Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số kinh nghiệm về chống lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân
Ngày cập nhật 14/12/2016

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân được UBND tỉnh giao quản lý bảo vệ với diện tích 10.416,7 ha; trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 6.671,4 ha, rừng trồng 2.449.7 ha, đất trồng rừng 1.038,2 ha và đất khác 257,4 ha. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng của Ban quản lý giáp ranh với 450 hộ gia đình, trãi dài trên 44,5 km tại 4 xã và thị trấn.

Trong bối cảnh tình trạng thiếu đất sản xuất cục bộ của một số hộ dân ven rừng và sức ép từ giá trị quyền sử dụng đất lâm nghiệp tăng cao, giá trị sản phẩm rừng trồng ổn định trên địa bàn toàn tỉnh, nên cũng như các chủ rừng khác, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đứng trước vấn nạn xâm hại rừng, lấn đất trồng rừng.

Trước tình hình đó, với trách nhiệm của chủ rừng, Ban quản lý đã xác định các giải pháp ưu tiên và triển khai có hiệu quả sau:

- Xác định cơ sở pháp lý của chủ rừng: Từ  năm 2009, đơn vị đã xin chủ trương và phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3.380 ha, là những diện tích tiếp giáp với các hộ gia đình, có nguy cơ lấn chiếm cao. Đến năm 2015, đơn vị được UBND tỉnh tiếp tục cấp 6.950 ha, nâng tổng diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên 10.330 ha đạt 99,1% diện tích được giao. Đây là cơ sở pháp lý để đấu tranh và ngăn chặn các đối tượng lấn chiếm rừng và đất trồng rừng.

- Tiến hành đóng mốc ranh giới: Tiến hành cắm 124 mốc, các mốc này đã được xác định toạ độ mốc theo tiêu chuẩn quốc gia. So với chiều dài giáp ranh hơn 44,5 km tiếp giáp với 450 hộ gia đình thì số lượng mốc xác định ranh giới còn thiếu nhiều, không đảm bảo quản lý rừng; đơn vị huy động nhiều nguồn vốn mua vật tư, giao trách nhiệm cho từng nhân viên bảo vệ rừng để “tăng dày” mốc ranh giới, đảm bảo trước mắt mỗi hộ gia đình phải cắm được 1 mốc ranh giới. Song song với cắm mốc tiến hành lập bằng các thủ tục như ký biên bản cắm mốc, ghi hình ảnh và xác định tọa độ mốc, mô tả ranh giới thực tế. Đến nay đã cắm được 440 hộ gia đình giáp ranh.

 - Bố trí sắp xếp và phân công nhiệm vụ cho nhân viên bảo vệ rừng (BVR): Với lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, địa bàn rộng, đơn vị đã sắp xếp bố trí lại mạng lưới các Tổ BVR hợp lý, khép kín và theo từng khu vực; đã lập phiếu giao nhiệm vụ cho từng nhân viên bảo vệ rừng như: Phát dọn tuyến đường đi tuần tra giáp ranh, nắm diễn biến tình hình rừng của các hộ giáp ranh. Hằng ngày, lực lượng BVR đi tuần tra bảo vệ rừng rừng, chụp ảnh các mốc ranh giới và đưa lên facebook nội bộ của đơn vị để báo cáo tình hình bảo vệ trong ngày; đây là biện pháp theo dõi diễn biến rừng và đất rừng trên từng khu vực quản lý, đồng thời lưu trữ lại quá trình đi kiểm tra của từng nhân viên BVR. Đơn vị giao cán bộ quản lý kiểm tra và cuối tháng đánh giá tình hình BVR, quản lý mốc ranh giới từng khu vực; đồng thời, trên cơ sở đó để đánh giá thi đua bảo vệ rừng.

Với các giải pháp đó, năm 2016, trên địa bàn đơn vị quản lý phát hiện và lập biên bản 10 vụ lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp với diện tích 1,158 ha, trong đó đã xử lý 7 vụ, thu hồi diện tích 0,399 ha, 3 vụ với diện tích 0,759 ha đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.

Ngày 13/12/2016, tại hội nghị Sơ kết thực hiện Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân trong thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn được giao quản lý.

Chi cục Kiểm lâm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.363.394
Truy câp hiện tại 15.126