Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện việc xây dựng cơ sở ATDBĐV song do chưa triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp nên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều xã đã xây dựng nhưng không thành công.
Để xây dựng được các mô hình cơ sở ATDBĐV một cách bài bản, đủ điều kiện, tiêu chuẩn được Trung ương thẩm định và công nhận nhằm triển khai nhân ra diện rộng, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND xã Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền) và Phú Lương (huyện Phú Vang) xây dựng mô hình cơ sở ATDBĐV đối với bệnh DTL và cúm gia cầm. Trong quá trình triển khai xây dựng cơ sở ATDBĐV ở các địa phương này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản về việc xây dựng cơ sở ATDBĐV ở cấp xã, phường như sau:
I. Giải pháp về tổ chức, chỉ đạo
1. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở ATDB ĐV cấp xã
- UBND xã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở ATDBĐV cấp xã; đưa công tác xây dựng cơ sở ATDBĐV vào chương trình, kế hoạch, nghị quyết của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, UBND.
- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:
+ Lập kế hoạch triển khai các nội dung trong xây dựng cơ sở ATDBĐV. Triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở ATDB sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Phân công các thành viên phụ trách công việc cụ thể để chỉ đạo nhân dân thực hiện các tiêu chuẩn và lập thủ tục, hồ sơ đăng ký.
+ Phân công trách nhiệm cho trưởng thôn, nhân viên thú y xã giám sát dịch bệnh và tham gia công tác tiêm phòng, chống dịch, lập sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, kết quả tiêm phòng các bệnh chủ yếu ở gia súc, gia cầm tại địa phương.
+ Tổ chức hội nghị triển khai, kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện công việc đề ra.
+ Lập phương án, kế hoạch, kinh phí thực hiện trình UBND xã phê duyệt và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm.
+ Xử lý các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện.
+ Ban chỉ đạo họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả và chỉ đạo kế hoạch tiếp theo, có thể họp đột xuất. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện và phương án, kế hoạch trong năm đến.
+ Khi hết thời hạn đã được công nhận đối với cơ sở ATDB thì phải làm hồ sơ gia hạn công nhận cơ sở ATDB đối với bệnh đã đăng ký.
+ Đề nghị UBND xã xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y theo Pháp lệnh Thú y và Nghị định của Chính phủ.
2. Thường xuyên củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới Thú y cơ sở
- Có Quyết định thành lập Ban chăn nuôi thú y (CNTY) xã và đảm bảo số lượng, chất lượng. Trưởng Ban CNTY có trình độ trung cấp trở lên, đảm bảo tốt nhất mỗi thôn có 1 thú y viên phụ trách. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn của thú y cơ sở lên trung cấp, cao đẳng, đại học. Chú trọng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thú y. Ban CNTY xã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, nội dung cụ thể, thiết thực; phân công địa bàn tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và giao chỉ tiêu tiêm phòng theo từng địa bàn thôn, tổ.
- Ban CNTY xã có sổ sách theo dõi biến động đàn gia súc, tình hình dịch bệnh, tình hình tiêm phòng theo hướng dẫn của Trạm Thú y huyện và báo cáo dịch bệnh định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất.
- Ban CNTY xã có tủ thuốc Thú y và các trang thiết bị liên quan phục vụ cho công tác thú y như tủ lạnh, hộp bảo quản vắc xin, máy phun tiêu độc khử trùng, bảo hộ lao động….
3. Người chăn nuôi có trách nhiệm
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đặc biệt phải chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN, ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT V/v Ban hành Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm.
- Phải tuân theo các quy định của pháp luật về thú y đối với cơ sở ATDBĐV
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định vệ sinh thú y trong chăn nuôi và hướng dẫn của cán bộ thú y, các nội dung đã ký cam kết.
- Khi phát hiện gia súc, gia cầm có những biểu hiện bất thường, bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao,… thì báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn. Nghiêm túc thực hiện “5 không” trong qui định phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: không giấu dịch; không mua gia súc, gia cầm bệnh, sản phẩm của gia súc, gia cầm bệnh; không bán chạy gia súc, gia cầm bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác gia súc, gia cầm bệnh ra môi trường.
- Có sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, theo dõi tiêm vắc xin phòng các bệnh của gia súc, gia cầm theo quy định.
II. Giải pháp về kỹ thuật
1. Về chăn nuôi
- Vận động và hướng dẫn người chăn nuôi từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
- Quy hoạch khu vực chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm….
