Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp phòng, chống chủ động, dịch bệnh động vật sẽ có nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân do sau một thời gian dài, dịch bệnh ít xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương đã chủ quan và chưa tổ chức, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán động vật; công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chưa thực hiện đầy đủ, dẫn đến các loại mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường; công tác chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là việc tiêm phòng các bệnh một số nơi còn đạt tỷ lệ thấp. Mặt khác, tình hình thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa sẽ làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm tạo thuận lợi cho mầm bệnh có điều kiện phát tán, vì vậy một số dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh lợn có nguy cơ tái phát, lây lan là rất cao.
Thực hiện Công văn số 5983/BNN-TY ngày 06/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đàn vật nuôi, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), các đơn vị liên quan, tổ chức, cá nhân có chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nghiêm túc thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:
- Tổ chức, phát động thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt II năm 2018” tại địa phương. Thời gian thực hiệntrong vòng 01 tháng, bắt đầu từ ngày 22/8/2018 đến hết ngày 22/9/2018.
- Chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu...
- Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền và cơ quan chăn nuôi thú y địa phương.
- Các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở gia công, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật phải thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định trước và sau mỗi ca sản xuất.
- Tại cửa khẩu biên giới, chỉ đạo Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và giao trách nhiệm cơ quan chăn nuôi thú y địa phương thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Đối với các đường mòn, lối mở biên giới chính quyền địa phương cấp xã bố trí hố sát trùng.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hướng dẫn về nghiệp vụ, phương pháp, cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho các đối tượng tiêu độc để các địa phương triển khai.
- Bố trí, cấp bổ sung đợt hóa chất tiêu độc khử trùng để các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng ở những khu vực công cộng, nơi nguy cơ cao.
- Chỉ đạo các chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 1A tăng cường công tác kiểm tra, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trước khi ra vào địa bàn tỉnh, để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
3. Sở Y tế
- Chỉ đạo cơ quan Y tế các cấp phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường để phòng bệnh lây lan cho người.
4. Sở Tài chính
- Rà soát, xem xét, tham mưu bố trí kinh phí để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức, thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt II năm 2018 đạt hiệu quả cao.
Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.