Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý công trình thủy lợi
Ngày cập nhật 09/08/2019

     (Theo http://baothuathienhue.vnLà nội dung hội nghị đánh giá tổng thể công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 8/8.

         Chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN & PTNT; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng sự tham gia của đại diện ngành nông nghiệp, công ty thủy nông khu vực.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu tại hội nghị

Nhiều vướng mắc

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, hiện hệ thống luật pháp về thủy lợi đã đầy đủ, tuy nhiên có những nội dung còn chưa phù hợp với đặc thù của ngành nên triển khai gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định của Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước, công trình thủy lợi đưa vào vận hành khai thác không phải lập hồ sơ cấp phép. Tuy nhiên, trong thực tiễn nhiều doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiệm vụ này và đã có trường hợp phải nộp phạt do việc chậm thực hiện.

Phương án giá thủy lợi là nội dung rất mới, phương pháp tính giá rất phức tạp, còn chung chung. Một số quy định tính giá chưa thống nhất (tính khấu hao tài sản cố định, trích quỹ khen thưởng phúc lợi). Công tác chuẩn bị hồ sơ phương án giá chi tiết tới chứng từ, tài liệu… để chứng minh cơ sở hình thành giá; quy trình ban hành giá ở địa phương rất phức tạp…

Nguồn kinh phí Nhà nước cấp hỗ trợ cho cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được thực hiện từ năm 2012 đến nay vẫn không thay đổi nên rất khó khăn trong cân đối tài chính hàng năm. Các doanh nghiệp khu vực miền Trung sử dụng trạm bơm điện đang có mức hỗ trợ thấp nhất cả nước, chỉ đủ kinh phí chi quản lý vận hành, còn chi phí bảo trì rất hạn chế.

 

Công tác quản lý tại các công trình thủy lợi gặp khó khăn

Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến cho hoạt động của tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn và không chủ động thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh dẫn đến hiệu quả hoạt động còn bị hạn chế.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế thông tin, những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh được Nhà nước tích cực đầu tư xây dựng. Nhiều công trình phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên đến nay nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, hiệu suất sử dụng không cao; hệ số tưới, tiêu thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất và đời sống.

Công trình tưới hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới còn ít và chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Công tác quản lý, khai thác các công trình hạn chế; các vi phạm đối với hành lang công trình thủy lợi còn xảy ra. Kinh phí tu bổ, bảo dưỡng công trình, khắc phục thiên tai hàng năm ít được quan tâm, tài nguyên nước sử dụng còn lãng phí.

Xây dựng phương án giá dịch vụ thủy lợi

 

Ông Đỗ Văn Đính chia sẻ khó khăn trong công tác quản lý vận hành hệ thống thủy lợi

Tại hội nghị, đại diện các công ty thủy nông đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN& PTNT xem xét trình Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ thủy nông cho phù hợp, vừa đảm bảo tính khách quan, minh bạch, vừa dễ thực hiện, dễ giám sát. Nguồn thu từ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hiện quá thấp, chưa đáp ứng với giá cả thị trường. Cần xem xét trợ cấp, trợ giá phần chi phí theo các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước và theo yêu cầu phục vụ sản xuất.

Hiện nay, nguồn thu từ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước cấp không đủ trang trải cho chi phí hoạt động sản xuất của công ty, nếu tính các khoản mục chi phí như sửa chữa thường xuyên, duy tu bảo dưỡng, khắc phục hậu quả lũ lụt… hàng năm. Các cấp có thẩm quyền và các chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền Luật Thủy lợi và các chính sách có liên quan để ngăn chặn các hành vi, vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian qua, thực hiện Luật Thủy lợi và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan, Thừa Thiên Huế đã ban hành quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2035.

Theo ông Phương, cần ban hành một số quy định về phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; quyết định phân loại đập; hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh; quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật thủy lợi cho các địa phương. Nhờ đó, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước hoàn thiện hạ tầng hệ thống công trình thủy lợi.

 

Nhờ có hệ thống thủy lợi, chất lượng mùa vụ được nâng lên

Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh, đánh giá cao những nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Yêu cầu các công ty thủy nông tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Luật Thủy lợi và văn bản hướng dẫn luật; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND cấp tỉnh để xử lý theo thẩm quyền hoặc có văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật còn vướng mắc (cấp phép khai thác nước mặt, xây dựng phương án giá, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi… ).

Ông Tỉnh cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi năm 2019 làm căn cứ pháp lý thu tiền các đối tượng sử dụng dịch vụ; chuẩn bị xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để đề xuất với Bộ Tài chính mức giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cho giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ công trình thủy lợi.

Bài, ảnhHoàng Loan (báo Thừa Thiên Huế)

Chi cục Thủy lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.271.902
Truy câp hiện tại 6.252