- Áp dụng qui trình chăm sóc, nuôi dưỡng theo từng đối tượng gia súc, gia cầm để chăn nuôi có hiệu quả và đảm bảo được an toàn dịch bệnh.
- Về chế độ tiêm phòng: các hộ chăn nuôi phải chấp hành việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNNcủa Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Khai báo dịch bệnh: Tổ chức, cá nhân trong thôn, ấp, bản, xã, phường, thị trấn, thị tứ có chăn nuôi phải có sổ theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh. Khi thấy động vật mắc bệnh hoặc chết do nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho Thú y xã, phường hoặc cơ quan Thú y và chính quyền sở tại đồng thời phải thực hiện “5 không”.
2. Công tác tuyên truyền
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Pháp lệnh Thú y và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y.
- Ban CNTY xã phối hợp với Đài truyền thanh xã soạn thảo chương trình và nội dung tuyên truyền về các văn bản qui định phòng chống dịch bệnh của nhà nước, phổ biến kiến thức về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh, LMLM, DTL, cúm gia cầm, Newcastle gà, dịch tả vịt, tụ huyết trùng gia súc, gia cầm, dại chó,…các gương điển hình trong chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh, phê phán các tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm qui định phòng chống dịch bệnh gây hậu quả cho sản xuất. Các nội dung trên được thông báo trên loa truyền thanh, nơi sinh hoạt cộng đồng của xã để nhắc nhở, vận động nhân dân thực hiện.
- Công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đầy đủ để giúp người chăn nuôi hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trong từng thôn cam kết thực hiện "5 không" trong qui định phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tuyên truyền để người chăn nuôi từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; tổ chức lễ đăng ký xây dựng cơ sở ATDBĐV để các thôn, tổ, các Ban ngành đoàn thể liên quan đại diện cho nhân dân ký cam kết xây dựng cơ sở ATDBĐV; tổ chức họp dân để quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ sở ATDBĐV; in ấn và phát tờ rơi về tác hại của một số bệnh truyền nhiễm chính ở gia súc, gia cầm và cách phòng, chống các bệnh này.
3. Công tác tập huấn
- Tập huấn về ATDBĐV cho các ban ngành chủ chốt trong xã và mạng lưới Thú y xã.
- Tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới Thú y xã.
- Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chăn nuôi an toàn sinh học cho nhân dân.
4. Công tác phòng chống dịch bệnh
a) Công tác chống dịch
- Có hệ thống giám sát khai báo các dịch bệnh, nòng cốt là thú y viên , trưởng thôn hoạt động thường xuyên để nắm được tình hình dịch bệnh xảy ra trong xã, phường, thị trấn, cơ sở chăn nuôi. Ban chỉ đạo cũng là các thành viên trong hệ thống giám sát dịch bệnh ở cơ sở.
- Báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm định kỳ và đột xuất. Không đưa gia súc, sản phẩm gia súc có nhiễm mầm bệnh ra ngoài ổ dịch. Theo dõi tất cả các gia súc, gia cầm xuất ra khỏi vùng, cơ sở ATDB trước khi dịch xảy ra trong thời gian tối thiểu bằng thời gian nung bệnh của mỗi bệnh. Điều tra nguồn gốc, nguyên nhân, mầm bệnh gây ra ổ dịch. Áp dụng các biện pháp dập dịch: tiêu hủy con vật mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng vắc xin khẩn cấp, cách tiến hành tiêm phòng tùy theo từng bệnh để thực hiện.
b) Công tác phòng bệnh
- Về tiêm phòng:
+ Ban CNTY xã phối hợp với trưởng thôn trong công tác nắm tổng đàn gia súc, gia cầm trước mối đợt tiêm phòng để có cơ sở đăng ký vắc xin tiêm phòng và tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch tiêm phòng đại trà một năm 2 đợt vào tháng 3-4 và tháng 8-9. Hàng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc mới nhập đàn và gia súc đến diện phải tiêm phòng để tạo miễn dịch khép kín. Công tác tiêm phòng được triển khai kịp thời và nhanh chóng bằng cách huy động toàn bộ đội ngũ thú y viên trong xã, trưởng thôn, một số ban ngành khác trong xã; chuẩn bị các vật tư cần thiết phục vụ cho tiêm phòng như dụng cụ tiêm, hộp bảo quản, sổ theo dõi tiêm phòng, giấy chứng nhận tiêm phòng; tuyên truyền trên loa truyền thanh xã về Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm, lịch tiêm phòng của từng thôn, cụm dân cư và lợi ích của việc tiêm phòng.
