Nội dung chính của Hướng dẫn như sau:
I. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Các công trình, dự án thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là công trình) được xem xét hỗ trợ theo chính sách này bao gồm: Đầu tư xây dựng mới công trình tích trữ nước, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, cống và kiên cố hóa kênh mương do tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở (gọi tắt là tổ chức, cá nhân) đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
2. Chính sách hỗ trợ cho các công trình được thực hiện sau khi công trình hoàn thành đi vào hoạt động. Mỗi công trình đầu tư chỉ được hưởng 01 lần chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quy định tại Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 06/3/2020 của UBND tỉnh.
3. Trường hợp cùng một thời điểm, công trình đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác), tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
4. Mức hỗ trợ:
Thực hiện theo các Điều 2, 3, 4, 5, 6 của Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh), cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước:
- Hỗ trợ 70% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công đối với tổ chức thủy lợi cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và các xã trong Chương trình 135 của Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa không quá 85 triệu đồng/công trình;
- Hỗ trợ 50% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công đối với tổ chức thủy lợi cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước ở địa bàn các xã, phường, thị trấn còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng/công trình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được miễn tiền thuê đất khi nhà nước cho thuê đất xây dựng công trình.
b) Hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước:
- Hỗ trợ 40% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/ha;
- Hỗ trợ 40% chi phí san phẳng mặt ruộng, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ha.
c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cống nội đồng:
- Hỗ trợ 70% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và các xã trong Chương trình 135 của Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa không quá 140 triệu đồng/công trình;
- Hỗ trợ 50% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) tại các xã, phường, thị trấn còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/công trình.
d) Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương:
- Hỗ trợ 70% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và các xã trong Chương trình 135 của Chính phủ, mức hỗ trợ tối đa không quá 560 triệu đồng/1km chiều dài kênh;
- Hỗ trợ 50% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) tại các xã, phường, thị trấn còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng/1km chiều dài kênh.
đ) Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện: Hỗ trợ 30% giá trị mua máy móc, thiết bị đầu tư xây dựng, mức hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng/công trình.
5. Điều kiện hỗ trợ:
Tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện hỗ trợ cho từng loại công trình được quy định tại Khoản 2, Điều 4 và Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (gọi tắt là Nghị định số 77/2018/NĐ-CP), cụ thể như sau:
a) Đối với hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước:
- Phù hợp với quy hoạch chung xây dựng của xã;
- Công trình tích trữ nước đảm bảo cấp nước, tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tối thiểu 03 thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở; được tất cả các thành viên hưởng lợi đồng thuận đóng góp phần kinh phí còn lại; tổ chức thủy lợi cơ sở tự quản lý, khai thác công trình sau đầu tư.
b) Đối với hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước:
- Đối với cá nhân: Quy mô khu tưới phải đạt từ 0,3 ha trở lên, riêng khu vực miền núi từ 0,1 ha trở lên; việc hỗ trợ cho cá nhân được thông qua tổ chức thủy lợi cơ sở;
- Đối với tổ chức thủy lợi cơ sở: Quy mô khu tưới phải đạt từ 02 ha trở lên, riêng khu vực miền núi từ 01 ha trở lên và phải có hợp đồng liên kết với hộ gia đình hoặc cá nhân trực tiếp sản xuất;
- Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ các loại cây trồng là cây chủ lực của quốc gia, địa phương, có lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.
6. Nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ:
Thực hiện theo Điều 7 của Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể:
a) Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách thông qua chương trình, dự án trực tiếp hoặc lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan; Ngân sách tỉnh; Ngân sách huyện; Nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Cơ chế hỗ trợ:
- Đối với các đối tượng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và các xã trong Chương trình 135 của Chính phủ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% định mức hỗ trợ;
- Đối với các xã, phường, thị trấn còn lại: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% định mức hỗ trợ, phần còn lại do ngân sách các huyện, thị xã và thành phố Huế đảm bảo.
