Tỉnh Thừa Thiên Huế có 181km đê bao quanh đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt trong chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006. Hệ thống đê này có vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm bảo vệ mùa màng và phát triển kinh tế xã hội của vùng cửa sông, ven biển, là nơi sinh sống của khoảng hàng chục ngàn người dân thuộc 33 xã của 5 huyện ven phá Tam Giang-Cầu Hai.
Ảnh: Bản đồ vị trí các tuyến đê điều tỉnh Thừa Thiên Huế
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1475/QĐ-BNN-PCTT ngày 22/4/2020 về việc phân loại, phân cấp các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó, các tuyến đê phá Tam Giang - Cầu Hai được phân loại là đê biển và đê cửa sông, được phân cấp là đê cấp IV, cấp V, cụ thể:
- Các tuyến đê biển, cấp IV gồm có: Đê Tây Ô Lâu dài 11,59 km; Đê Tây phá Tam Giang dài 28,8 km; Đê Tây phá Đông dài 40,91 km; Đê Tây phá Cầu Hai dài 17,5 km.
- Các tuyến đê cửa sông, cấp V gồm có: Đê Hữu sông Hương, dài 4,5km; Đê Tả sông Hương, dài 4,0km; Đê hữu sông Truồi: dài 2,4km.
- Các tuyến đê biển, cấp V gồm có: Đê đông Ô Lâu dài 11,02 km; Đê đông phá Tam Giang dài 23,90 km; Đê Đông phá Đông dài 28,95 km; Đê đông phá Cầu Hai dài 7,0 km.
Ảnh: Đê Tây Ô Lâu đoạn qua xã Phong Chương và xã Quảng Thái
Ảnh: Đê Đông phá Đông và Đập Thảo long – Công trình thủy lợi hạ lưu sông Hương
Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND quy định rõ hành lang bảo vệ đê điều như sau:
1. Hành lang bảo vệ đê ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét (năm mét) về phía phá và phía đồng.
2. Hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được quy định như sau:
a) Đối với đê cấp IV: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 20 mét (hai mươi mét) mét về phía sông (phía phá) và 10 mét (mười mét) về phía đồng.
b) Đối với đê cấp V: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 15 mét (mười lăm mét) về phía sông (phía phá) và 10 mét (mười mét) về phía đồng.
c) Đối với đê cửa sông: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 20 mét (hai mươi mét) về phía sông và 5 mét (năm mét) về phía đồng.
3. Trường hợp tuyến đê có hành lang bảo vệ chồng lên một phần với hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác thì phân định ranh giới hành lang bảo vệ theo các quy định của pháp luật về đê điều và các lĩnh vực khác có liên quan và theo nguyên tắc đảm bảo an toàn đê điều và an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét quyết định.
Quyết định cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cắm biển ranh giới, cột ki-lô-mét lý trình đê, biển báo và mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa đối với các tuyến đê đã được đầu tư xây dựng. Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đê điều, Chủ đầu tư phải thực hiện cắm biển ranh giới, cột ki-lô-mét lý trình đê, biển báo và mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều theo mẫu hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoàn thành trước khi bàn giao đưa vào sử dụng công trình.
Quyết định cũng quy định hướng xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều; giao tranh nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan./.