1. Uỷ ban nhân dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống.
- Có văn bản chỉ đạo thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống bão lũ, đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố chuồng trại. Hướng dẫn giảm đàn đối với các hộ chăn nuôi không chủ động đủ nguồn thức ăn dự trữ, các hộ trong vùng thấp trũng,… trước khi xảy ra lũ lụt, rét đậm, rét hại (nhất là các hộ đã bị thiệt hại trước đây); tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đối với các hộ cố tình không chấp hành thực hiện các hướng dẫn, phải lập bản cam kết không được hưởng hỗ trợ khi bị thiệt hại do lũ lụt, đói rét và dịch bệnh.
- Phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và xây dựng phương án đối phó kịp thời khi bão lũ, rét đậm, rét hại và dịch bệnh xảy ra. Trong đó, tiếp tục thực hiện nội dung các Công văn trước đây của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng chống rét và Hướng dẫn số 359/HD-CCCNTY ngày 27/10/2020 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về phương án bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa bão.
- Chủ động bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống bão lũ, đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Tập trung chỉ đạo và áp dụng mọi biện pháp tại chổ để phòng, chống thiên tai giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với chăn nuôi.
2. Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã
- Phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi gia cố, sửa chữa chuồng trại đảm bảo đủ ấm; tuyên truyền, vận động nông dân chủ động dự trữ đủ thức ăn cho đàn vật nuôi và thu mua, bảo quản tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa rét. Vận động, hướng dẫn bán để giảm đàn đối với các hộ không chủ động dự trữ đủ thức ăn cho đàn vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để kịp xuất chuồng hết đàn trước khi mùa lũ lụt xảy ra đối với các hộ ở vùng thấp trũng mà không có phương án di dời vật nuôi đến vị trí cao để tránh lũ.
- Hướng dẫn các địa phương, các hộ tăng cường công tác tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.
3. Chi cục Chăn nuôi và Thú y
- Tổ chức triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện kịp thời và hướng dẫn xử lý không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt chú ý đối với các bệnh lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, tai xanh và dịch tả lợn Châu Phi,...
- Tăng cường công tác chỉ đạo và đốc thúc việc tiêm phòng bổ sung các loại vaccine cho gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao.
- Dự phòng đủ các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, vaccine,... để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nếu có dịch bệnh xảy ra.
Đề nghị UBND, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã và thành phố Huế; các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung trên và báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để phối hợp và báo cáo cấp trên./.