Quản lý và bảo vệ động vật hoang dã là một trong những hoạt động được Chi cục Kiểm lâm quan tâm và chú trọng. Từ đầu năm đến nay, sau một thời gian ngắn cứu hộ, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức, phối hợp tổ chức thả vào môi trường sống tự nhiên các loài động vật hoang dã, gồm: 02 cá thể Bồ nông chân hồng (Pelecanus onocrotalus), 01 cá thể Culi nhỏ(Nycticebus pygmaeus), 04 cá thể Cầy vòi hương (Paradoxurus hermapphroditus), 01 cá thể Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), 02 cá thể Kỳ đà vân (Varanus nebulosus) và 01 cá thể Trĩ đỏ khoang cổ (Phasianus colchicus takatsukasae).
Đặc biệt, ngày 6/01/2019, Chi cục Kiểm lâm phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tái thả 2 cá thể Bồ nông chân hồng (Pelecanus onocrotalus), thuộc nhóm IB về lại môi trường sống tự nhiên. Một con được gắn chip điện tử dùng pin năng lượng mặt trời để giám sát quá trình di trú.
Đây là các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nhóm IB, IIB theo quy định phải được bảo vệ tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (trừ Trĩ đỏ khoang cổ là loài ĐVHD thông thường).
Hoạt động tiếp nhận, cứu hộ và thả vào môi trường sống tự nhiên các loài động vật hoang dã nói trên đã được Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm Thị xã Hương Trà, Hương Thủy, thành phố Huế và Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật. Chi cục Kiểm lâm cũng đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã để nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm này./.
Một số hình ảnh cứu hộ và thả ĐVHD về môi trường rừng tự nhiên
ảnh 1: Thả về môi trường sống 2 cá thể Kỳ đà vân
ảnh 2: Thả về rừng cá thể Trĩ đỏ khoang cổ
ảnh 3: Thả cá thể Khỉ mặt đỏ
ảnh 4: Thả 4 cá thể Cầy vòi hương
ảnh 5: Tái thả Bồ nông chân hồng
ảnh 6: Cứu hộ cá thể Cu ly nhỏ
ảnh 7: 1 trong 2 cá thể Bồ nông chân hồng được cứu hộ và tái thả
ảnh 8: Gắn chíp để giám sát quá trinh di trú của Bồ nông chân hồng