+ Ban CNTY xã báo cáo kết quả tiêm phòng gia súc, gia cầm trong thời gian qua theo mẫu 7c của Tổ Thú y và mẫu xây dựng của Trạm Thú y huyện. Đánh gía tỷ lệ tiêm phòng các bệnh so với diện tiêm điều tra đặc biệt lưu ý bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh. Lưu ý tiêm phòng vắc xin phải đạt tỷ lệ ≥ 90% so với tổng đàn đối với các loại bệnh đăng ký; các bệnh khác chưa đăng ký phải tiêm phòng theo quy định đạt tỷ lệ ³ 80% so với diện tiêm.
- Áp dụng các biện pháp phòng khác: thường xuyên áp dụng các biện pháp ngăn chặn để mầm bệnh không xâm nhập vào do các yếu tố lây lan như gió, nguồn nước, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đi lại của con người, giao thông, dụng cụ... Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để tránh lây nhiễm.
5. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, và kiểm tra vệ sinh Thú y (VSTY)
- Tổ chức các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, việc giết mổ phải đưa vào cơ sở giết mổ do ngành thú y (Trạm Thú y huyện) quản lý và kiểm soát dịch bệnh. UBND xã qui hoạch địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trình UBND huyện phê duyệt.
- Ban CNTY xã phối hợp với Trạm Thú y huyện tổ chức kiểm dịch và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt đối với động vật, sản phẩm động vật nhập vào vùng, cơ sở ATDB theo qui định của ngành thú y.
- Kiểm tra thường xuyên các điều kiện VSTY đối với các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển, nơi mua bán động vật - sản phẩm động vật, các cơ sở và hộ chăn nuôi gia đình (điều kiện chuồng nuôi, hố xử lý phân, hầm biogas,...)
6. Chẩn đoán, xét nghiệm
- Định kỳ tiến hành khảo sát, đánh giá về huyết thanh học, sự lưu hành của virut đối với bệnh đăng ký an toàn và các bệnh truyền lây sang người.
- Kiểm tra huyết thanh học định kỳ các bệnh đã đăng ký và các bệnh khác theo qui định của ngành thú y.
- Kiểm tra vệ sinh thú y nguồn nước và thức ăn sử dụng trong chăn nuôi.
III. Giải pháp về cơ chế, chính sách
1. Cơ chế hoạt động của thú y cơ sở
- Thú y viên xã, phường, thị trấn hoạt động theo Quyết định số: 1053/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Về việc ban hành Qui chế hoạt động hành nghề thú y cơ sở, Qui định số 903/QĐ-NN-TY ngày 13 tháng 7 năm 2008 Qui định tổ chức và nội dung hoat động Ban Chăn nuôi Thú y cấp xã và hành nghề thú y cơ sở và Hướng dẫn số 127/ HD-NN-TY ngày 17 tháng 2 năm 2009 của Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật thú y cấp xã.
- Hỗ trợ phụ cấp lương cho Thú y trưởng với hệ số 1 và một thú y viên với hệ số 0,5.
2. Kinh phí thực hiện các nội dung trong cơ sở ATDB
- Về kinh phí vắc xin tiêm phòng: đối với các bệnh đặc biệt nguy hiểm như LMLM gia súc,...nhà nước hỗ trợ từ 50-100% kinh phí mua vắc xin. Các bệnh khác còn lại, nhân dân tự đóng góp 100% kinh phí mua vắc xin.
- Về trả tiền công tiêm phòng: nhân dân tự đóng góp 100%.
- Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã chịu mọi chi phí (vắc xin, tiền công) khi tiêm phòng cho vật nuôi của cơ sở mình.
- UBND huyện xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phục vụ cho các hoạt động trên địa bàn huyện trong đó có một phần ngân sách dành cho hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
- UBND xã lập dự trù kinh phí hoạt động hàng năm để thực hiện các nội dung triển khai của cơ sở ATDB trình UBND huyện phê duyệt như hội nghị triển khai, chi phí quản lý, chỉ đạo và thực hiện tiêm phòng; xét nghiệm huyết thanh sau tiêm phòng, xét nghiệm bệnh xảy ra, xét nghiệm thức ăn, nước sử dụng trong chăn nuôi, kinh phí thẩm định cơ sở ATDB …
- Xây dựng quỹ ATDBĐV để chủ động hỗ trợ việc tổ chức, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh được kịp thời và hiệu quả.
- Hỗ trợ giết huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.