp đường làng ngõ xóm; hướng dẫn bà con xây dựng hàng rào xanh, trồng cây xanh trên các trục đường liên xã.

 Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã bước đầu tiếp cận Chương trình còn lúng túng. Đến năm 2012 Ban Chỉ đạo các huyện, thị đã hoạt động tích cực hơn. Các huyện, thị phân công cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn nhằm để giúp các xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác lập đề án và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, cơ chế huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình đã bộc lộ một số tồn tại  và hạn chế đó là:

- Công tác lập Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới còn chậm so với tiến độ. Do nhận thức về Chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương chưa đầy đủ; quan niệm Chương trình NTM như một dự án đầu tư nên sự phối hợp thiếu chặt chẽ với tư vấn chỉ chú trọng đến Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; các Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phân vùng sản xuất là những nội dung quan trọng thực hiện còn sơ sài, do chưa có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị chuyên ngành để thực hiện. Vì vậy, chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, tính khả thi chưa lớn.

- Phối hợp lồng ghép và kế thừa tài liệu giữa Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lúng túng, bất cập.

- Một số Ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thị xã tuy đã được phân công nhiệm vụ giúp các địa phương, song chưa nhiệt tình tham gia, chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ nét ở địa phương.

- Các địa phương tiếp cận hệ thống văn bản xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của Tỉnh chậm nên việc triển khai thực hiên còn lúng túng. Nhiều xã, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến Chương trình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn khá phổ biến.

- Công tác tập huấn cho cán bộ chỉ đạo và vận hành Chương trình cho cán bộ từ huyện đến thôn bản, mặc dù đã có kế hoạch từ đầu năm nhưng do kinh phí thông báo chậm, nên số lượng tập huấn hạn chế, chỉ tập huấn được cho một số cán bộ chủ chốt ở các cấp của huyện, thị và lãnh đạo xã, nhưng việc thông tin, truyền thông đến người dân còn hạn chế.

4. Về Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới:

Căn cứ vào bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491 ngày 16 tháng 4 năm 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành rà soát, đánh giá theo 19 tiêu chí của 92 xã đến cuối năm 2012 số xã đạt:

Từ 16 đến 19 tiêu chí chưa có xã nào đạt.

            - 15 tiêu chí:         có 1 xã.

- Từ 12 - 14 tiêu chí:    12 xã.

            - Từ 10 - 11 tiêu chí:            18 xã.

            - Từ 08 - 09 tiêu chí:    38 xã.

            - Từ 05 - 07 tiêu chí:             23 xã.

            Trong 92 quy hoạch nông thôn mới của tỉnh, các địa phương chọn 28 xã  phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, đến nay các xã đã đạt được các tiêu chí sau:

            Đạt 15 tiêu chí:             1 xã.

Đạt 14 tiêu chí:             3 xã.

            Đạt 13 tiêu chí:             3 xã.

            Đạt 12 tiêu chí:             5 xã.

            Đạt 11 tiêu chí:             6 xã.

            Đạt 10 tiêu chí:             5 xã.

            Đạt 9 tiêu chí:   2 xã.

            Đạt 8 tiêu chí:   3 xã.

            Qua 2 năm triển khai thực hiện các xã đều đạt từ 1 đến 2 tiêu chí, nhiều xã đã phấn đấu đã đạt được 3 đến 4 tiêu chí. Đến nay đã có 23 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên cụ thể: huyện Nam Đông có 7 xã; thị xã Hương Trà 2 xã; huyện Phú Vang 1 xã; huyện Phú Lộc 2 xã; huyện A Lưới 1 xã; thị xã Hương Thuỷ 2 xã. Huyện Quảng Điền từ cuối năm 2010 khảo sát đánh giá chưa có xã nào đạt được 10 tiêu chí, nhưng đến nay đã có 6 xã đạt trên 10 tiêu chí. Trong số 28 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015, còn lại 5 xã mới đạt 8 đến 9 tiêu chí.

