Ngày 13/7/2021, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông báo số 4347/TB-BNN-VP về Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó nhấn mạnh 1 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025 là:
“Tăng cường chất lượng nông lâm thủy sản”
Thông bảo nêu rõ: Để phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế thì cần xác định chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp là yếu tố rất quan trọng, cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên để làm tăng giá trị gia tăng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Phân công Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo:
- Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tham mưu cho Bộ chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp để làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế; đẩy mạnh phát triển nâng hơn số chuỗi, chất lượng, khối lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hoàn thành xây dựng Đề án tăng cường quản lý chất lượng hàng nông sản đến 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ phê duyệt.
- Các Tổng cục, Cục chuyên ngành: (i) Có kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện quyết liệt để đẩy mạnh, nhân rộng cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho cả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; (ii) Tham mưu chỉ đạo tăng cường sử dụng vật tư, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học trong từng lĩnh vực. Báo cáo kế hoạch thực hiện các nội dung trên trong tháng 7/2021.
Ngoài ra, 5 nhóm giải pháp còn lại là:
(1) Quan hệ sản xuất – thị trường: Cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp với mục tiêu là giá trị gia tăng, phát triển bền vững
(2) Chuyển đổi số trong nông nghiệp: cần được triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn
(3) Phát triển kinh tế tập thể, chú trọng phát triển các HTX nông nghiệp hiệu quả
(4) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp
(5) Thể chế, chính sách
Trong đó, nhóm giải pháp về quan hệ sản xuất thị trường được xem là quan trọng nhất, nhằm giải quyết các tồn tại chưa hài hòa giữa giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm
Hiện nay năng suất, sản lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam về cơ bản rất tốt, đáp ứng đầy đủ, dồi dào nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đây là yếu tố quan trọng để góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng tăng cao không đồng nghĩa tỷ lệ thuận tương ứng với giá trị gia tăng của sản phẩm. Những người làm ra sản phẩm, nhất là bà con nông dân, chưa được hưởng lợi nhiều so với giá trị mình làm ra, thậm chí có những nông dân không còn đủ lực để tái đầu tư, tái sản xuất.
Sản lượng cao, chất lượng sản phẩm được nâng lên nhưng có những giai đoạn, những thời điểm ngành vẫn khó khăn tìm các giải pháp, kêu gọi người dân, tổ chức chính trị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Có những nơi dư thừa nông sản, giá giảm, trong khi người tiêu dùng trong nước (nhất là ở các thành phố, đô thị) vẫn phải mua lương thực, thực phẩm với giá cao. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, trong đó có sản phẩm OCOP được công nhận nhưng người tiêu dùng biết đến chưa nhiều. Như vậy, tồn tại lớn nhất là quan hệ giữa sản xuất - thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản chưa hài hòa, với mục tiêu là giá trị gia tăng, hiệu năng cao nhất.
Trong mối quan hệ sản xuất-thị trường thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố quan trọng và động lực thúc đẩy nâng cao giá trị. Hai nhóm giải pháp này có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau, giá trị hàng hóa nâng cao nhờ chất lượng sản phẩm tốt, ưu thế và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Muốn như vậy cần đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, hàng hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn, người tiêu dùng nâng cao được lòng tin vào sản phẩm thì tạo kích cầu thị trường, đảm bảo giá trị hàng hóa cho người nông dân./.
Nội dung văn bản xin vui lòng xem file đính kèm./.