Triển khai thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 23/8/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả tham mưu và chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hướng đến mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế triệt để tiến đến chấm dứt cơ bản mọi hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên tuyến Hữu Trạch. Khắc phục các nhược điểm như lực lượng mỏng, thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, đồng thời lực lượng Kiểm lâm phối hợp, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (do vừa được thành lập, chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm) trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và tăng cường công tác giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các bên liên quan. Đặc biệt tập trung tấn công quyết liệt, thường xuyên, liên tục để vô hiệu hóa 3 hành vi: Khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng phương án phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng trên tuyến thượng nguồn sông Hữu trạch và được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 818/QĐ-SNNPTN ngày 20/11/2017.
Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng liên quan ký kết Quy chế phối hợp để tổ chức thực hiện các nội dung trong phương án được duyệt; thực hiện chế độ báo cáo về tình hình ngăn chặn nạn phá rừng tự nhiên tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch theo quy định; định kỳ 6 tháng thực hiện sơ kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện Phương án và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của phương án nhằm tăng cường lực lượng đủ mạnh để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, có cơ chế giám sát lẫn nhau nhằm duy trì thường xuyên các hoạt động tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng để bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên các tiểu khu rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, A Lưới, Hương Thủy và Khu bảo tồn Sao La nằm trên lưu vực Hữu Trạch.
Sau khi ký kết quy chế phối hợp, ngày 04/12/2017 lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đã triển khai chốt chặn đợt đầu tiên. Mỗi đợt luân phiên chốt chặn 30 ngày.
Ảnh 1: Họp triển khai trước khi xuất quân
Ảnh 2: Triển khai chốt chặn ngày 04/11/2017
Địa điểm chốt chặn là Trạm Kiểm lâm Chà lệnh - Mù Nú, là vị trí yết hầu, khống chế tất cả các tuyến vận chuyển lâm sản về hồ thủy điện Bình Điền; đồng thời là nơi có điều kiện tốt nhất để ngăn chặn, kiểm tra kiểm soát các hành vi xâm hại rừng, có thể giám sát quản lý một khu vực rừng rộng lớn hơn, các địa điểm phụ là Trạm Kiểm lâm cửa rừng đường 74, chốt Bến Lội, chốt BVR khe Hụp.
Ảnh 3: Họp Trạm phân công nhiệm vụ
Các đơn vị chủ rừng, các Hạt Kiểm lâm ưu tiên lựa chọn đủ số lượng công chức, viên chức, nhân viên tham gia có kinh nghiệm hiện trường rừng và hoạt động trên hồ nước; nắm chắc đối tượng; trẻ và khỏe để đáp ứng nhiệm vụ; đồng thời đáp ứng các yêu cầu của công tác bảo đảm hậu cần phục vụ cho lực lượng của mình tham gia phối hợp.
Việc giao và trả quân thực hiện theo nguyên tắc “nhận xong quân mới thì trả quân cũ”. Đơn vị phối hợp có trách nhiệm đưa quân mới đến tại Trạm Kiểm Lâm Chà Lệnh- Mụ Nú để bàn giao cho Chỉ huy lực lượng phối hợp và nhận lại quân đã hết thời hạn tham gia phối hợp. Lương và các khoản phụ cấp bằng tiền của người tham gia phối hợp được đơn vị phối hợp chi trả hoặc cho tạm ứng theo cách thuận lợi nhất cho người phối hợp. Dù trả bằng cách nào, cũng không được để tình trạng người đến phối hợp xin về đơn vị để nhận lương.
Khi cần điều động người về lại đơn vị trước thời hạn hoặc điều động tạm thời vì bất kỳ lý do gì thì thủ trưởng đơn vị phối hợp chủ động liên hệ với Chỉ huy trưởng lực lượng phối hợp để thống nhất giải quyết. Thủ trưởng đơn vị cử người phối hợp tuyệt đối không được điều động trực tiếp người đã được cử phối hợp khi chưa có ý kiến của Chỉ huy trưởng lực lượng phối hợp. Mọi trường hợp điều động trước thời hạn hay bị đau ốm thì thủ trưởng đơn vị liên quan có trách nhiệm bố trí người khác vào thay thế để đảm bảo quân số của lực lượng phối hợp.
