Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết "4 nhà" nâng cao giá trị sản phẩm an toàn
Ngày cập nhật 29/11/2022

Theo nghiên cứu của Viện chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn mới đây cho biết, công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều làm lên thành quả này chính là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa “Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhiều sản phẩm được chứng nhận an toàn

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn cho biết, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta ngày càng mở rộng theo hướng tập trung, giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được hình thành và hoạt động hiệu quả. Người dân, doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các biện pháp sản xuất hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Nhờ đó, nhiều sản phẩm được chứng nhận an toàn, góp phần tạo niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có 463.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 33.000ha so với năm 2020. Có 16.991ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 1.158ha so với năm 2020; diện tích nuôi trồng thủy sản là 16.991ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 1.158ha so với năm 2020; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Các địa phương đã xây dựng và phát triển được 1.668 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đặc biệt, Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện nay, vấn đề ATTP nông, lâm, thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và ý thức trách nhiệm cao nhất giữa 4 nhà “Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học” với cộng đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Chất lượng nông, lâm, thủy sản cũng được cải thiện và nâng cao. Những nông sản được chứng nhận VietGAP, hữu cơ và sản phẩm được chứng nhận OCOP ngày càng nhiều, có nhiều mô hình áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến và phân phối lưu thông hàng hóa. Đó cũng là điều kiện để chúng ta mở rộng được thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Khắc phục khó khăn hạn chế

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, nền nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm làm sẵn, ăn liền… tăng nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp, cần tiếp tục phấn đấu. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế chưa cao. Nông sản của nước ta còn hạn chế về tính ổn định chất lượng và sản lượng nên việc tiếp cận thị trường, phát triển thị trường còn hạn chế. Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa cao. Vi phạm về ATTP và lô hàng hàng xuất khẩu bị trả về tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước tiên tiến. Thực tế, theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh còn thiếu trung tâm thu mua nông sản và doanh nghiệp lớn thu mua để chế biến sâu. Tỉnh rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm có chính sách hỗ trợ để phát triển những kho và tổng kho thu mua nông sản tại các địa phương nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm và kịp thời thu mua nông sản để nông dân an tâm về đầu ra. Khi có các đơn vị thu mua và bao tiêu nông sản, việc tuyên truyền bà con sản xuất theo hướng chất lượng cao, bảo đảm ATTP sẽ thuận lợi hơn. Còn ở tỉnh Cần Thơ, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, để làm tốt công tác quản lý chất lượng và ATTP nông, lâm, thủy sản, đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành, địa phương, cũng như giữa các đơn vị có liên quan trong từng địa phương. Bởi, hiện nay vùng nguyên liệu đang có sự đan xen giữa các địa phương. Cần Thơ có thể lấy nguyên liệu ở các tỉnh khác và ngược lại. Do vậy, để quản lý về vùng trồng, mã số vùng trồng, hay nhiều cơ sở dữ liệu của vùng  trồng… cần có sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, địa phương, nhất là thông qua việc thực hiện chuyển đổi số.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phổ biến, hướng dẫn, triển khai Ðề án Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các địa phương quan tâm phối hợp thực hiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý các địa phương cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng bảo đảm truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để bảo đảm chất lượng, an toàn và gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi. Ðồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, chú ý thực hiện tốt việc quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản tại các chợ xã, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng.

(Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân)

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản - http://chicucqlcltthue.vn/
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.404.318
Truy câp hiện tại 2.732