Trong những năm qua, bệnh Dại nước ta làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hàng năm trên 800 tỷ đồng. Năm 2017, toàn quốc có 17 người chết do bệnh Dại tại 34 tỉnh, thành phố và 500.714 người phải đi điều trị dự phòng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 12 tỉnh, thành phố (Kon Tum, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cà Mau).
Trên địa bàn tỉnh nhờ phòng, chống dịch bệnh tốt nên bệnh dại trong nhiều năm qua chưa xảy ra. Tuy nhiên, công tác quản lý chó nuôi, tiêm phòng dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm về phòng, chống bệnh dại tại một số địa phương vẫn còn chưa thực hiện hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng chính phủ và để chủ động triển khai các nội dung của Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021; công điện khẩn số 2704/CĐ-BNN-TY ngày 10/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Dại năm 2018; đồng thời căn cứ diễn biến bệnh Dại trong tình hình hiện nay, khi cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, cũng là mùa thuận lợi cho bệnh Dại phát sinh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh Dại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg và chỉ đạo của Ủy ban nhân tỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 08/8/2017 đặc biệt chú trọng một số nội dung sau đây:
1. Phát động tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại, bắt đầu từ ngày 15/4/2018 đến hết tháng 5/2018 với trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó.
2. Tổ chức quản lý đàn chó nuôi theo quy định:
a) Các địa phương tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó nuôi;
b) Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện việc xích, nhốt, rọ mõm cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó Dại tấn công.
3. Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó: Tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi (kể cả mèo), đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng (tính trên tổng đàn chó nuôi thực tế) theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin Dại để duy trì tỷ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh Dại phát sinh và lây lan trên đàn chó nuôi.
4. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý. Vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào,... đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.
5. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện này. Trong quá trình chỉ đạo, có gì vướng mắc đề nghị thông báo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để phối hợp, xử lý kịp thời./.