I. Công tác chủ động phòng ngừa
Các ngành, địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ các công tác chủ động phòng ngừa thích hợp với thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19:
- Kiểm tra, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện tu sửa, gia cố, che chắn, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm;
- Hướng dẫn chủ nuôi phải đưa trâu bò thả núi về nhốt tại chuồng, không thả rông các loại gia súc, gia cầm khi có dự báo xuất hiện mưa, bão, rét đậm, rét hại. Những hộ nuôi trâu bò không có chuồng hoặc chuồng trại không đảm bảo, cần vận động bán bớt để lấy tiền xây dựng hoặc gia cố chuồng trại. Những hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cần có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ xây dựng, gia cố chuồng trại đảm bảo chống chịu được với mưa to, gió lớn;
- Những nơi có nguy cơ sạt lỡ đất, lũ, lụt kéo dài cần có phương án di dời đàn vật nuôi đến những nơi an toàn hoặc hướng dẫn giảm đàn vật nuôi tại những nơi có nguy cơ (bán, giết mổ… gia súc, gia cầm thịt và gia cầm con; loại thải gia súc, gia cầm sinh sản kém phẩm chất, già yếu) trước khi lụt bão xảy ra;
- Chuẩn bị vật tư để làm lán trại di dời vật nuôi ra khỏi vùng nguy cơ và có phương án phòng chống đói rét;
- Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vaccine đạt tỷ lệ cao;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, chú ý đặc biệt đối với các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi và tai xanh ở lợn;
- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phân công cán bộ phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp nêu trên; dự phòng đầy đủ và cấp phát các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, kháng sinh điều trị,... để chủ động phòng chống dịch bệnh (nếu xảy ra) và hướng dẫn chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm;
- Cảnh báo sớm các thiên tai có thể xảy ra: Khi có dự báo xảy ra thời tiết bất lợi từ các Trung tâm Khí tượng thủy văn, các địa phương cần nhanh chóng có thông báo rộng khắp cho các chủ nuôi và cử lực lượng trợ giúp để khẩn trương thực hiện công tác phòng chống. Những nơi không có phát thanh, truyền thanh, truyền hình thì sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước của địa phương để thông báo tới các hộ gia đình thuộc diện bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
II. Công tác cứu trợ khẩn cấp
1. Trong khi xảy ra mưa bão
Nên lưu ý đảm bảo tính mạng con người là quan trọng (trong đó, thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19). Đối với công tác ứng phó, cứu trợ vật nuôi cần quan tâm các vấn đề sau:
- Tăng cường thông tin, liên lạc để xác định nhu cầu cần thiết phải cứu trợ khẩn cấp nhằm thực hiện đáp ứng chính xác và kịp thời khi điều kiện cho phép;
- Lực lượng trợ giúp ứng cứu nên triển khai theo phương án tại chổ.
2. Sau khi xảy ra mưa bão
- Hỗ trợ khẩn cấp: Thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho những nơi bị lũ lụt chia cắt; tiếp tục di dời vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt và vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất…;
- Vớt xác động vật chết và thu gom chất thải để xử lý;
- Dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường;
- San lấp mặt bằng nếu có sạt lỡ đất; tu sửa chuồng trại bị hư hỏng;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm để phát hiện, báo cáo nhanh và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra;
- Lấy mẫu để xác định mức độ ô nhiễm của thức ăn, nước uống và không khí… để đề ra giải pháp xử lý phù hợp;
- Thực hiện hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh đúng theo chính sách quy định;
- Xây dựng phương án hỗ trợ, cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, khôi phục đồng cỏ, tu sửa chuồng trại, tập huấn chuyển giao kỹ thuật… để khôi phục sản xuất lâu dài.