Phong Bình là xã nằm ở vùng thấp trũng hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai bão lũ gây ra nên công tác chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa lũ đã được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương chủ động thực hiện sớm theo tinh thần “4 tại chỗ”. Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn sẽ gây lũ xã đã lên phương án di dời 315 hộ dân trong vùng thấp trũng, trong đó tập trung cho người già neo đơn, phụ nữ, trẻ em.... đến nơi các nhà cao tầng, kiên cố trong dân, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn. Bên cạnh đó bố trí lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng các đội phản ứng nhanh tại các thôn trên địa bàn xã. Để đảm bảo nhu cầu lương thực, nhu yếu phẩm trong thời gian lụt, bão xảy ra, UBND xã đã chủ động dự trữ gạo, mì tôm và vận động nhân dân đảm bảo lương thực, thực phẩm, chất đốt và các mặt hàng thiết yếu tối thiểu dùng trong 7 ngày cho từng khẩu.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền giằng chống nhà cửa cho người dân xã Phong Hải
Còn tại các xã vùng ven biển Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương... ngay sau khi có công điện của Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND các xã nơi đây đã kêu gọi bà con ngư dân tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ chiều 6/10, bên cạnh huy động các lực lượng để cùng với bà con ngư dân di chuyển các ghe, thuyền vào bờ an toàn nhằm tránh những thiệt hại xảy ra. Bên cạnh đó vận động người dân tập chung giằng chống nhà cửa. Ông Võ Uynh, Trưởng thôn Mỹ Hòa xã Điền Lộc cho biết, với địa bàn thôn nằm sát biển để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão chúng tôi đã thông báo đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, trong đó kêu gọi bà con tập trung giằng chống nhà cửa, di chuyển ghe thuyền vào nơi an toàn, lên phương án di dời các hộ dân đến các nhà kiên cố, cao tầng.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết đến thời điểm này chúng tôi đã di chuyển 52 thuyền máy, 18 thuyền chèo vào nơi chú tránh bão an toàn, đặt biệt xã đã lên phương án sơ tán, di dời 74 hộ dân với 335 khẩu sinh sống ở vùng xung yếu. Bên cạnh đó xã cũng đã chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết, chuẩn bị 15.000 bao tải, cuốc xẻng, 5 xe để xử lý bờ biển khi xảy ra sạt lỡ,... cùng với đó bố trí các lực tổ chức ứng trực 24/24h theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Để chủ động ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, UBND huyện Phong Điền chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án sơ tán người dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng gò đồi, vùng ven biển, ven sông ven sông suối, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; đảm bảo phòng, chống dịch Covid 19 và an toàn thiên tai tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly, các chốt kiểm soát y tế. Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang... Tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Huyện đã lên kế hoạch dự trữ 76,2 tấn gạo, 3.040 thùng mì ăn liền, 7.550 bịch nước uống, 2.520 lít xăng dầu....”, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách cho biết.