Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành 10 nhiệm vụ của chương trình chuyển đổi số năm 2022
Ngày cập nhật 22/12/2022

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ngay từ cuối năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 367/KH-UBND ngày 03/12/2021 về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.

Với sự nỗ lực thực hiện của hệ thống các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh, kết quả đạt được trong năm 2022 với 10 nhiệm vụ như sau:

1. Nhận thức số

a) Ngày Chuyển đổi số

- Kết quả đạt được: Đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh về tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022.

- Tồn tại, hạn chế: Năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia nên người dân ở vùng sau vùng xa chưa được tiếp cận nhiều thông tin.

b) Chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số

- Kết quả đạt được:

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và triển khai nền tảng Hue-S. Từ thành công của dịch vụ Phản ánh hiện trường ban đầu, đến nay Hue-S đã được mở rộng, tích hợp thêm nhiều dịch vụ đô thị thông minh và chính quyền số, bao gồm các dịch vụ: Thông báo cảnh báo; Giáo dục đào tạo; Chống bão lụt; Chống dịch bệnh; Taxi; Dịch vụ thiết yếu; Y tế sức khỏe; Giao thông, di chuyển; Dịch vụ du lịch; Môi trường, tài nguyên; Quy hoạch đất đai; Cảnh báo cháy và phân hệ Chính quyền số.

Chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số được triển khai thông qua Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh năm 2022, qua các buổi tập huấn, hội nghị về chuyển đổi số như: hội thảo Khoa học “Xây dựng mô hình truy xuất thông minh các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với chương trình CĐS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; Hội thảo khoa học "Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số”.

- Tồn tại, hạn chế: Vẫn chưa khảo sát được sáng kiến và cách làm về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

c) Kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo

- Kết quả đạt được: Đã triển khai tuyên truyền đến với toàn thể cán bộ công chức viên chức, người lao động trên toàn tỉnh theo dõi Kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo.

- Tồn tại, hạn chế: Truyền thông chưa đến được với người dân chưa có thiết bị thông minh.

2. Thể chế số

a) Ban hành Nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch 05 năm của cấp chính quyền về chuyển đổi số

- Kết quả đạt được: Để làm kim chỉ nam cho hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai Nghị quyết này, ngày 23/3/2022 UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 120/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Tồn tại, hạn chế: Việc tập huấn, cập nhật và giám sát việc thực hiện các văn bản chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ theo tiêu chí. Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí cho các hoạt động này chưa được bổ sung.

 b) Hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022

- Kết quả đạt được: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định nhằm kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế; ban hành quy chế của Ban chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo. UBND tỉnh cũng đã Quyết định số 56/QĐ-BCĐ ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tổ chức họp định kỳ hàng quý và đột xuất khi có nội dung quan trọng về chuyển đổi số cần thảo luận; các cuộc họp này đều do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

- Tồn tại, hạn chế: Không có.

3. Hạ tầng số

a) Kết quả đạt được

Trong năm 2022 vừa qua tỉnh đã phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh:

- Các doanh nghiệp viễn thông đã đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin,
thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

- Hạ tầng CNTT trong cơ quan nhà nước được đầu tư đồng bộ, mạng diện rộng được kết nối 100% cấp xã qua mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước; Trung tâm dữ liệu được đầu tư để triển khai các hệ thống phục vụ chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân. Công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng.

- Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử như: Nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP) đã kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP). Hạ tầng kết nối từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia đã được thiết lập và vận hành hiệu quả.

- Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây: Đang thí điểm tại Trung tâm HueIOC, thí điểm Kết nối Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ.

b) Tồn tại, hạn chế

Kinh phí triển khai vẫn còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của tỉnh.

4. Dữ liệu số

a) Kết quả đạt được

- Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và đưa vào sử dụng 73 CSDL dùng chung, chuyên ngành.

- Đã triển khai Cổng dữ liệu mở của tỉnh và ban hành quy định vận hành.

- Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại Tỉnh, thành phố: 2/10.

- Tỉnh đã triển khai hệ thống số hóa dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, đã số hóa dữ liệu phục vụ việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ đô thị thông minh. Đến nay, đã có 21.286 tài khoản cán bộ công chức viên chức sử dụng nền tảng này. Trong năm 2022, đã số hóa dữ liệu liên quan đến các ngành: y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, lao động thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông, ....nhằm phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước và chia sẻ thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

- Tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, tỉnh đã thực hiện được việc tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

- Đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về KH&CN tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hình thành Bảo tàng số (bảo tàng ảo) phục vụ tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.

b) Tồn tại, hạn chế

- Cổng dữ liệu mở đã được triển khai, tuy nhiên việc làm giàu dữ liệu và cập nhật thường xuyên dữ liệu vẫn hạn chế vì đòi hỏi nguồn lực thường xuyên.

- Việc sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung Quốc gia thông qua nền tảng liên thông Quốc gia tuy được thực hiện tốt, song cũng chưa đạt tối đa. Nguyên nhân, kỹ thuật phía nền tảng Quốc gia thường xuyên thay đổi, dữ liệu dùng chung được cập nhật bổ sung thường xuyên. Việc điều chỉnh nền tảng liên thông của Tỉnh để đáp ứng yêu cầu và sự thay đổi cũng như lấy nguồn dữ liệu mới đòi hỏi nguồn kinh phí thường xuyên cho hoạt động này.

