Để phòng trừ cỏ dại cho ruộng lúa an toàn, hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp sau:
1. Biện pháp canh tác
- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom các tàn dư cây trồng, nhất là cỏ dại và bông cỏ đem tiêu hủy trước khi cày lật đât. Cày lật đất sớm và ngâm ủ nước trước khi xuống vụ từ 15-20 ngày để tiêu diệt hạt và mầm cỏ dại.
- Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót cân đối, đầy đủ đúng theo quy trình để cây lúa hút đủ chất dinh dưỡng, phát triển khỏe; chăm sóc, tỉa dặm, bón phân thúc sớm để cây lúa phát triển, đảm bảo mật độ và lấn át cỏ dại.
- Sử dụng giống xác nhận để gieo sạ, hạn chế khả năng lẫn tạp hạt cỏ từ nguồn giống. Trước khi ngâm ủ cần sàn sẩy loại bỏ hạt lép, lững và hạt cỏ dại.
- Sau khi gieo tùy điều kiện thời tiết và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết mực nước trong ruộng thích hợp để khống chế sự nảy mầm của hạt cỏ và làm cỏ chậm phát triển.
2. Biện pháp hóa học: Cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng
a) Dùng đúng loại thuốc cỏ
- Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm đều có chất an toàn đối với cây lúa (Sofit 300 EC, Prefit 300EC, Vifiso 300 EC, Sonic 300EC …): Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ mọc từ hạt (hạt cỏ chưa nảy mầm) như: Cỏ lồng vực, đuôi phụng, nhóm cói lác và một số cỏ lá hẹp,...
- Nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm và hậu nảy mầm muộn: Thường khả năng an toàn đối với cây lúa không cao, nhất là điều kiện nhiệt độ thấp <180C (Sunrice 15WDG, Sirius 10 WP, Topgun 700WP, Clincher 10 EC, Nominee 10 SC, Pyanchor 3EC,…): Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ đã nảy mầm như: Cỏ lồng vực, đuôi phụng, cói lác và cỏ lá rộng (cỏ dừa, rau sam, rau bợ, cỏ me, ...).
b) Dùng thuốc cỏ đúng lúc, đúng thời điểm
- Đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm phun sau khi gieo sạ từ 0-3 ngày (tính từ ngày làm đất bừa trục lần cuối để gieo sạ), tốt nhất nên phun sau khi gieo sạ xong hoặc sáng gieo sạ chiêu phun khi thời tiết thuận lợi.
- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm phun khi cỏ đã mọc từ 1-2 lá. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn thì phun khi cỏ mọc từ 2,5-3 lá.
c) Dùng thuốc cỏ đúng liều lượng nồng độ
- Đối với thuốc trừ cỏ dạng nước: Liều lượng phun từ 1,0-1,2 lít/ha, đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (Pyanchor 3EC, Clincher 10EC,…) liều lượng phun 0,6-0,8 lít/ha. Đối với thuốc trừ cỏ dạng bột, cốm: Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (Bebu 30WP,…) liều lượng phun 1,0-1,2 kg/ha, thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm (Sunrice 15WDG, Sirius 10 WP,…) liều lượng phun 0,8-1,2 kg/ha. Lượng nước phun từ 320-400 lít/ha.
- Nếu pha liều lượng nồng độ cao hơn quy định hoặc phun chồng lối, một số loại thuốc trừ cỏ có thể gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa như vàng lá, xoắn lá, có thể gây chết lúa. Nếu pha liều lượng nồng độ thấp hơn quy định thì cỏ sẽ không chết, hiệu quả trừ cỏ của các loại thuốc sẽ thấp.
d) Dùng thuốc cỏ đúng kỹ thuật
- Giữ ẩm trong ruộng lúa, không để ruộng khô nước, nứt nẻ và không để đọng nước cục bộ. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khi phun hoặc rải thuốc trong ruộng có lớp nước mỏng từ 1,0-2cm để thuốc hòa tan và phân tán đều trên mặt ruộng. Sau phun 1-3 ngày đưa nước vào ruộng khoảng 2-4cm cây lúa trong thời gian 5-7 ngày để khống chế cỏ dại phát triển.
- Khi phun mở béc phun nhỏ, mịn, béc phun cách mặt ruộng từ 20-25cm, đi chậm và đều để thuốc được trãi đều trên bề mặt ruộng.
- Đọc kỹ nhãn hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc, tránh sử dụng thuốc nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến cây lúa, sử dụng thuốc cỏ đúng chủng loại, đúng đối tượng phòng trừ và thời gian quy định.
Lưu ý: Khi phun thuốc trừ cỏ không được trộn chung thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm, không trộn với các loại thuốc bảo vệ thực vật khác (kể cả phân bón lá) và không phun thuốc khi nhiệt độ ngoài trời < 180C. Cấm không sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate, 2,4D và Paraquat để phun trừ lúa chét và cỏ dại trên đồng ruộng trước làm đất.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV