Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Giải pháp để duy trì và nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh năm 2022
Ngày cập nhật 08/06/2022

Kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2021 đạt 48,06/80 điểm, xếp vị thứ 1/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (tăng 3,53 điểm tăng 9 bậc so với năm 2020)

Những kết quả đạt được năm 2021

Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2021 do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức đánh giá bộ chỉ số này được đánh giá trên 8 chỉ số nội dung (trong đó, có 28 nội dung thành phần và 120 chỉ tiêu chính) như sau: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá chỉ số PAPI năm 2021 được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp 240 người dân tại 12 thôn, tổ dân phố thuộc 6 xã, phường, thị trấn (gồm: xã Phong Bình, thị trấn Phong Điền thuộc huyện Phong Điền; xã Thượng Lộ, thị trấn Khe Tre thuộc huyện Nam Đông; phường Xuân Phú và Phú Hậu thuộc thành phố Huế).

Kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2021 đạt 48,06/80 điểm, xếp vị thứ 1/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (tăng 3,53 điểm tăng 9 bậc so với năm 2020

- Vị thứ xếp hạng của 8/8 chỉ số nội dung đều tăng so với năm 2020 và nằm trong nhóm đạt điểm cao của cả nước; trong đó, nội dung “Cung ứng dịch vụ công” có điểm số tăng cao nhất với 1,13 điểm và nội dung “Thủ tục hành chính công” có thứ bậc tăng cao nhất với 27 bậc; trong đó: 7/8 chỉ số nội dung điểm số tăng so và 1/8 chỉ số nội dung điểm số giảm so với năm 2020 là “Trách nhiệm giải trình với người dân” (năm 2020: 5,03 điểm; năm 2021: 4,58 điểm).

- Trong 28 nội dung thành phần có:

+ 22/28 nội dung tăng điểm và tăng bậc so với năm 2020; trong đó, nội dung “Chứng thực, xác nhận của chính quyền” có điểm số tăng cao nhất với 0,8 điểm và nội dung “Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền” có thứ bậc tăng cao nhất với 46 bậc.

+ 01/28 nội dung bằng điểm (1,69 điểm) nhưng tăng bậc so với năm 2020 là “Chất lượng bầu cử cơ sở” (năm 2020 xếp thứ 10, năm 2021 xếp thứ 2);

+ 01/28 nội dung có điểm số tăng nhưng vị thứ không thay đổi (vị thứ 11) so với năm 2020 là “Chất lượng nước” (năm 2020: 0,82 điểm, năm 2021: 1,02 điểm);

+ 01/28 nội dung có điểm số tăng nhưng giảm bậc so với năm 2020 là “An ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư” (năm 2020: 1,59 điểm, xếp thứ 2; năm 2021: 2,03 điểm, xếp thứ 4);

+ 01/28 nội dung có điểm số giảm nhưng tăng bậc so với năm 2020 là  “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân (năm 2020: 1,07 điểm, xếp thứ 19; năm 2021: 0,56 điểm, xếp thứ 8);

+ 02/28 nội dung có điểm số giảm và giảm bậc so với năm 2020 là Tiếp cận dịch vụ tư pháp(năm 2020: 2,04 điểm, xếp thứ 5; năm 2021: 1,87 điểm, xếp thứ 25) và “Cơ sở hạ tầng căn bản” (năm 2020: 2,31 điểm, xếp thứ 3; năm 2021: 2,22 điểm, xếp thứ 9);

Trong 28 nội dung thành phần có 03 nội dung có điểm số giảm so với năm 2020 là Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; Tiếp cận dịch vụ tư pháp; Cơ sở hạ tầng căn bản. Sự sụt giảm này có thể là do quyền địa phương không xử lý được số lượng các đơn thư, yêu cầu của người dân đối với chính sách hỗ trợ và ứng phó liên quan đến COVID-19 trong năm 2021; môi trường thông tin chưa thực sự công khai minh bạch, sự tham gia của người dân còn tương đối hình thức và cơ chế đánh giá, xử lý trách nhiệm (hay khen thưởng) đối với hoạt động cơ quan chính quyền chưa hiệu quả; mức độ tin tưởng vào tòa án địa phương hoặc các cơ chế phi toàn án khi người dân cần giải quyết các tranh chấp dân sự chưa cao; cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản như điện, nước, giao thông, thu gom rác… chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.

Một số giải pháp để tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số PAPI

Để cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Với nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”: UBND các xã, phường, thị trấn:

- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo hướng đi vào thực chất, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở dân chủ, trong sạch, vững mạnh.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia, nhất là các nội dung như: Vận động nhân dân tự nguyện tham gia, đóng góp kinh phí xây mới, sửa chữa công trình công cộng…; công khai các khoản đóng góp tự nguyện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch...

2. Với chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch”

- Sở Tư pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo dõi, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, đa dạng hóa các hình thức công khai chính sách, pháp luật hiện hành để người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt và công khai các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết các chế độ chính sách xã hội theo đúng quy trình, thủ tục quy định.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, kịp thời các quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, khung giá đền bù thu hồi đất; các quy định, chính sách liên quan đến đền bù,  hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư,... Kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...; Tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

- UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công khai, minh bạch theo Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin nhằm đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

3. Với chỉ số nội dung “Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân”

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị chú trọng triển khai, bám sát theo  Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ. Cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ giải trình trong nội quy, quy chế làm việc; chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trước Nhân dân.

- Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định, ban hành quy chế hoạt động, công khai nội quy, lịch tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân, trên Trang Thông tin điện tử của địa phương; chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc trách nhiệm giải trình trong nội dung nội quy, quy chế làm việc tại cơ quan; người đứng đầu các đơn vị có trách nhiệm gương mẫu, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức.

- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan nhà nước.

4. Với chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”

- Thanh tra tỉnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách.

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công khai, minh bạch về tuyển dụng công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước đảm bảo theo quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo tuyển dụng được những người có năng lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

5. Với chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số dịch vụ công trên địa bàn.

- UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh giải quyết tốt các TTHC trên các lĩnh vực liên quan đến người dân như: Chứng thực, xác nhận của chính quyền, đất đai, cấp giấy phép xây dựng, các thủ tục hành chính cấp xã...; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Thực hiện niêm yết công khai các TTHC đã được UBND tỉnh công bố tại trụ sở, trên Trang thông tin điện tử địa phương và tại nơi đông người (nhà văn hóa cộng đồng,...). Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với với các trường hợp trễ hạn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra tình trạng chậm trễ hồ sơ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ công do UBND cấp xã cung cấp để nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

6. Với chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”

- Sở Y tế chủ trì triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của ngành, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin ngành y tế nhằm cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân lực ngành y tế, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống Bệnh viện công lập tuyến cấp huyện.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về năng lực, kỹ năng giảng dạy và phẩm chất đạo đức. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ trường Tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

- Công an tỉnh chủ trì triển khai các giải pháp giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn khu dân cư thông qua triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự; không để xảy ra các hoạt động côn đồ và các loại tội phạm mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

7. Với chỉ số nội dung “Quản trị môi trường”

- Các cấp chính quyền quan tâm hơn đến chất lượng nguồn nước và không khí để có những hành động kịp thời, trong đó cần huy động người dân tham gia cải thiện điều kiện môi sinh tại khu dân cư.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường không khí.

8. Với chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đảm bảo cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử. Bổ sung các tiện ích phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công tỉnh; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ kê khai hồ sơ cho cá nhân, tổ chức nộp trực tuyến được dễ dàng thuận lợi.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách, pháp luật của tỉnh, của các địa phương.

Trần Xuân Triều
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.292.546
Truy câp hiện tại 18.120