Công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các nội dung Nghị quyết 01 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai nghiêm túc. UBND các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp tuyên truyền dưới nhiều hình thức; UBND các xã, thị trấn cử cán bộ, công chức xã phụ trách các thôn, bản trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn đến nhân dân, qua đó, giúp người dân cơ bản nắm được nội dung hỗ trợ của chính sách, góp phần từng bước thay đổi phương thức sản xuất kém hiệu quả, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Công tác phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và Quyết định 32/2016 của UBND tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện khá kịp thời, đồng bộ như: xây dựng kế hoạch hàng năm, xác định nhu cầu của nhân dân, xây dựng dự toán để thực hiện chính sách, phân bổ kinh phí, giải ngân nguồn vốn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ; giám sát chặt chẽ nguồn hỗ trợ của nhà nước đến với nhân dân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tại cơ sở.
Nhìn chung, Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh đã tác động tích cực đến thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiêp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh. Chính sách đã mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất và thúc đẩy các ngành kinh tế, góp phần cải thiện môi trường thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất (Số cơ sở/dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản được hỗ trợ đến nay là 24 cơ sở với tổng diện tích sản xuất hơn 40.000m²). Việc triển khai các chính sách hỗ trợ thông qua các mô hình, dự án đã góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của người dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất hàng hoá cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, bước đầu thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho người lao động, nhân dân tham gia tích cực vào công tác xoá đói, giám nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 01, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã mạnh dạng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; số dự án đầu tư được hỗ trợ theo chính sách tăng dần hàng năm. Các cơ sở sau khi nhận hỗ trợ đã tiếp tục tổ chức sản xuất đạt được kết quả khả quan, thể hiện sự hiệu quả của chính sách trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trên các đối tượng cây con, sản phẩm chủ lực của tỉnh thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đảm bảo chất lương, an toàn VSTP, bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương (bình quân sử dụng từ 3-5 lao đông/cơ sở).Cụ thể một số dự án tiêu biểu:
-
Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của cơ sở nhà vườn Vinh Hưng, tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc quy mô 3.000m² doanh thu hàng năm đạt 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận 730 triệu đồng/năm.
-
Dự án trồng hoa lan trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Sinh tại xã Hương Xuân, huyện Nam Đông quy mô 1.200m², doanh thu đạt 950 triệu đồng, lợi nhuận 610 triệu đồng/năm.
-
Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học bằng ao tròn lót bạt (ao nổi trên cát) của ông Đặng Phước Hoàng tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền quy mô 3.000m², đạt doanh thu 4,9 tỷ đồng, lợi nhuận 1,7 tỷ đồng/năm.
-
Dự án trang trại chăn nuôi lợn Bôn Lành tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc quy mô gần 1.000m², doanh thu hàng năm 5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,8 tỷ đồng/năm.
Tính đến nay, đã tiến hành nghiệm thu, hỗ trợ cho 35 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,6 tỷ đồng/26 tỷ đồng ngân sách tỉnh bố trí hỗ trợ cho giai đoạn 2017-2020, hiện đang thẩm định hồ sơ cho 10 cơ sở và đang hướng dẫn cho 10 cơ sở để tiếp tục xem xét hỗ trợ; dự kiến từ nay đến cuối năm 2020 có khoảng 15 dự án đề nghị hỗ trợ với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.Cụ thể kinh phí đã hỗ trợ qua các năm như sau: Năm 2017-2018: 2,43 tỷ đồng/10 cơ sở; Năm 2019: 4,74 tỷ đồng/9 cơ sở; Năm 2020: 5,43 tỷ đồng/16 cơ sở
Đối với hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:Hằng năm, từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh phân bổ một phần kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện, thị xã thông qua các mô hình, dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bắt đầu triển khai từ 2019). Cụ thể trong 4 năm (2017-2020) nguồn vốn (ngân sách trung ương) đã bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ PTSX như sau:
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 44,66 tỷ đồng để thực hiện 347 mô hình sản xuất, dự án liên kết. Cụ thể kinh phí thực hiện qua các năm như sau: Năm 2017: 8,40 tỷ đồng/105 mô hình; Năm 2018: 9,30 tỷ đồng/105 mô hình; Năm 2019:11,50 tỷ đồng/15 mô hình và42 dự án liên kết; Năm 2020: 15,46 tỷ đồng/47 mô hình, 33 dự án liên kết
- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (bao gồm cả chương trình 135 và 30a) hỗ trợ 58,62 tỷ đồng để thực hiện các mô hình và dự án nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Cụ thể kinh phí thực hiện qua các năm như sau: Năm 2017: 14,60 tỷ đồng/44 mô hình, dự án; Năm 2018: 13,90 tỷ đồng/25 mô hình, dự án; Năm 2019: 14,94 tỷ đồng/26 mô hình, dự án; Năm 2020: 15,18 tỷ đồng/ mô hình, dự án.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 bước đầu đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: (1)Công tác tuyên truyền, vận động đã được chú trọng thực hiện nhưng trong giai đoạn đầu ở một số địa phương chưa tốt, nên người dân chưa nhận thức rõ, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của chính sách. Vì vậy, các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp tham gia còn ít. (2)Nội dung hỗ trợ sản xuất triển khai thực hiện rất ít, do hỗ trợ thấp và hỗ trợ sau đầu tư. (3) Trong các lĩnh vực được hỗ trợ đầu tư, thì lĩnh vực phát triển chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao số dự án đã và đang đầu tư vẫn còn ít.
Từ những kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện đã cho thấy sự hiệu quả của chính sách trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND đến năm 2020 sẽ kết thúc. Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới có những thay đổi trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua Nghị quyết về “Xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025”. Nhằm mục tiêu: (1) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. (2) Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. (3) Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. (4) Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. (5) Nghị quyết giai đoạn 2021-2025 cơ bản kế thừa các nội dung hỗ trợ của giai đoạn 2016-2020, có bổ sung và giảm bớt một số nội dung theo các quy định hiện hành và theo thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.