            Đánh giá các tiêu chí đạt được của các xã phần lớn các tiêu chí dễ, có tiềm năng, điểm xuất phát của các xã cao hơn. Các tiêu chí còn lại chưa đạt được của các xã trên đòi hỏi phải có nguồn lực đầu từ ngân sách, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác và sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp mới đạt mục tiêu của Tỉnh đề ra. Đặc biệt trong đó có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015, các tiêu chí đạt còn thấp; một số xã có tiềm năng, nhưng công tác chỉ đạo của địa phương chưa quyết liệt. Có một số xã có khó khăn thực sự, phải thực hiện nhiều năm, mục tiêu đến năm 2015 đạt chuẩn NTM rất khó khăn. Vì vậy, các địa phương cần lựa chọn các xã khác có điều kiện thuận lợi hơn, cần nguồn lực hỗ trợ ít hơn để thực hiện.

            5. Về công tác tuyên truyền:

Xác định đây là nội dung quan trọng của công tác truyên truyền về chương trình NTM để huy động nguồn lực của toàn xã hội và đặc biệt là nâng cao được vai trò người dân là “chủ thể” của Chương trình; Vì vậy nội dung này được các địa phương triển khai mạnh mẽ dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Thông qua các cuộc tập huấn, trang bị kiến thức nông thôn mới cho trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn để phổ biến đến tận người dân biết hiểu rõ hơn mục đích, nội dung, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương về xây dựng nông thôn mới.

Đến nay đã xây dựng 28 pano in ấn 20.000 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm. Từ đầu năm 2012 cung cấp thông tin thường xuyên cho Ban tuyên huấn của Tỉnh uỷ để hàng tháng đăng tải “Thông báo nội bộ” đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình cho các Chi bộ cơ sở đảng thảo luận và sinh hoạt. Phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế viết về chủ đề Chương trình nông thôn mới đăng tải số ra đặc biệt trong tháng 9 trên Tạp chí Sông Hương để truyên truyền. Hàng tuần trên đài phát thanh - tuyền hình TRT đưa tin, bài và chyên đề xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm  huyện điểm của tỉnh. Tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới, đồng thời các địa phương đã tổ chức đi tham quan, học tập mô hình các tỉnh bạn.

Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới “người dân là chủ thể của Chương trình”; Chương trình là của dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Vì vậy; qua công tác tuyên truyền hầu hết các địa phương, người dân đã hưởng ứng tích cực bằng hành động cụ thể: hiến đất, tham gia công sức vào tu sửa, nâng cấp giao thông nông thôn; các công trình công cộng; chỉnh trang các cơ sở văn hóa, văn nghệ ở thôn, bản...nhiều hộ gia đình tự giác xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, tu sửa, xây dựng hàng rào…theo đúng lộ giới quy hoạch không đòi hỏi đền bù.

Hai năm qua ở các địa phương, người dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hiến hàng ngàn m2 đất vườn, tự nguyện dỡ bỏ hàng rào, công trình phụ, cây cối, hoa màu để mở rộng đường giao thôn nông thôn, (điển hình như ở xã Hương Giang, Hương Hòa, Thượng Nhật huyện Nam Đông; Xã Quảng Phú, Quảng An huyện Quảng Điền, Lộc An huyện Phú Lộc).v.v…phải nói rằng phong trào xây dựng nông thôn mới đang được người dân toàn tỉnh kỳ vọng và hưởng ứng tích cực. 

6. Về công tác đào tạo tập huấn:

Hai năm qua BCĐ tỉnh, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp tỉnh, huyện, thị xã, xã, thôn đúng với khung chương trình và các chuyên đề đã được Ban Chỉ đạo Trung ương phê duyệt. Đến nay, BCĐ tỉnh, huyện, thị xã đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn, thời gian từ 3-5 ngày/lớp, số lượt người tham gia trên 2.000 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, thị xã, xã. Ngân sách trung ương đã chi hơn 1,300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác đào tạo, tập huấn cán bộ nông thôn mới còn có một số vấn đề hạn chế:

- Số lượng học viên tham gia các lớp tập huấn của cấp tỉnh, huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều ngành nhiều địa phương được mời nhưng không bố trí cán bộ tham gia hoặc không tham gia không thường xuyên nên việc cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức về nông thôn mới chưa đầy đủ, vì vậy việc triển khai xuống cơ sở bị hạn chế.

