Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2020-2025 THEO HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ
Ngày cập nhật 07/10/2020

Riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn từ giai đoạn 2015-2020 đã đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (từ nguồn ngân sách nhà nước) gần 3.500 lao động, với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mục tiêu:

(1) Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT đủ trình độ, năng lực vào làm việc tại các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động; Đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn việc xây dựng nông thôn mới với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp.

(2) Đào tạo nghề cho khoảng 2.800 LĐNT, trong đó người học nghề phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ đạt 77% và người học nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ đạt 23%; Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi tốt nghiệp là 70% và đào tạo cho trên 250 lượt cán bộ, công chức xã với kinh phí hơn 800 triệu đồng và hơn 69 danh mục nghề nông nghiệp được đưa vào tổ chức đào tạo.

          Riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn từ giai đoạn 2015-2020 đã đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (từ nguồn ngân sách nhà nước) gần 3.500 lao động, với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng

Hiệu quả sau đào tạo:

(1) Nhận thức về học nghề, việc làm của người dân nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ngày một tích cực hơn. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, trình độ của lao động nông thôn từng bước được nâng lên, tạo điều kiện tốt để tiếp cận việc triển khai các mô hình, đề án phát triển sản xuất tại địa phương; nhiều học viên sau khi học nghề đã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

(2) Học viên tham gia học nghề biết lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm, bên cạnh đó người học nghề lại có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như: ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng...tại gia đình, là địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học. Đa số các học viên sau khi học nghề đã áp dụng những kiến thức, kỹ thuật được học vào sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, góp phần tăng thu nhập, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống góp phần xóa đói giảm nghèo theo cơ cấu bền vững.

Trong những năm qua, Đề án phát triển dạy nghề luôn được sự quan tâm lãnh đạo của các bộ, ngành; của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; của các ban, ngành và các địa phương. Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh, huyện, xã đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác đào tạo nghề của địa phương. Các Trường và các Trung tâm đào tạo nghề có nhiều kinh nghiệm tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT nên công tác chiêu sinh, tổ chức, quản lý học viên và bố trí cán bộ giảng dạy nhìn chung đạt kết quả tốt. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT đã được củng cố, phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị (đặc biệt đối với các trường đào tạo nghề) đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng cho các lớp học. Chất lượng giáo viên tham gia đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT trong thời giai qua còn tồn tại những khó khăn, hạn chế:

          Nguồn vốn trong các năm bố trí cho đào tạo nghề còn ít, trong lúc nhu cầu đào tạo nghề của các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề hàng năm khá cao nên khi bố trí kế hoạch phải điều chỉnh phù hợp với kinh phí giao. Việc kết nối giữa các Trường và các Trung tâm đào tạo nghề với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ với nhau giữa nhu cầu nghề cần đào tạo nên một số lao động khi đào tạo xong  không phù hợp với công việc của doanh nghiệp nên khó tìm được việc làm. Nguồn kinh phí kiểm tra, giám sát của Chương trình còn hạn chế nên  rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực được phân công. Lao động nông thôn lớn tuổi, đặc biệt là đồng bào dân tộc và miền núi, người nghèo phần lớn là trụ cột gia đình nên rất khó để sắp xếp thời gian tham gia các khoá đào tạo nghề.

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn một số địa phương trong thời gian qua chưa gắn kết với chương trình MTQG xây dựng NTM và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và gắn với quy hoạch phát triển sản xuất. Chương trình đào tạo mới bó hẹp ở phổ biến kiến thức; việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp thuần túy. Kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông lâm sản hải sản còn hạn chế. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của nông dân và lập kế hoạch dạy nghề có nơi còn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với yêu cầu. Thiếu định hướng nghề nghiệp và việc làm sau khi kết thúc khóa học. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Đổi mới và phát triển đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong những năm tiếp theo (2020-2025) cần tập trung thực hiện các nội dung:

Phấn đấu từng bước đưa công tác dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo một số nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Làm tốt hơn công tác khảo sát nhu cầu học nghề, các Trường và Trung tâm đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm; Người lao động phải định hướng và xác định rõ nghề nghiệp

Mỗi địa phương (cấp xã) phải làm tốt quy hoạch sản xuất, trong đó xác định được sản phẩm chủ lực, sản xuất có liên kết tiêu thụ.

Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.

Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Đồng thời hỗ trợ vay vốn xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng đào tạo nghề.

Ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới, công nghệ cao trên địa bàn khu vực nông thôn. Đào tạo nghề gắn với Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020./.

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.265.260
Truy câp hiện tại 2.597