1. Giống thả nuôi
- Giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản;
- Tôm giống nhập từ ngoài tỉnh phải có thủ tục kiểm dịch, được xét nghiệm bệnh và kiểm tra chất lượng theo quy định. Khi nhập, chủ cơ sở nuôi thủy sản phải khai báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã trước lúc thả nuôi ít nhất là 01 ngày (trực tiếp hoặc qua điện thoại số 0984 818222 gặp đ/c Nguyễn Phan Thành Nhân).
- Nguồn giống nhập từ ngoại tỉnh về các vùng nuôi phải qua kiểm tra tại các Chốt kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trên Quốc lộ 1A; phía Bắc có Chốt kiểm dịch Phong Điền (Phong Thu - Phong Điền), phía Nam có Chốt kiểm dịch Phú Lộc (Lộc Thủy - Phú Lộc).
2. Chăm sóc
Trong quá trình nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu không bình thường của tôm. Kiểm tra chặt chẽ thức ăn, thuốc thú y về chủng loại và hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn; bảo quản thức ăn, thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát.
3. Quản lý dịch bệnh
3.1. Đối với các cơ sở nuôi bị bệnh
- Khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh phải báo cho Phòng Nông nghiệp và PTNT; Phòng Kinh tế các huyện, thị xã; Chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả. Tiến hành đóng cống, không xả nước ra ngoài môi trường; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Đồng thời thông báo cho Chi hội nghề cá, tổ nuôi trồng thủy sản (nếu có), các chủ hộ nuôi tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch.
- Trường hợp tôm nuôi nhiễm các bệnh thông thường tùy vào tình hình thực tế từng ao nuôi để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả (cần báo cán bộ thú y kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý).
- Tôm nuôi bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, Taura, hội chứng gan tụy,... hay tôm có hiện tượng chết nhanh, nhiều thì chủ cơ sở phải thực hiện:
+ Không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài;
+ Không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh ra môi trường;
+ Không sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, làm thức ăn tươi sống cho thủy sản khác;
+ Rải vôi hoặc Chlorine quanh bờ ao, mái bên trong của ao;
+ Đánh dấu ao tôm bị bệnh bằng cách khoanh vùng bằng lưới, cắm cờ ở góc ao,...
+ Xử lý:
Trường hợp tôm đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch nhưng không được để tôm và nước rơi vãi ra vùng nuôi, sau đó xử lý nước ao bằng Chlorine với nồng độ 30g/m3 (30ppm). Sau 5 ngày mới được tháo nước ra. Phơi ao và cải tạo ao kỹ trước khi thả nuôi trở lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine với nồng độ 200g/m3.
Trường hợp tôm còn nhỏ xử lý tiêu hủy bằng Chlorine với nồng độ 30g/m3. Sau khi xử lý vớt xác tôm để chôn, đốt hoặc nấu chín kỹ làm thức ăn cho gia súc, không để xác tôm rơi vãi ra vùng nuôi. Sau 5 ngày mới được tháo nước ra. Phơi ao và cải tạo ao kỹ trước khi thả nuôi trở lại. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ bằng Chlorine với nồng độ 200g/m3.
Riêng đối với những ao nuôi xen ghép tôm, cua, cá: Xử lý như nuôi chuyên tôm nhưng nồng độ Chlorine thấp hơn, dùng từ 5-10g/m3. Chỉ cấp thêm nước khi cần thiết, hạn chế xả nước ra môi trường bên ngoài.
3.2. Đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở trong vùng có dịch
- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi trồng thủy sản.
- Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho động vật thủy sản nuôi.
- Không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đang xảy ra.
- Đối với cơ sở, nuôi ao chưa bị bệnh: Hạn chế tối đa bổ sung nước, thay nước trong thời gian địa phương có công bố dịch hoặc cơ sở nuôi xung quanh có thông báo xuất hiện bệnh.
- Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm động vật thủy sản mắc bệnh, báo cáo với chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y xã và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.
4. Chẩn đoán xét nghiệm bệnh tôm
4.1. Thủ tục nhận mẫu
- Đối với mẫu được xét nghiệm miễn phí: có biên bản lấy mẫu xét nghiệm có xác nhận của một trong các đơn vị sau: UBND xã; Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã.
- Đối với mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của chủ cơ sở: gửi mẫu kèm theo những thông tin của mẫu.
4.2. Cách lấy mẫu
Chọn ao nuôi có hiện tượng tôm chết, dạt bờ, lấy đều ở quanh hồ:
- Tôm yếu, chết bỏ vào lọ có cồn 90% để cố định.
- Tôm sống bỏ vào bì nilon cột kỹ có nước hoặc bỏ vào thùng bảo ôn có đá lạnh.
- Ghi đầy đủ thông tin: Tên chủ, số ao, ngày lấy mẫu, địa chỉ gửi về phòng xét nghiệm không quá 6h (Không nên gộp nhiều ao vào một mẫu).
4.3. Các chỉ tiêu xét nghiệm
Bệnh Đốm trắng (WSSV), Bệnh Còi (MBV), Bệnh Đầu vàng (YHV), Bệnh Taura (TSV), Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV).
4.4. Địa điểm, thời gian nhận mẫu
- Địa điểm nhận mẫu:
+ Cơ sở 1: Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật phía Bắc (Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Linh - thành phố Huế, số điện thoại: 02343 589 019 hoặc di động: 0914 007 406).
+ Cơ sở 2: Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật phía Nam (Địa chỉ: xã Phú Mỹ - huyện Phú Vang, số điện thoại: 02343 974 228 hoặc di động: (0362 738 123).
- Thời gian nhận mẫu các ngày trong tuần, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật.
4.5. Thời gian và hình thức trả lời kết quả
Trả lời kết quả (qua điện thoại) không quá 24h kể từ khi nhận mẫu và gửi phiếu trả lời kết quả xét nghiệm sau đó.