Ngày 05/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn số 2376/NHNN-TD về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”; Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 481/SNNPTNT-CCTS, ngày 17/4/2017 hướng dẫn cho vay chuyển đổi nghề theo Quyết định số 12/QĐ-TTg. Tuy nhiên đến nay chưa được triển khai tại địa phương cơ sở, dù rằng thời gian còn lại của chính sách không nhiều. Sau khi trao đổi với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Thủy sản hướng dẫn thủ tục hành chính tạo điều kiện hệ thống Ngân hàng Thương mại triển khai chính sách khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và xử lý nợ đối với cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, như sau:
A. Hỗ trợ lãi suất để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề sang tầng nổi:
Nội dung: Cho vay để chuyển đổi nghề khai thác hải sản tầng đáy sang tầng nổi trong phạm vi 20 hải lý trở vào, cụ thể các nghề: câu vàng, câu tay; rê nổi tầng mặt; vây ánh sáng; mành chụp ánh sáng và pha xúc…
Thủ tục phục vụ cho nhân dân:
Cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại được bồi thường do sự cố Fomosa gây ra, có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề khai thác thủy sản tầng nổi:
1. Có đơn đăng ký vay vốn khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề sang tầng nổi, có xác nhận của UBND cấp xã (Phụ lục 1 kèm theo).
2. Có phương án sản xuất kinh doanh khả thi (Phụ lục 2 kèm theo)
Đơn và Phương án sản xuất, cá nhân có nhu cầu nộp cho UBND cấp huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã).
3. Thẩm định của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã: căn cứ vào Phương án sản xuất để thẩm định.
4. Tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt danh sách đủ điều kiện tham gia chính sách chuyển đổi nghề sang tầng nổi, theo Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Hướng dẫn các cá nhân liên hệ một trong các Ngân hàng thương mại: Nông nghiệp và PTNT (Agribank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công Thương (Vietinbank) và Ngoại Thương (Vietcombank) để được giải quyết vay vốn.
Các Ngân hàng thương mại giữ các Quyết định phê duyệt danh sách đủ điều kiện của UBND cấp huyện, để đưa vào hồ sơ quyết toán chính sách.
B. Chính sách xử lý nợ và hỗ trợ lãi xuất:
Nội dung: tổ chức tín dụng xem xét xử lý nợ, khoanh nợ không tính lãi.
Thủ tục phục vụ cho nhân dân:
Cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đang có dư nợ vay trước thời điểm 01/4/2016 và hiện chưa trả được nợ gốc, lãi cho tổ chức tín dụng.
1. Có đơn đăng ký xem xét xử lý nợ, có xác nhận của UBND cấp xã (Phụ lục 3 kèm theo), cùng hồ sơ đang vay vốn Ngân hàng trước thời điểm 01/4/2016 (bản phô tô).
Đơn và hồ sơ đang vay vốn, cá nhân có nhu cầu nộp cho UBND cấp huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã).
2. Thẩm định của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã: căn cứ vào hồ sơ đang vay vốn để thẩm định.
3. Tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt danh sách đủ điều kiện tham gia chính sách xử lý nợ và hỗ trợ lãi suất, theo Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hướng dẫn các cá nhân liên hệ với Ngân hàng thương mại đang vay để được giải quyết.
Các Ngân hàng thương mại giữ các Quyết định phê duyệt danh sách đủ điều kiện của UBND cấp huyện, để đưa vào hồ sơ quyết toán chính sách.
*Do thời gian thực hiện các chính sách này ngắn, đặc biệt chính sách cho vay chuyển đổi nghề sang tầng nổi chỉ thực hiện đến hết ngày 31/12/2017, vì vậy đề nghị các Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện hoặc Phòng Kinh tế thị xã nhanh chóng triển khai, tạo điều kiện cho ngư dân và Ngân hàng triển khai.
Chi cục Thủy sản kính đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu và phối hợp thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện./.