7. Thủ tục cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
8. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các thông tin ghi trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư công trình.
II. QUY TRÌNH, THỦ TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Quy trình lập, phê duyệt kế hoạch:
a) Tổ chức, cá nhân căn cứ nhu cầu thực tế làm đơn đăng ký (theo mẫu) đề nghị hỗ trợ đầu tư gửi Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 30 tháng 7 hằng năm.
b) UBND cấp xã tổng hợp kế hoạch thực hiện trên địa bàn gửi UBND cấp huyện trước ngày 30 tháng 8 hằng năm.
c) Hằng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện chính sách (theo thứ tự ưu tiên) trước ngày 30 tháng 9 gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
d) Trên cơ sở nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương thực hiện. UBND cấp huyện cân đối, giao kế hoạch và kinh phí hằng năm cho UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để triển khai thực hiện, trên cơ sở đó UBND các xã, phường, thị trấn thông báo công khai danh sách các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ để tổ chức thực hiện.
2. Quy trình lập, phê duyệt hồ sơ và triển khai đầu tư xây dựng:
a) Lập hồ sơ thiết kế và dự toán công trình: Tổ chức, cá nhân được hỗ trợ căn cứ vào hướng dẫn thiết kế mẫu, thiết kế điển hình công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, rà soát với điều kiện thực tế của công trình được đầu tư và căn cứ đơn giá vật liệu, nhân công, giá ca máy tại địa phương cùng thời điểm để lập hồ sơ thiết kế và dự toán.
b) Tổ chức, cá nhân trình UBND cấp xã thẩm định phê duyệt hồ sơ, thời gian thẩm định, phê duyệt không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp UBND cấp xã không đủ năng lực thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán thì lập Tờ trình trình UBND cấp huyện thẩm định. UBND cấp huyện chỉ định cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định, thời gian thẩm định hồ sơ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đươc hồ sơ hợp lệ. Sau khi có văn bản thẩm định của UBND cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán công trình, thời gian phê duyệt không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
c) Tổ chức, cá nhân căn cứ hồ sơ được phê duyệt để triển khai xây dựng công trình; Tự phân chia hạng mục đầu tư, gói thầu; Tự thực hiện hoặc thuê nhà thầu xây lắp thực hiện.
3. Quy trình nghiệm thu đầu tư xây dựng:
a) Sau khi triển khai xây dựng hoàn thành công trình, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ hoàn công công trình theo đúng quy định hiện hành và lập hội đồng nghiệm thu công trình sau khi hoàn thành xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng.
b) Thành phần Hội đồng nghiệm thu gồm: Đại diện UBND cấp xã (gồm lãnh đạo và cán bộ phụ trách); đại diện cơ quan chuyên môn cấp huyện; đại diện tổ chức thủy lợi cơ sở, đại điện tổ chức, cá nhân được hỗ trợ.
4. Cơ chế giải ngân kinh phí hỗ trợ: Thực hiện theo Điều 8 Nghị định số 77/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
a) Khi khối lượng công việc đạt 60%, được giải ngân 50%;
b) Khi khối lượng công việc đạt 100%, được giải ngân 100%.
5. Hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ: Thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 77/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:
a) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo hướng dẫn này;
- Hồ sơ được phê duyệt; hồ sơ hoàn công công trình;
- Biên bản nghiệm thu giai đoạn hoặc nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác, sử dụng.
b) Thủ tục nhận hỗ trợ:
- Đối với các công trình được hỗ trợ từ nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình, dự án: Việc thanh toán, giải ngân thực hiện theo các quy định của chương trình, dự án đó.
- Đối với các công trình được hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp, ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương: Tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân đầu tư xây dựng công trình lập 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ (bản chính) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thanh toán giải ngân vốn hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình theo kế hoạch dự toán được phân bổ.
Toàn văn Hướng dẫn được đăng tải ở tập tin đính kèm