Để quản lý, chỉ đạo lực lượng phối hợp, Chi cục Kiểm lâm đề nghị Sở thành lập Ban chỉ huy lực lượng phối hợp. Chỉ huy trưởng là 01 Phó Hạt trưởng làm chỉ huy trưởng và phó chỉ huy trưởng là đội trưởng hoặc tổ trưởng bảo vệ rừng chuyên trách các đơn vị chủ rừng. Ban chỉ huy lực lượng phối hợp hoạt động theo chế độ một chỉ huy, khi Chỉ huy trưởng đi vắng sẽ quyết định cử một Phó chỉ huy thay thế; người thay thế thực hiện vai trò điều hành của người chỉ huy trưởng. Ban Chỉ huy lực lượng phối hợp có nhiệm vụ điều hành toàn bộ lực lượng phối hợp để bảo vệ có hiệu quả toàn bộ diện tích rừng tự nhiên đã nêu ở trên.
Hằng ngày phân công chế độ trực ban luân phiên 3 ca (24/24h). Trực ban vào ban đêm phải có ít nhất nhóm 3 người của 3 đơn vị khác nhau, trong đó có 1 người được Ban Chỉ huy phân công làm trưởng ca trực. Lực lượng phối hợp mở sổ theo dõi thông tin của trực ban. Sổ phải ghi chép tất cả mọi hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ rừng nhận được; những thông tin về người hoạt động trong vùng nhận hoặc thấy được. Kết thúc mỗi ca trực phải có ghi chép bàn giao vào sổ, ghi rõ yêu cầu của kíp trực trước cho kíp trực sau tiếp tục theo dõi thông tin.
Giao ban vào mỗi buổi sáng, sau 3 ca trực thì ca trực cuối có nhiệm vụ tổng hợp thông tin và báo cáo cho Ban Chỉ huy tình hình thông tin nhận được và đã xử lý trong ngày; những thông tin đang xử lý hay theo dõi; những đề xuất tiếp tục triển khai, xin ý kiến Ban Chỉ huy quyết định. Thành phần giao ban gồm tập thể Ban Chỉ huy có mặt, ca trực cuối và trưởng của 2 ca trực trước.
Khi có thông tin đột xuất, tất cả người tham gia lực lượng phối hợp phải kịp thời phản ảnh cho Chỉ huy trưởng hoặc người được phân công thay thế để xử lý. Trường hợp yêu cầu bảo mật thông tin thì có quyền phản ảnh cho người mà mình tin tưởng và đề xuất biện pháp ngăn chặn đối tượng phá rừng bảo đảm hiệu quả.
Kết thúc mỗi đợt luân phiên thay đổi lực lượng, Ban Chỉ huy có trách nhiệm nhận xét, đánh giá cụ thể bằng văn bản cho từng cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng phối hợp gửi cho thủ trưởng đơn vị, làm căn cứ để xem xét thi đua, khen thưởng cũng như kỷ luật khi có vi phạm. Mọi trường hợp vi phạm quy chế phối hợp, vi phạm mệnh lệnh của Chỉ huy, Ban Chỉ huy phải họp kiểm điểm cá nhân, đánh giá mức độ vi phạm và đề xuất với thủ trưởng đơn vị phối hợp liên quan xử lý theo thẩm quyền. Trong tiến trình thực thi công vụ, cá nhân nào vi phạm thì không chờ đến hêt kỳ phối hợp, Ban Chỉ huy có nhiệm vụ thông báo vi phạm của cá nhân đó, trả lại cho đơn vị phối hợp và đề xuất người thay thế.
Định kỳ hàng tháng, tổ chức 02 cuộc họp toàn thể lực lượng phối hợp khi vừa đến nhận nhiệm vụ và khi kết thúc nhiệm vụ trở lại đơn vị. Cuộc họp hàng tháng phải mời thủ trưởng đơn vị phối hợp và Trưởng phòng Thanh tra –Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tham dự; trường hợp vắng, phải cử lãnh đạo đơn vị đi thay.
Phòng Thanh tra, pháp chế Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và động viên (đột xuất 3 lần/tháng), thành phần đoàn kiểm tra có đại diện Lãnh đạo Sở, Chi cục Kiểm lâm và các phòng chuyên môn nghiệp vụ (thay phiên kiểm tra, tùy lịch công tác của mỗi lãnh đạo) và đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp, các Đội Kiểm lâm cơ động, Phòng Thanh tra, pháp chế có nhiệm vụ nắm bắt thông tin, tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo Sở.
Ảnh 4: Kiểm tra đột xuất tuyến Hữu Trạch
Sau 01 năm thực hiện, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và tài liệu hóa nhân rộng trên các tuyến rừng khác. Trong tiến trình triển khai, nếu đã thấy rõ hiệu quả và có các đơn vị chủ rừng ở các tuyến khác mong muốn triển khai thì có thể xem xét để xây dựng Phương án thực hiện, không nhất thiết phải chờ tổng kết./.