Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngăn ngừa tàu giã cào hoạt động trái quy định
Ngày cập nhật 03/05/2019

Mới đây, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân trên địa bàn những thông tin, kiến thức về khai thác thủy, hải sản theo vùng được cấp phép. Qua đó đã ghi nhận nhiều ý kiến, tâm tư của ngư dân về các biện pháp để hạn chế tình trạng khai thác thủy, hải sản trái phép.

Mới đây, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân trên địa bàn những thông tin, kiến thức về khai thác thủy, hải sản theo vùng được cấp phép. Qua đó đã ghi nhận nhiều ý kiến, tâm tư của ngư dân về các biện pháp để hạn chế tình trạng khai thác thủy, hải sản trái phép.

Theo đánh giá của BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, tình trạng hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vi phạm tuyến khai thác trên vùng biển của địa phương vẫn diễn ra phức tạp. Hoạt động giã cào ở vùng biển ven bờ gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản; khai thác tận diệt các loài cá con, phá vỡ sinh thái đáy biển và các bãi sinh sản ven bờ của các loài thủy sản.

Nghề giã cào cũng gây thiệt hại tài sản của ngư dân làm nghề lưới rê, các nghề khai thác ven bờ ở các xã, thị trấn ven biển; đe dọa đến tính mạng, đời sống kinh tế của ngư dân. Hoạt động giã cào trong những năm qua cũng đã gây ra những mâu thuẫn dẫn đến xung đột trên biển, gây bức xúc trong ngư dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển Thừa Thiên Huế.

Ông Trần Thanh, ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết: “Bên cạnh các tàu giã cào ở địa phương khác đến thì vẫn tồn tại một số ngư dân trên địa bàn tỉnh, thậm chí ngư dân Thuận An cũng hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trái pháp luật. Thời gian vi phạm của các tàu làm nghề giã cào thường vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều trong ngày. Các tàu giã cào thường hoạt động nhiều nhất từ khoảng tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Địa điểm vi phạm tập trung chủ yếu tại khu vực biển đối diện xã Quảng Công đến xã Điền Hương; từ khu vực biển đối diện xã Vinh Thanh, Phú Vang đến khu vực biển đối diện thị trấn Lăng Cô...”.

Cũng theo lực lượng chức năng và ngư dân địa phương, phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu của tàu giã cào là lợi dụng đêm tối, sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát ngư trường để hoạt động. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các tàu vi phạm dùng các biện pháp để che số hiệu kiểm soát tránh bị quay phim, chụp ảnh; một số trường hợp vi phạm cắt lưới bỏ chạy, sau đó quay lại trục vớt. Thậm chí, có một số trường hợp ngư dân gây áp lực chống đối lực lượng làm nhiệm vụ...

Ông Trần Quân, ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang bức xúc: “Ngư dân sống chủ yếu bằng nghề biển, mà tàu giã cào hoạt động theo kiểu “tận diệt” gây nhiều thiệt hại cho những nghề khai thác khác. Tàu giã cào kéo rách lưới, làm hư neo của nhiều phương tiện khác đánh bắt ven bờ trở thành chuyện thường ngày. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác hải sản kiểu “tận diệt” của phương tiện giã cào đã làm ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt”.

Theo ông Hồ Quyến, ngư dân hành nghề lộng (đánh bắt gần bờ), trú tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: “Trước đây, chỉ cần ra xa bờ vài ba hải lý là đã có thể đánh bắt hải sản, còn giờ đây, nhiều tàu nhỏ phải liều lĩnh đưa tàu ra xa cả chục hải lý mới có hy vọng”.

Trong thời gian qua, thông qua các Hội nghị tuyên truyền, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế và Chi cục Thủy sản tỉnh đã giới thiệu một số nội dung trọng tâm của Nghị định 33 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; Nghị định 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Pháp chế, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự thảo quy định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính (mới) trong lĩnh vực khai thác thủy, hải sản đang thẩm định chờ thông qua. Nếu dự thảo được thông qua, theo quy định, mức phạt cao nhất đối với tàu dài trên 15m  khai thác vùng ven bờ, vùng lộng là 50 triệu đồng (bất kỳ tàu khai thác các ngành nghề khác nhau, không riêng giã cào)

. Đồng thời, phạt mức cao nhất 50 triệu đồng đối với tàu trên 15m khai thác không đúng nghề đã đăng ký trong giấy phép. Như vậy, cảnh báo được đưa ra là nếu không tuân thủ theo quy định (một lúc phạm 2 lỗi khai thác không đúng vùng, đúng nghề) chủ tàu (trên 15m) có thể phải chịu mức phạt cao nhất tới 100 triệu đồng. Các loại tàu khác nếu vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng, phù hợp, nghiêm khắc hơn rất nhiều.

Liên quan đến quyền lợi thiết thực nên nhiều ngư dân đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau. Các chủ tàu đánh bắt xa bờ, tuân thủ pháp luật đề xuất các lực lượng chức năng “siết chặt” công tác tuần tra, xử phạt nghiêm vi phạm. Bên cạnh đó,  không ít ý kiến của ngư dân cho rằng, do phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ, chỉ có thể đánh bắt ven bờ, nếu ra khơi sẽ rất nguy hiểm. Để có thể vươn khơi, bám biển, ngư dân phải đầu tư cải hoán tàu thuyền, nâng công suất, nhưng bà con lại khó khăn về tài chính, vì vậy chỉ có thể chuyển đổi nghề nghiệp.

Đại tá Vũ Văn Uy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết, sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, Nhà nước đã có chính sách bồi thường, hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề hoặc đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu thuyền vươn khơi. Lực lượng Biên phòng đã ghi nhận ý kiến của một số ngư dân, đồng thời cho biết sẽ tham mưu chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, cộng đồng ngư dân cần chấp hành tốt pháp luật về khai thác thủy, hải sản để chấm dứt tình trạng đánh bắt sai vùng quy định; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin và hỗ trợ phương tiện giúp lực lượng BĐBP tỉnh, lực lượng kiểm ngư trong bắt giữ tàu giã cào đánh bắt sai vùng quy định.

Nguyễn Phước Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.265.260
Truy câp hiện tại 1.996