Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ làm việc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngày cập nhật 05/08/2021

Chiều ngày 04/8/2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị thuộc Sở.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu lên những kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp trong thời gian qua. Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có những bước phát triển khá toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn dần chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực của tỉnh luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện; đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh trật tự được cũng cố và giữ vững. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020, cụ thể: Sản lượng lương thực có hạt đạt 33,5 vạn tấn/năm (chỉ tiêu 31-32 vạn tấn); diện tích lúa đạt 54.700 ha (kế hoạch đến 2020: 52.000 ha); sản lượng thóc hơn 32 vạn tấn, đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 10,3 vạn tấn, vượt với chỉ tiêu đề ra 8-10 vạn tấn. Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 6.200 ha (mục tiêu đề ra 4.000- 4.500 ha), độ che phủ rừng ổn định 57,38% (chỉ tiêu 57-58%). Sản lượng thủy sản đạt 57.000 tấn, tăng 5% so với năm 2015. 
Về trồng trọt, đã thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng tập trung tăng diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Diện tích lúa chất lượng cao năm 2020 ước đạt trên 17.125 ha chiếm 31,5% diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 6.780 ha so với năm 2015; năng suất ước đạt 59,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 102,8 nghìn tấn. Đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn, đến năm 2020 diện tích đạt 8.460 ha, tăng 4.600 ha so với năm 2015. Sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ ngày càng được nhiều địa phương chú trọng, quan tâm. Giai đoạn 2016- 2020 toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.087 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về chăn nuôi, đến nay, tỷ lệ bò lai và lợn nạc so với tổng đàn tiếp tục tăng, cụ thể bò lai chiếm 70% tổng đàn, tỷ lệ lợn nạc chiếm 94% so với tổng đàn. Đã có các cơ sở sản xuất giống lợn tại chổ giải quyết dần nhu cầu con giống phục vụ cho sản xuất, hạn chế dịch bệnh.
Về thủy sản, đã triển khai nhiều giải pháp tập trung phát triển theo hướng bền vững, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Nuôi trồng thuỷ sản chuyển đổi theo hướng ổn định diện tích, giảm mật độ nuôi, tăng cường ứng dụng các quy trình nuôi công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kết hợp đa dạng phương thức nuôi và đối tượng nuôi, nhờ đó năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 7.300 ha, tăng 5,3% so với năm 2015; Sản lượng ước đạt 17.630 tấn tăng 14,6% so với năm 2015. Khai thác thủy sản có chuyển biến mạnh về sản lượng nhờ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tăng năng lực khai thác, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong khai thác. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được chú trọng, kết hợp được sự tham gia của cộng đồng nên hiệu quả được nâng lên rõ rệt.
Về lâm nghiệp, đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng theo hướng phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, tăng tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ, thời gian qua ngành lâm nghiệp đã tập trung nghiên cứu chuyển giao công nghệ về sản suất giống trên cơ sở mô hình hiện có và tập trung nghiên cứu giống mới đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn sản xuất.
Giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm nông sản. Cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực và nhóm cây công nghiệp một cách hợp lý, tăng tỷ trọng về giá trị sản xuất của nhóm cây ăn quả và rau, hoa thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng quy mô diện tích. Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển các đối tượng có lợi thế như Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ; phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, ...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc. Tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản và các sản phẩm từ gỗ.
 
Đồng chí Nguyễn Đinh Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tại buổi làm việc
 
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua; đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục và chỉ đạo một số nội dung mang tinh định hướng cho ngành nông nghiệp thời gian tới:
-  Cần phải đổi mới tư duy, quan điểm phát triển; phải xem ngành nông nghiệp là ngành kinh tế, phát triển theo hướng bền vững, hiện đại; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch.
- Cần khai thác các thế mạnh đặc thù của tỉnh, đặc biệt là Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai để phát triển ngành nông nghiệp tương xứng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có tính đặc thù của địa phương.
- Quan tâm đến nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, các mô hình sản xuất tiên tiến như VietGAP, Hữu cơ, ... và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
-  Xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa trong nông nghiệp từ khâu giống, vật tư đầu vào đến tổ chức sản xuất, sơ chế chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị nông sản.
- Đẩy mạnh tận dụng, tái sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp để hướng đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn; chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
- Cần quan tâm hơn nữa vấn đề giống phục vụ sản xuất, cần hướng đến xã hội hóa trong công tác giống.
- Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong việc định hướng liên kết 4 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông).
-  Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích tập trung, tích tụ đất, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp nhằm tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, theo nhu cầu của thị trường.
- Việc xây dựng nông thôn mới phải đặt trong bối cảnh tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần có quy hoạch hợp lý; tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến.
Bạch Ngọc Bảo Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.349.454
Truy câp hiện tại 8.409