Được sự quan tâm và phối hợp tích cực giữa các cơ quan chức năng có liên quan (Ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp, Phòng cảnh sát môi trường PC49, Quản lý thị trường, truyền hình, Hội nông dân tỉnh,...) trong việc kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần đảm bảo an toàn, đưa hoạt động quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản dần đi vào ổn định, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Quyết định số 734/QĐ-UBND ngày 23/3/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc về việc phân công cơ quan thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cơ quan quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, đã tạo điều kiện tốt cho các đơn vị liên quan chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Số cơ sở được kiểm tra đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2022 là 358 cơ sở, chiếm tỷ lệ 42.8% tổng số cơ sở thống kê, số cơ sở thẩm định định kỳ tăng 99 cơ sở, chiếm tỷ lệ 27.65% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, số cơ sở xếp loại A là 07 cơ sở, chiếm tỷ lệ 1.95%; số cơ sở xếp loại B là 334 cơ sở, chiếm tỷ lệ 93.29%; không có cơ sở xếp loại C và 17 cơ sở không xếp loại. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Trong 6 tháng đầu năm 2022, số cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 45 cơ sở. Trong đó: Cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản là 17 cơ sở; tàu cá 23 chiếc tàu có chiều dài từ 15m trở lên; 01 cơ sở giết mổ; 01 cơ sở chăn nuôi. Nâng tổng số cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 766 cơ sở gồm 294 cơ sở sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản và 32 cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cẩm, 440 tàu cá có chiều dài trên 15m.
Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quyết liệt hơn, thể hiện vai trò quản lý nhà nước của đơn vị trong lĩnh vực phụ trách, kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn các trường hợp vi phạm gây mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn.
Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP được triển khai thường xuyên và thiết thực hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì góp phần cải thiện nhận thức và điều kiện sản xuất về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng nâng cao góp phần tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiện Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn các hạn chế, tồn tại: Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của địa phương: Chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm và chủ động trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Các quy định trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm có nhiều thay đổi liên tục đã phần nào gây khó khăn cho các cơ sở trong việc nắm bắt và thực hiện theo những quy định đó.
Tình hình triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm trễ hơn so với kế hoạch đề ra, một phần vì rơi vào giai đoạn Lễ Tết, đặc biệt sự bùng phát dịch Covid-19 liên tục nên hầu như các hoạt động chuyên môn trực tiếp tiếp xúc với các cơ sở sản xuất đều bị hạn chế (công tác kiểm tra, lấy mẫu, tuyên truyền...) hoặc tạm ngưng.
Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản có quy mô nhỏ lẻ, tự phát và số cơ sở quản lý biến động liên tục nên cơ quan quản lý chưa nắm bắt kịp thời.
Các cơ sở giết mổ xây dựng đã lâu, đến nay xuống cấp, điều kiện khắc phục sửa chữa hạn chế nên chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, một số cơ sở giết mổ do địa điểm quy hoạch chưa ổn định, nằm trong kế hoạch di dời nên các đơn vị quản lý hạn chế việc đầu tư nâng cấp, vì vậy việc đánh giá phân loại theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNN-PTNT gặp nhiều khó khăn.
Công tác thanh kiểm tra vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cẩm còn gặp nhiều khó khăn do tư thương đối phó, nguồn tự sản tự tiêu, điều kiện vệ sinh thú y ở các lò giết mổ, tại các chợ dân sinh còn bất cập. Vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ vẫn chưa đảm bảo vệ sinh thú y.
Kế hoạch trọng tâm 06 tháng cuối năm 2022 của công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế :
(1) Phổ biến giáo dục pháp luật; Thông tin, truyền thông về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
Tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Vật tư nông nghiệp, Nông lâm thủy sản. Phổ biến tuyên truyền pháp luật, cơ chế, chính sách mới (04 lớp tập huấn) đến các bộ phận người sản xuất, kinh doanh và cho cán bộ cấp huyện, xã và hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể; lắp dựng 08 pano, tờ rơi (4.500 tờ) về an toàn thực phẩm, giới thiệu mô hình điểm (VietGAP, HACCP...) sản xuất nông lâm thủy sản an toàn, xây dựng các chuyên đề về an toàn thực phẩm vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp,… chú trọng việc quảng bá, nhân rộng các mô hình đã thực hiện thành công đến các huyện, xã khác.
(2) Tổ chức sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn: Tập trung tổ chức 06 Hội nghị Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến NLTS về an toàn sản xuất và quy trình chế biến cho các cơ sở tại các xã phường trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hội nghị (kết nối sản phẩm) tại Đại hội hữu cơ và hội quán hữu cơ có trưng bày các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương.
Tổ chức các hội nghị trực tuyến (làm đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế) có trưng bày các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương, do Cục Cục Chế biến và PTTTNS tổ chức ngoài Hà Nội về chế biến và xúc tiến thương mại. Tiếp tục công tác các đợt chỉ đạo sản xuất và thu thập số liệu và thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng về tiêu thụ, kết nối cung ứng nông sản trong tình hình dịch Cov-19, tham mưu Sở báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức đoàn tham dự Hội chợ triển lãm nông sản quốc tế Agroviet năm 2022. Dự kiến vào quý 3 năm 2022 do Bộ Nông nghiệp tổ chức.
(3) Giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản: Tiếp tục thực hiện các chương trình lấy mẫu, giám sát các sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn để phát hiện, điều tra nguyên nhân, truy suất nguồn gốc các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tổ chức cảnh báo đồng thời tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản vi phạm các chất cấm gây mất an toàn thực phẩm.
(4) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Tiếp tục thực hiện công tác thẩm định xếp loại, kiểm tra định kỳ theo đúng quy định. Đặc biệt, đảm bảo tần suất kiểm tra định kỳ 100% các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Đi sâu vào công tác lấy mẫu và phân tích chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, dư lượng các hóa chất trong sản phẩm. Chủ động và phối hợp với các Sở, ban ngành và các đơn vị liên quan để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nguy cơ mất an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
(5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, người lao động của các Chi cục chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản./.