- Chất lượng, kỹ năng tập huấn của đội ngũ giảng viên của Trung ương, của tỉnh còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm nhiều mới chỉ cung cấp thông tin, hệ thống văn bản của Nhà nước, còn phổ biến kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.

7.Về công tác quy hoạch:

Năm 2011 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Tung ương tập trung hoàn thành Quy hoạch. Đến nay các huyện, thị đã phê duyệt xong 92/92 xã, chậm so với kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, nhưng với toàn quốc là một trong những tỉnh hoàn thành Quy hoạch sớm (cả nước mới đạt 68%). Tổng nguồn vốn cho công tác quy hoạch 92 xã là 14,942 tỷ đồng, (bình quân mỗi xã quy hoạch bố trí vốn 162 triệu đồng).

Nhìn chung công tác quy hoạch xã NTM đều do các đơn vị tư vấn Xây dựng đảm nhận nên chỉ làm tốt được các quy hoạch hạ tầng cơ sở, khu trung tâm xã, các khu dân cư. Song quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân vùng sản xuất còn lúng túng (công nghiệp, TTCN, dịch vụ, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp). Nhiều quy hoạch không thể hiện rõ được lợi thế địa phương, ít chú ý đến đưa lợi thế lịch sử, văn hóa, cảnh quan phát triển kinh tế phục vụ du lịch...Nhiều huyện, thị xã chưa điều chỉnh xong quy hoạch sản xuất và quy hoạch phát triển hạ tầng. Do đó thiếu căn cứ cho cấp xã quy hoạch kết nối theo vùng.

8. Về lập Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã:

Xây dựng đề án còn chậm, chưa hỗ trợ cho quy hoạch, đến nay đã phê duyệt được 56/92 xã. Công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới của các xã còn mang nặng tính hình thức, chưa bám sát thực tế đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển sản xuất, chủ yếu là liệt kê các công trình đầu tư hạ tầng là chính thể hiện như:

- Đề án chưa thể hiện đúng thực trạng của địa phương, phần lớn các xã hiểu “xơ cứng” về các tiêu chí, coi là cơ hội để tranh thủ vốn đầu tư; vì vậy nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng tới sản xuất, môi trường, văn hóa...

- Nhiều giải pháp thực hiện còn thiếu tính thực tiển. Mục tiêu đề ra không có nguồn lực đảm bảo và lộ trình thực hiện không phù hợp (nguồn lực chủ yếu vẫn là trông chờ từ bên ngoài).

- Việc phê duyệt đề án một số nơi của cấp huyện nhìn chung còn chưa cụ thể. Các đề án tính khả thi không cao, chưa thực sự làm căn cứ để tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các xã.

9. Về kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 về quy định tạm thời cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới, bước đầu các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện khá đồng bộ; các địa phương chủ động huy động nhiều nguồn lực để tham gia đóng góp vào Chương trình. Cụ thể:

a) Hệ thống giao thông:

Hệ thống giao thông nông thôn nhiều năm qua đã được đầu tư nâng cấp cải tạo bằng nguồn lực khác nhau: Chương trình 135, chương trình 257 của Nhà nước, các DA sử dụng vốn ODA, các doanh nghiệp, người dân đóng góp…phục vụ phát triển kinh tế cũng như nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Đến nay hệ thống giao thông nông thôn đã được cải thiện đáng kể, các tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa hoặc bê tông chiếm 73,96% (TC 100%). Đường trục liên thôn, xóm được cứng hoá 53,23% (TC 70% cứng hoá); Đường làng ngõ, xóm đã được bê tông hoá 42,39% (TC70% cứng hoá, 100% sạch, không lầy lội trong mùa mưa). Đường trục chính nội đồng 21,67% (TC70%) đã được cứng hoá. Tuy nhiên, các xã vùng đồng bằng, ven biển hệ thống giao thông nội đồng chưa phát triển, nên huy động nguồn lực thực hiện đang là một thách thức lớn của nhiều địa phương.

