Năm 2021, diện tích sắn trồng toàn tỉnh khoảng 3.619 ha/4.198 ha, đang giai đoạn phát triển củ. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn 1.091,15 ha (Phong Điền: 617,75 ha; Hương Trà: 421 ha; A Lưới: 52,4 ha), trong đó đã tiêu hủy 13 ha (Hương Trà: 8 ha; Phong Điền 5 ha). Diện tích sắn nhiễm bệnh chưa được tiêu hủy có nguy cơ là nguồn bệnh ban đầu cho bệnh lây lan trong niên vụ 2022 nếu không được xử lý và quản lý tốt nguồn giống trồng.
Nhiều diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh TT Huế
Bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn
Theo dự báo của Đài Khi tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế, từ tháng 9/2021 khả năng có từ 01- 02 cơn bão, tháng 10 và 11/2021 có 02 - 03 cơn bão hoạt động trên Biển Đông gây mưa lớn, có khả năng xảy ra 03 - 05 đợt lũ trên các sông suối, đỉnh lũ trên các sông từ trên báo động 2 đến báo động 3, mực nước các sông vùng đồng cao hơn TBNN ảnh hưởng đến việc thu hoạch sắn, đặc biệt các vùng thấp trũng.
Theo thông báo số 160/TBSHH ngày 26/7/2021 của Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH MTV Nông Sản Xuất Nhập Khẩu Hoàng Huy về việc thu hoạch sắn chạy lũ: Vùng chạy lũ trước thì thu hoạch trước, vùng lũ đến sau thì thu hoạch sau, các địa phương ước lượng diện tích, sản lượng sắn có khả năng thu hoạch chạy lũ; giá sắn thu mua áp dụng cho bà con nông hộ nhận cây giống và có ký hợp đồng với Nhà máy 1.600 đồng/kg sắn tươi (huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang), 1.700 đồng/kg sắn tươi (Nam Đông), 1.750 đồng/kg sắn tươi (A Lưới), trong trường hợp giá thị trường tăng thì Nhà máy thu mua theo tăng giá theo thị trường, nếu giá thị trường giảm Nhà máy sắn vẫn thu mua theo giá trên.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố Huế, các địa phương (1) chỉ đạo nông dân thu hoạch diện tích sắn đã đến kỳ thu hoạch, rà soát các diện tích sắn vùng thấp trũng dễ bị ngập úng khi có mưa bão xảy ra. Đối với diện tích sắn vùng thấp trũng tiến hành thu hoạch trước, vùng cao thu hoạch sau nhằm hạn chế thiệt hại. Đăng ký thời gian thu hoạch, diện tích thu hoạch, sản lượng cung ứng với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế- Công ty TNHH MTV Nông Sản Xuất Nhập Khẩu Hoàng Huy đáp ứng nhu cầu thu mua và công suất của Nhà máy; (2) Trong quá trình thu hoạch tiến hành tiêu hủy các cây sắn có triệu chứng nhiễm bệnh khảm lá sắn. Tuyệt đối không sử dụng bán hoặc cho người khác làm hom giống cho niên vụ 2022; (3) Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các HTX NN, tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân rà soát, thống kê diện tích sắn chưa có triệu chứng nhiễm bệnh khảm lá sắn để khoanh vùng, có biện pháp lưu gốc giữ giống, đặc biệt các vùng cao; cần chỉ định đơn vị làm đầu mối dịch vụ để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân trồng trong niên vụ 2022. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy mẫu test virus gây bệnh khảm lá nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh ngay từ đầu vụ.
Việc tiêu hủy chậm diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn có thể gây nguy cơ dịch
bùng phát diện rộng (ảnh: nongnghiep.vn)
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá sắn và các biện pháp phòng trừ cho người trồng sắn, tiêu hủy thân cây sắn đã nhiễm bệnh sau khi thu hoạch. Xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang nhiễm bệnh sang trồng trên địa bàn khác. Đối với niên vụ sắn 2022, khuyến cáo nông dân trồng sắn sạch bệnh, rõ nguồn gốc; tuyệt đối không sử dụng hom sắn của cây sắn nhiễm bệnh khảm lá để làm giống; sắn để lại làm giống phải đảm bảo sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. /.
Hồ Thị Như Trang