Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những điểm mới trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới
Ngày cập nhật 16/09/2021

Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ban hành có nhiều đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là những quy định mới, chi tiết hơn về phân loại mức tự chủ tài chính; nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính; tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập, …

1. Về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công:

Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công gồm: (1) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đáp ứng mức tự chủ tài chính của từng nhóm và đặc biệt đối với nhóm đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được phân loại thành 3 mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và căn cứ vào đó để xác định mức tự đảm bảo của đơn vị mình thuộc vào mức nào.

2. Về nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:

Theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tổng hợp chung tất cả các nguồn lực tài chính, chưa quy định rõ nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và các hoạt động kinh doanh dịch vụ (khoản 1 Điều 12). Đối với Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; thu từ cho thuê tài sản công (khoản 2 Điều 11).

3. Về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công:

- Thứ nhất, tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên:

Tại Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về chi thường xuyên giao tự chủ đối với kinh phí do ngân sách Nhà nước cung cấp cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định. Đồng thời, quy định cụ thể nội dung chi tiền lương và các khoản đóng góp theo lương áp dụng đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 (điểm b khoản 1 Điều 12). Đối với chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định mới tại Điều 13 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP không quy định đối với nội dung này.

Về phân phối kết quả tài chính: Điều chỉnh tỷ lệ trích lập Quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên là tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định (điểm b khoản 1 Điều 14). Nghị định cũng quy định tiến tới sẽ không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-CP có hiệu lực. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trước đây quy định tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định (khoản 3 Điều 13).

- Thứ hai, tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công đảm bảo một phần chi thường xuyên:

Đối với quy định về chi thường xuyên giao tự chủ: Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bỏ quy định được tự chủ chi hoạt động chuyên môn, quản lý. Bổ sung: Quy định được tự chủ chi tiền thưởng (điểm c khoản 1 Điều 16); quy định tự chủ chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 2 Điều 16). Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định rõ căn cứ chi hoạt động chuyên môn, quản lý tương ứng với mức tự đảm bảo chi thường xuyên (%) của từng đơn vị (khoản 3 Điều 16). Đối với chi thường xuyên không giao tự chủ được quy định mới tại Điều 17 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP không quy định đối với nội dung này.

Về phân phối kết quả tài chính trong năm: Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo mức tự đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị thì tỷ lệ trích lập tương ứng 10%, 15% hoặc 20%. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định chung trích tối thiếu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (gạch đầu dòng thứ nhất, điểm a khoản 3 Điều 14). Tương tự Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định chi tiết hơn đối với các quỹ còn lại như Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm, Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi và Quỹ khác.

- Thứ ba, tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

Đối với chi thường xuyên giao tự chủ: Bỏ quy định được tự chủ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý; Bổ sung quy định được tự chủ chi tiền thưởng (điểm c khoản 1 Điều 20); Bổ sung quy định tự chủ chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 2 Điều 20); Bổ sung thêm khoản được tự chủ chi: Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có) (khoản 4 Điều 20). Đối với chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định mới tại Điều 21 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Về phân phối kết quả tài chính trong năm được quy định cụ thể tại Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

4. Về giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công:

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời gian 3 năm (khoản 2 Điều 20). Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 35). Đồng thời, bổ sung thêm quy định lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (khoản 4 Điều 35) mà Nghị định trước đây không quy định./.

Dưới đây là bảng So sánh các điểm khác biệt giữa Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

 

Nghị định 60/2021/NĐ-CP

(có hiệu lực từ ngày 15/8/2021)

Nghị định 16/2015/NĐ-CP

(hết hiệu lực từ ngày 15/8/2021)

1. Giá dịch vụ sự nghiệp công

Điểm a khoản 1 Điều 5 bổ sung:

Các khoản đóng góp theo tiền lương vào căn cứ tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công;

- Tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước

Điểm b khoản 1 Điều 9 chỉ quy định chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ đối với đơn vị sự nghiệp công và định mức lao động do các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền;

2. Lộ trình tính giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước

Thay đổi thời gian hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cổ định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá đến hết năm 2021(điểm a khoản 3 Điều 5)

Quy định đến năm 2020 giá dịch vụ sự nghiệp công phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định (khoản 1 Điều 10)

Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính (điểm a khoản 3 Điều 5)

Không quy định

Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính (điểm a khoản 3 Điều 5)

Không quy định

3. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước

Quy định cụ thể Khung Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước (Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 60)

Không quy định

4. Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công

Quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của:

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1)

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2)

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3)

- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4)

Chỉ gọi tên, không có xác định thế nào là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư...