b) Hệ thống thuỷ lợi: cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, toàn tỉnh có trên 500 công trình thuỷ lợi loại vừa và nhỏ, bao gồm 259 trạm bơm điện, 239 hồ đập để chủ động cấp nước tưới cho 17.032 ha và tiêu úng cho 8.000 ha lúa; ngoài ra còn có 02 đập ngăn mặn, trên 100 cống lấy nước và trên 2.000 km kênh mương, đê bao, đê vùng để ngăn mặn, chống úng, tạo nguồn nước tưới...Đã đảm bảo tưới tiêu chủ động cho trên 90% diện tích canh tác. Chương trình kiên cố hoá kênh mương của tỉnh đến nay đã cơ bản đã hoàn thành; tuy nhiên, việc đánh giá tiêu chí về thuỷ lợi của các địa phương, nhất là chương trình kên cố hoá kênh mương còn cầu toàn, nhiều xã đã đạt song vẫn cho rằng chưa hoàn thành cần tiếp tục đầu tư kiên cố hoá kênh mương; vì vậy đúng với thực trạng của địa phương.

c) Nước sạch, vệ sinh môi trường và công trình công cộng:

 Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đến cuối năm 2012, có 82,96% hộ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Bước đầu công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải ở khu vực nông thôn đã được chú trọng, hiện có 281/320 cơ sở sản xuất tập trung được xử lý chất thải bằng nhiều hình thức khác nhau, số được thu gom đưa đi xử lý tập trung, số còn lại chủ yếu tổ chức chôn lấp đơn giản hoặc tập kết ra các khu vực đất công cộng ngay tại địa phương. Môi trường khu vực nông thôn hiện nay nhiều nơi đang bị ô nhiễm người dân còn bất cập, đầu tư cho lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý các vi phạm ô nhiễm môi trường của các cấp chính quyền chưa triệt để.

d) Công trình hạ tầng khác:

Hai năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều nguồn vốn của nhiều chương trình, lồng ghép nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước nên nhiều công trình thiết yếu như trường học, cơ sở văn hoá, các công trìnảctụ sở UBND các xã...đã được chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

10. Về phát triển sản xuất:

Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung ở các xã điểm đã có đề án sản xuất, trong đó đã chú ý quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, hình thành các sản phẩm chủ lực và mang tính chiến lược của địa phương.

Qua hai năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã đầu tư cho 47 xã, xây được 55 mô hình. Trong đó: 28 mô hình trồng trọt, 21 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình thủy sản, với tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách là 4,7 tỷ đồng.

Với trách nhiệm và nghĩa vụ của ngành Nông nghiệp và PTNT trong hỗ trợ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào các mô hình. Ban Chỉ đạo có phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp và PTNT tham gia trực tiếp giúp bà con nông dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao

Tuy vậy, nhìn chung công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản phẩm hàng hóa hiệu quả, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn còn chậm; công tác quy hoạch phát triển sản xuất cấp xã chưa gắn kết với quy hoạch vùng nên đề án phát triển sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát. Liên kết sản xuất giữa nông dân – doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển.

Công tác tập huấn, đào tạo nghề nông cho nông dân còn rất hạn chế. Từ năm 2012 ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã chuyển giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân cho ngành Nông nghiệp và PTNT. Đến nay Trung tâm khuyến nông lâm ngư đã tổ chức đào tạo được 10lớp đào tạo nghề cho nông dân như kỹ thuật cạo mủ cao su; kỹ thuật nuôi cá; kỹ thuật sản xuất nấm...đã thu hút được hàng trăm lao động nông nghiệp tham gia.

11. Về  Y tế - văn hóa

a) Y tế: Tỷ lệ người dân tham gia các BHYT: 63,62% cao hơn 2 lần so với tiêu chí Quốc gia.  Nhờ làm tốt công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo đạt tỷ lệ trên 143% so kế hoạch, đã cấp 180.262 thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, 100% trẻ được hưởng chính sách khám, chữa bệnh miễn phí, công bằng.