5. Nền tảng số

a) Kết quả đạt được

- Đã triển khai và thí điểm 5/7 nền tảng số dùng chung: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn Tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước.

- Đã triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong 4/7 nền tảng số.

- Quản lý, khai thác và phát triển Sàn giao dịch công nghệ và điểm Kết nối cung cầu công nghệ (Chợ ảo công nghệ và thiết bị).

b) Tồn tại, hạn chế

Chưa triển khai các nền tảng: Nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; Nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức.

6. Nhân lực số

a) Kết quả đạt được

- Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 138/KH-HueIOC ngày 24/6/2022 về việc truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi số năm 2022.

- Triển khai các khóa đào tạo tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh theo chương trình kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông: Khoá bồi dưỡng dành cho Lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT tại các bộ, ngành, địa phương; Khóa bồi dưỡng cho lãnh đạo cấp xã (528 học viên).

- Phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phổ cập kỹ năng số cộng đồng cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân qua hình thức trực tuyến với 152 điểm cầu, hơn 4.000 thành viên Tổ tham dự.

- Tổ chức đào tạo kiến thức CNTT chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách CNTT; tập huấn an toàn thông tin cho cán bộ công chức các cấp; đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- 100% các địa phương cấp xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.

- Nguồn nhân lực CNTT cũng được chú trọng thông qua việc xây dựng và triển khai Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh về việc  phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

b) Tồn tại, hạn chế

- Công tác truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số trong người dân chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân chính là chưa được bố trí kinh phí đầy đủ cho hạng mục này. Công tác đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách chuyển đổi số chưa được thực hiện thường xuyên liên tục. Nguyên nhân, chưa bố trí đủ kinh phí đảm bảo thực hiện đúng số lượng chương trình theo nhu cầu đào tạo.

- Công tác chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng, nghề nghiệp chưa được quan tâm thực hiện đúng mức, chưa tạo ra được các nền tảng trường học số. Công tác chuyển đổi số trong các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp quản lý có thực hiện, song chưa đáp ứng đầu đủ các tiêu chí đề ra.

7. An toàn thông tin mạng 

a) Kết quả đạt được

- 100% máy chủ, máy trạm của cơ quan nhà nước cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

- Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được giám sát trực tiếp và kết nối chia sẻ dữ liệu với NCSC.

b) Tồn tại, hạn chế

Công tác triển khai các hoạt động đánh giá, giám sát, diễn tập an toàn thông tin định kỳ chưa được thực hiện. Nguyên nhân, yêu cầu phải có hoạt động thuê chuyên gia và cần kinh phí cho các hoạt động này.

8. Chính phủ số 

a) Kết quả đạt được

- Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định.

- Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định.

- Triển khai kênh số khác (ngoài Cổng TTĐT và Cổng DVC) để cung cấp thông tin và DVCTT: Dịch vụ bưu chính công ích.

- Triển khai kênh số khác (ngoài Cổng TTĐT) phục vụ tương tác trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp: Kênh Tương tác.

- Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP): 10/10.

- 86% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đã được triển khai với tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến là 54%.

- 100% các cơ quan nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh phục vụ hoạt động của đơn vị.

- 100% các văn bản được các cơ quan nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số.

- Đã triển khai nền tảng họp trực tuyến đến các cơ quan, đơn vị sở ban ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

- Triển khai nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước: Đã triển khai

- Tổ chức triển khai áp dụng, duy trì và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử theo quy định về Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 và Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế 2.0 trên toàn tỉnh.

- Tổ chức đánh giá sự áp dụng, tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm trong hội nghị cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số và an toàn thông tin tỉnh.

b) Tồn tại, hạn chế

Dịch vụ công đang còn hạn chế về số lượng công bố trực tuyến mức 4 (toàn tỉnh) cũng như sự tham gia của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, đòi hỏi cần nguồn lực để tuyên truyền kết hợp các giải pháp khuyến khích.

9. Kinh tế số

a) Kết quả đạt được

- Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử: 4.842 doanh nghiệp (83,89%).

- Số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định: 190 điểm, đạt 100%.

- Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx: 600 doanh nghiệp.

- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số: 2.800 doanh nghiệp.

b) Tồn tại, hạn chế

- Việc sử dụng hợp đồng điện tử trong doanh nghiệp chưa được triển khai.

- Tỉ lệ giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart còn thấp.

- Tổng kinh phí đầu tư và kinh phí đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho kinh tế số vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế số.

10. Xã hội số

a) Kết quả đạt được

- 100% hộ gia đình có địa chỉ số.

- 45% người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông.

- Mức độ người dân được tham gia vào cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền qua kênh Tương tác Hue-S là tương đối cao.

- Đến nay, toàn tỉnh đã có 137/141 xã, phường, thị trấn đã triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội nhằm góp phần cho người dân thuận lợi trong việc nhận tiền chế độ.

b) Tồn tại, hạn chế

- Số lượng người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử rất thấp;

- Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác: Ngân hàng nhà nước thống kê;

- Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân còn thấp;

- Chi phí đầu tư cho hoạt động truyền thông, khuyến khích về xã hội số chưa cao.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.289.505
Truy câp hiện tại 16.853