5. Nguồn tài chính và sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công gồm:

Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; thu từ cho thuê tài sản công (khoản 2 Điều 11)

Tổng hợp chung tất cả các nguồn lực tài chính, chưa quy định rõ nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và các hoạt động kinh doanh dịch vụ (khoản 1 Điều 12)

6. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên

6.1. Chi thường xuyên giao tự chủ

Điều 12 bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ chi thường xuyên đối với kinh phí do ngân sách Nhà nước cung cấp cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định

Điểm b khoản 2 Điều 12 chỉ giao đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên đối với:

- Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp công;

- Nguồn thu phí được để lại để chi thường xuyên;

- Nguồn thu khác (nếu có)

Quy định cụ thể nội dung chi tiền lương và các khoản đóng góp theo lương áp dụng đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 (điểm b khoản 1 Điều 12)

Chỉ quy định chung nguyên tắc chi tiền lương (gạch đầu dòng thứ nhất, điểm b khoản 2 Điều 12)

Quy định thêm nội dung chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ; trích lập các khoản dự phòng; Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (khoản 2, 4, 5, 6 Điều 12)

Không quy định

6.2. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Điều 13

Quy định mới

Không quy định

6.3. Phân phối kết quả tài chính

Điều chỉnh tỷ lệ trích lập Quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên:

Tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định (điểm b khoản 1 Điều 14)

Tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định (khoản 3 Điều 13)

Tiến tới sẽ không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập (khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-CP có hiệu lực)

Không quy định

6.4. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Thêm quy định sử dụng để mua bản quyền tác phẩm, chương trình (điểm a khoản 2 Điều 14)

Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm b khoản 3 Điều 12 không quy định

Quỹ bổ sung thu nhập: Bỏ quy định về hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công (điểm b khoản 2 Điều 14)

Hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị (gạch đầu dòng thứ hai, điểm b khoản 3 Điều 12)

Quỹ khen thưởng: Thêm nội dung chi để thưởng cuối năm (điểm c khoản 2 Điều 14)

Gạch đầu dòng thứ ba, điểm b khoản 3 Điều 12

Quỹ phúc lợi: Thêm nội dung chi để góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng (điểm d khoản 2 Điều 14)

Gạch đầu dòng thứ tư, điểm b khoản 3 Điều 12

Quỹ khác: Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành

Không quy định

7. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công đảm bảo một phần chi thường xuyên

7.1. Chi thường xuyên giao tự chủ

Bỏ quy định được tự chủ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

Gạch đầu dòng thứ hai, điểm a khoản 2 Điều 14 quy định, đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý:

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý, nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định

Bổ sung quy định được tự chủ chi tiền thưởng (điểm c khoản 1 Điều 16)

Không quy định

Bổ sung quy định tự chủ chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 2 Điều 16)

Không quy định

Khoản 3 Điều 16 nêu rõ căn cứ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý đối với:

- Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên

Gạch đầu dòng thứ 3, điểm a khoản 2 Điều 14 quy định chung chỉ căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính

Bổ sung thêm khoản được tự chủ chi: Chi phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi cho các hoạt động dịch vụ; trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ khác theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có); chi trả lãi tiền vay (nếu có) (khoản 4, 5, 6 Điều 16)

Không quy định

7.2. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Điều 17

Quy định mới

 

7.3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Khoản 1 Điều 18 quy định cụ thể tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đối với từng nhóm đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:

- Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 20%

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 15%

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối thiểu 10%

Gạch đầu dòng thứ nhất, điểm a khoản 3 Điều 14 quy định chung trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp

Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm:

Điểm b khoản 2 Điều 18 thêm quy định về việc trích lập quỹ này từ thời điểm áp dụng chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-CP:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị

Không quy định

Khoản 3 Điều 18 quy định cụ thể tỷ lệ trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi:

- Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị

Gạch đầu dòng thứ ba, điểm a khoản 3 Điều 14 chỉ quy định chung trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị

Quỹ khác: Trích lập theo quy định của pháp luật

Không quy định

8. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên

8.1. Chi thường xuyên giao tự chủ

Bỏ quy định được tự chủ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

 

Bổ sung quy định được tự chủ chi tiền thưởng (điểm c khoản 1 Điều 20)

 

Bổ sung quy định tự chủ chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 2 Điều 20)

 

Bổ sung thêm khoản được tự chủ chi: Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có) (khoản 4 Điều 20)

Không quy định

8.2. Chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Điều 21

Quy định mới

 

8.3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

Thay đổi tỷ lệ chi cho thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người

Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định

Không quy định tỷ lệ trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi, chỉ quy định nội dung chi của Quỹ này: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế

Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 01 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị

9. Giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công

Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 35)

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công quy định được ổn định trong thời gian 3 năm (khoản 2 Điều 20)

Bổ sung thêm quy định lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (khoản 4 Điều 35)

Không quy định

Những nhiệm vụ mà các đơn vị cần phải triển khai trong thời gian tới
 

1./ Xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ công trình UBND tỉnh ban hành

2./ Sở NN và PTNT ban hành Quyết định giao nhiệm vụ  thực hiện sản phẩm, dịch vụ công cho các đơn vị

3./ Sở NN và PTNT xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật hoặc xác đinh đơn giá sản phẩm, dịch vụ công trình UBND tỉnh ban hành.

Đồng thời xây dựng quy định về cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công làm cơ sở nghiệm thu, thanh quyết toán.

4./ Các đơn vị xác định khối lượng sản phẩm, dịch vụ công để xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và PTNT làm căn cứ đề xuất kinh phí

5./ Các đơn vị xây dựng Phương án tự chủ tài chính giai đoạn 5 năm gửi Sở thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.301.605
Truy câp hiện tại 3.420