Tuần qua, thời tiết tiếp tục có nắng nóng, nhiệt độ cao nên mức nước ở các con sông, đầm phá xuống thấp, lưu tốc dòng chảy gần như không có, một số kênh mương cấp nước cho vùng nuôi đầm phá bắt đầu khô hạn. Vì vậy, các lồng bè nuôi cá trên sông đang được đẩy ra xa ở giữa dòng, một số nơi có tình trạng ngột do thiếu oxy; quan trắc các điểm xả thải xã Điền Lộc (huyện Phong Điền), xã Vinh An (huyện Phú Vang) và cống 3 xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc) có chỉ tiêu PO43- khá cao (0,25 mg/l) rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp cho vùng nuôi nếu không được nạo vét, khơi thông và vệ sinh đảm bảo.
Theo nhận định xu thế và dự báo thời tiết phục vụ sản xuất Hè Thu 2019 tại Công văn số 117/PCTT ngày 11/6/2019 của Ban Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình thời tiết trong thời gian đến sẽ bị ảnh hưởng bởi áp thấp nóng phía tây kết hợp với gió mùa tây nam gây hiệu ứng phơn, nên sẽ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp trên diện rộng và kéo dài. Ngoài ra do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên trong tháng 7, tháng 8 có khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng với mức độ gay gắt và kéo dài hơn trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2018. Do đó, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi sẽ phải giữ nước cho các mục đích cấp bách khác; tuy nhiên, ở mức nước chết của các hồ khi xả nước xuống hạ du phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản thì chất lượng nước có thể cũng không đảm bảo tốt cho đối tượng nuôi, bà con cần lưu ý để có giải pháp kỹ thuật phù hợp kịp thời.
Để chủ động ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài, đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế các thị xã tiếp tục triển khai các nội dung:
1.Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, nắng nóng để triển khai các phướng án chống nóng kịp thời cho vật nuôi.
2. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán và biến động thời tiết. (Đính kèm)
Tổng hợp kết quả đo các chỉ tiêu môi trường nước của 10 điểm nước cấp vùng đầm phá cho nuôi trồng thủy sản, 02 điểm nước cấp vùng biển cho nuôi tôm chân trắng trên cát và 03 điểm nước xả thải từ các ao nuôi tôm như sau:
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ỨNG PHÓ
TÌNH HÌNH THỜI TIẾT NẮNG NÓNG KÉO DÀI
1. Đối với nuôi tôm nước lợ, mặn
- Nuôi thâm canh và bán thâm canh:
+ Lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và chất lượng tốt; Thực hiện ương dưỡng giống trước khi thả nuôi tôm thương phẩm, chỉ thả giống khi nhiệt độ dưới 30oC (sáng sớm hoặc chiều mát), thả với mật độ thích hợp (tôm thẻ chân trắng < 80 con/m2, tôm sú:10 - 15 con/m2); duy trì độ mặn: 10 - 25%; oxy > 3,5 mg/l; pH : 7,5 - 8,5; độ kiềm: 80 - 150 mg/l… ;
+ Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm 15 - 30% thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 10 - 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng. Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Sử dụng các loại chế phẩm định kỳ 10 - 15 ngày/lần để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3 - 1,5m, nếu cần bổ sung nước thì phải lấy nước vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi; Đồng thời chạy quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ;
+ Quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng. Khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo. Lưu ý, trong thời gian diệt tảo nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn của tôm, đồng thời tăng cường quạt khí để hóa chất bay hơi, sau đó bón chế phẩm vi sinh để phục hồi hệ vi khuẩn trong ao. Đối với những ao nuôi có nguồn nước sạch, độ mặn ổn định (12 - 15%) thì có thể thay nước ao 20 - 30% để giảm mật độ tảo và ngăn sự phát triển của tảo trong ao;
+ Duy trì ổn định pH trong giới hạn cho phép (7,5 - 8,2) bằng vôi bột (CaCO3) (định kỳ dùng vôi bột hòa nước tạt đều khắp ao với liều lượng 1,5 -2kg/100 m3 nước ao). Nên định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống đặc biệt trước các ngày có mưa dông. Nâng cao độ sâu mực nước ao để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt tầng nước mặt tránh vật nuôi bị sốc do thay đổi pH đột ngột.
- Nuôi quảng canh cải tiến :
+ Tập trung gia cố bờ ao, để tăng khả năng giữ nước.
+ Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao nuôi đảm bảo mực nước từ 1,2 m trở lên. Bổ sung thêm Vitamin C, khoáng để tăng sức đề kháng cho tôm.
2. Đối với nuôi cá lồng
Nuôi lồng nổi cách đáy ít nhất 50 cm hoặc bè nổi để dễ di chuyển khi môi trường có nhiều biến động (hiện nay bà con nuôi cá lồng cắm sát đáy khó di chuyển, dể bị ảnh hưởng bởi các khí độc từ đáy lồng bốc lên khi nhiệt độ tăng cao); sắp xếp lại khoảng cách đặt giữa các lồng, sử dụng kích cở mắc lưới phù hợp theo Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ngày 10/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành QCVN 02 - 22:2015/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt – Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh Quy định về nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đo thường xuyên các yếu tố môi trường (S0/00, pH, PO43-, Oxy, NH3, H2S…) hàng ngày và định kỳ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thả nuôi mật độ vừa phải, bình quân tối đa 30 con/m2.
Chuyển đổi sử dụng thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp đạm cao, kết hợp trộn Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.
3. Đối với nuôi cá ao nước ngọt
Duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,5 - 2m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm bơm ngược lại nếu có điều kiện. Những nơi có điều kiện thay nước thường xuyên định kỳ thay từ 15 -20% lượng nước cũ trong ao;
Thả 1/3 diện tích bèo tây, bèo tấm,... để tạo bóng mát cho cá;
Theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, sớm phát hiện các biến động và điều chỉnh các yếu tố môi trường về ngưỡng thích hợp. Trong những ngày nắng nóng cần giảm lượng thức ăn từ 30 - 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, trong khẩu phần ăn cần bổ sung vitamin C, khoáng chất,... để tăng sức đề kháng cho cá; những ao nuôi thả mật độ cao nên tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, hạn chế được việc thay nước thường xuyên.
Nên chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm ngay để đảm bảo hiệu quả kinh tế và tránh thiệt hại khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nước và hạn hán xâm nhập mặn xảy ra.