Công tác y tế được quan tâm, 100% trạm y tế đều có Bác sĩ biên chế tại trạm, hoặc tăng cường để thực hiện công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức  khỏe ban đầu cho nhân dân. Hiện nay mới có 98 trạm y tế (87,50%); của các xã đạt chuẩn quốc gia, còn lại 14 xã có trạm y tế, nhưng chưa đạt chuẩn do trang thiết bị còn thiếu, công tác duy tu bão dưỡng chưa được chú trọng, hệ thống cây xanh, vườn thuốc hàng rào bảo vệ chưa có.

b) Văn hóa: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức. Các di tích lịch sử, văn hoá từng bước được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn. Các hoạt động văn hoá thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Các thiết chế văn hoá cơ sở được tiếp tục xây dựng và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có 1.135 làng, thôn, bản, được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ (80,84%) so với chung toàn tỉnh là (tỷ lệ 82,9%). Có 189.060 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (tỷ lệ 87,1%); 28 xã đăng ký xây dựng xã văn hóa (tỷ lệ 27,3%), 38,3% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

12. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới:

a) Năm 2011:

 Nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung ưu tiên cho Quy hoạch, UBND tỉnh dành 2,4 tỷ đồng của Chương trình NTM đầu tư xây dựng trường Tiểu học xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền và 0,6 tỷ đồng hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất.

Tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực nông thôn:  184,495 tỷ đồng.

Trong đó:        

+ Vốn Chương trình MTQG:                                           67,449 tỷ đồng.

Trong đó: Vốn Chương trình XD NTM:                           17,242 tỷ đồng.

+ Vốn hỗ trợ có mục tiêu:                                                87,046 tỷ đồng.

+ Vốn vay ưu đãi:                                                                     30,000 tỷ đồng.

b) Năm 2012:

Tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực nông thôn:  204,872 tỷ đồng.

Trong đó:        

- Vốn Chương trình MTQG:                                            83,409 tỷ đồng.

Trong đó: Vốn Chương trình XD NTM:                           19,900 tỷ đồng.

- Vốn hỗ trợ có mục tiêu:                                                 61,463 tỷ đồng.

- Vốn vay ưu đãi:                                                                      60,000 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các huyện, thị xã và các xã gặp rất nhiều khó khăn; các doanh nghiệp chưa có nhu cầu đầu tư. Nguồn vốn vay từ các Ngân hàng tiếp cận còn khó khăn, khi chưa có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho nông dân nên huy nguồn lực này vào Chương trình còn khó khăn, nhất là vốn hỗ  trợ phát triển sản xuất.

Công tác huy động nguồn lực do dân đóng góp đạt được hiệu quả cao, ở nhiều địa phương nhân dân đã cống hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa…khang trang sạch đẹp (như huyện Nam Đông, năm 2011 đã tính toán được công sức đóng góp của dân là: 96 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp còn hạn chế do vượt quá khả năng của người dân, đặc biệt ở các xã còn nhiều khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo cao. 

13. Đánh giá chung

Sau 2 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, hầu hết các huyện, thị xã, xã, thôn, bản đã tích cự triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt như: Đã nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới; hình thành được bộ máy tổ chức từ tỉnh xuống huyện, thị xã, xã, thôn, bản; xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai Chương trình và đạt được một số kết quả về xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ vậy nên bộ mặt nông thôn đã bước đầu thay đổi.

- Tuy nhiên, thực hiện Chương trình vào thời điểm thế giới và trong nước đang suy thoái kinh tế, nguồn vốn bố trí còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu, nội dung của Chương trình đề ra.

- Công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa còn chưa có chuyển biến. Tổ chức, hệ thống kinh tế hợp tác, nòng cốt HTX nông nghiệp, được duy trì nhưng hoạt động hiệu quả còn thấp. Công tác đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn chất lượng còn thấp.

- Huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách còn hạn chế, nhất là từ các doanh nghiệp, tín dụng, nội lực đóng góp từ người dân...,Nhiều tổ chức, đoàn thể chưa thực sự tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Tập trung sức chỉ đạo quyết liệt để các xã điểm huyện điểm, đạt chuẩn về nông thôn mới vào năm 2015, tối thiểu bằng mức bình quân chung của cả nước. Là một Chương trình lâu dài, vì vậy không nóng vội, thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, không chỉ xã điểm, huyện điểm thực hiện, mà 100% xã nông thôn đều triển khai, thực hiện theo trình tự tiêu chí “dễ làm trước khó làm sau”; tiêu chí phi vật chất, các tiêu chí chưa cần nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai thực hiện trước.

1. Công tác chỉ đạo

- Củng cố Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thị xã, xã theo hướng mỗi cấp đều có số cán bộ giúp việc chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng tham mưu.

- Ưu tiên nguồn lực và sự chỉ đạo cho các xã điểm, tạo điều kiện cho một số xã về trước (2-3 xã) cuối năm 2013 hoặc năm 2014 làm hình mẫu của nông thôn mới để rút kinh nghiệm cho chỉ đạo và người dân học tập kinh nghiệm để nhân rộng. Tỉnh, huyện, thị xã cần thành lập tổ công tác chuyên trách giúp các xã này đạt chuẩn nông thôn mới.

- Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thị xã phải giao nhiệm vụ cho các đoàn thể chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng mỗi đoàn thể được giao và chịu trách nhiệm về “sản phẩm cuối cùng” gắn với địa bàn được phân công phụ trách.

- Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã. Tăng cường sự giám sát của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới phải đưa vào tiêu chuẩn để xét thi đua ở các đơn vị. Tổ chức, đánh giá công nhận các xã đạt chuẩn, các xã đạt nhiều tiêu chí và thực hiện khen thưởng xứng đáng cho nơi làm tốt.

- Vận động, giao trách nhiệm các ngành, các cấp nhận đăng ký đỡ đầu cho các xã phấn đấu thực hiện đạt chuẩn NTM giai đoạn đến 2015. Lồng ghép các DA vốn đầu tư của nước ngoài, có các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 – 2015 nằm trong vùng DA xây dựng kế hoạch giúp các địa phương đó thực hiện được một hạng mục về NTM.

2. Công tác tuyên truyền

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu rõ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới “chủ thể là người dân”; là động lực chính, nhà nước ban hành chủ trương, chính sách, đầu tư hỗ trợ...để huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình. Tuyên truyền cho người dân những mô hình những cách làm hay về phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập; ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh...để dân học tập. Coi trọng việc phổ biến rộng rãi các mô hình có hiệu quả, cách làm hay trong thực hiện các nội dung nông thôn mới.

3. Công tác tập huấn, đào tạo cán bộ nông thôn mới

Căn cứ vào khung chương trình đào tạo đã được Ban Chỉ đạo Trung ương phê duyệt, Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện cần cụ thể hóa nội dung đào tạo, tập huấn kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ vận hành nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản để làm nồng cốt cho xây dựng nông thôn mới. Tỉnh, huyện, thị xã cần cũng cố đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, am hiểu về xây dựng nông thôn mới để đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho những năm tiếp theo.

4. Công tác quy hoạch và lập đề án nông thôn mới

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch của các xã, đảm bảo quy hoạch, đề án có tính khả thi cao. Đối với những huyện, thị xã mà các xã có chất lượng quy hoạch thấp hoặc quy hoạch sản xuất còn sơ sài, Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp Ban chỉ đạo huyện rà soát cụ thể từng nội dung, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương, lợi thế của vùng đảm bảo quy hoạch có chất lượng và kết nối được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và của ngành.

5. Xây dựng cơ sở hạ tầng

- Ưu tiên cho những địa phương có các xã đạt nhiều tiêu chí, các xã điểm huyện điểm và những công trình cần thiết nhất phục vụ nhu cầu công cộng và phát triển sản xuất.

- Ưu tiên công trình cải tạo, nâng cấp, hạn chế phá củ, coi trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

- Tập trung huy động nguồn lực để đầu tư, cải tạo làm chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã, bao gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xã, nhà văn hóa thôn, ấp. Mỗi địa phương cần rà soát, mỗi năm tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh một đến hai loại hạ tầng.

6. Phát triển sản xuất

- Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2012-2013 đạt kế hoạch đề ra và chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ Hè Thu năm 2013. Đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất phát triển nông nghiệp hàng hoá, đầu tư hỗ trợ sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của địa phương để tăng thu nhập, nâng cao đời sống của các hộ dânXây dựng Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, địa bàn phụ trách cho các thành viên của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới trình UBND tỉnh phê duyệt, để tổ chức triển khai thực hiện.

 - Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cây trồng, bệnh thuỷ sản và các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; không để dịch bệnh tái phát trên địa bàn tỉnh.

- Chuyển biến một bước về chuyển đổi cơ cấu và sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn. Mỗi thôn, bản, xã xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung (hướng vào cây con phù hợp, nghề lợi thế đã được lựa chọn trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã).

- Tổ chức đào tạo nghề cho người dân để có thể tham gia sản xuất các nghề mới có thu nhập, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xác định đối tượng đào tạo và kinh phí thực hiện cho các nội dung đào tạo, bao gồm: Đào tạo nông dân chuyển đổi nghề theo QĐ số 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chinh phủ về phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đào tạo nông dân làm nông nghiệp theo Chương trình khuyến nông; Triển khai nhanh công tác dạy nghề cho nông dân, trước hết là dạy nghề đáp ứng cho đề án phát triển sản xuất đã được phê duyệt.

7. Văn hóa - xã hội - môi trường

Tập trung vận động, hướng dẫn, tổ chức cho mỗi hộ dân đều tham gia tự cải tạo nơi ăn, ở văn minh, hợp vệ sinh. Sữa sang tường rào, cổng ngõ; cải tạo ao, vườn để có cảnh quan đẹp và có thu nhập. Đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư. Mỗi xã đều có đội vệ sinh môi trường (lo thu gom rác thải, trồng cây xanh nơi công cộng…). Mỗi thôn, bản (hoặc liên thôn, bản) có 1 nhà văn hóa và có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Xây dựng thôn, bản an ninh an toàn.

8. Kế hoạch giám sát, rà soát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình

- Hoàn thiện khung giám sát, rà soát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12/2012.

- Tập huấn triển khai cho 92 xã tham gia xây dựng nông thôn mới sau khi được UBND tỉnh phê duyệt khung giám sát.

9. Công tác huy động nguồn lực năm 2013

Tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực nông thôn:  301,170 tỷ đồng.

Trong đó:        - Vốn Chương trình MTQG khác:                        99,370 tỷ đồng.

- Vốn Chương trình XD NTM:                            35,000 tỷ đồng.

- Vốn hỗ trợ có mục tiêu:                                     66,800 tỷ đồng.

- Vốn vay ưu đãi:                                                        100,000  tỷ đồng.

Dự kiến huy động người dân hiến đất, góp công lao động, tiền của xây dựng nhà cửa, chỉnh trang tường rào, đình làng, đường làng, cải tạo nâng cấp các công trình vệ sinh, chuồng trại…khoảng 90 tỷ đồng.

10. Một số khó khăn, tồn tại

- Là một Chương trình lớn của Chính phủ nhưng nguồn lực bố trí hàng năm còn quá ít, chưa tương xứng với mục tiêu và nội dung của Chương trình.

 - Cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh đã tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng còn hạn chế.

 - Các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, huy động nguồn lực đóng góp của dân để tham gia Chương trình khó thực hiện; hoặc một số địa phương không có các HTX hoặc các tổ chức kinh tế hợp tác làm ăn có hiệu quả khó khăn huy động nguồn lực…

 Chương trình xây dựng nông thôn mới là công cuộc lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và mỗi người dân tham gia thực tích cực, chỉ đạo quyết liệt, liên tục của các cấp chính quyền, đồng thời huy động nhiều nguồn lực để đạt mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2015 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, làm tiền đề phấn đấu cho giai 2020.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.309.099
Truy câp hiện tại 8.062