Giai đoạn 2019-2022, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nông dân. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ đầu năm 2019 đã làm cho chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại hơn 45% tổng đàn; thời tiết diễn biến thất thường, hạn hán, ngập lụt ngày càng khắc nghiệt như các đợt nắng nóng kéo dài trong năm 2021 gây ra nhiều vụ cháy rừng nhất trong vòng 30 năm qua, làm thiệt hại hơn 500 ha rừng; mưa lớn trái mùa trong vụ Đông Xuân 2021-2022 làm thiệt hại gần 20.000 ha lúa và hoa màu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nổ lực của toàn ngành, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua các khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo an ninh lương thực và đời sống cư dân nông thôn ngày được nâng cao; một số kết quả cụ thể như sau:
Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: Năm 2019 giảm 4,13% (do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi); năm 2020 tăng 3,16%; năm 2021 tăng 3,62%; năm 2022 ước giảm 2,3% (mất mùa lúa do thiên tai). Sản lượng lương thực có hạt trung bình các năm ước đạt 32,5 vạn tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đạt 31,3 vạn tấn/năm. Sản lượng thủy sản đạt 60 ngàn tấn/năm, (trong đó, sản lượng khai thác đạt 41 ngàn tấn, sản lượng nuôi đạt 19 ngàn tấn). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,15%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 72,3% (đến cuối năm 2022 có 68/94 xã đạt chuẩn). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 93%.
Sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển khá toàn diện, đang dần chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trung bình hàng năm đạt khoảng 7.100 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2022 đạt 7.086 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019-2022, ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế có bước phát triển tương đối toàn diện, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế: (1) Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẽ, thiếu sự liên kết và thiếu bền vững; cơ cấu giá trị sản xuất còn phụ thuộc phần lớn vào ngành hàng lúa gạo do đó khi sản xuất lúa gặp khó khăn sẽ ảnh hướng lớn đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. (2) Kế hoạch phát triển chưa bài bản theo từng lĩnh vực trên cơ sở đánh giá đầy đủ nguồn lực, tiềm năng, phát huy nguồn lực nội tại và kết nối từ bên ngoài để phát triển. (3) Nông sản vẫn chủ yếu tiêu thụ ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng thấp, chưa tạo ra được thương hiệu; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh ATTP chưa được coi trọng; tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn. (4) Quan hệ sản xuất tuy có phát triển nhưng chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả chưa cao, kể cả những HTX mới thành lập, do nhiều lý do khác nhau vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguyên nhân không đủ lực để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác nên sản xuất cầm chừng, hiệu quả hạn chế.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023-2025
(1) Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; giải pháp trọng tâm là thực hiện công tác tích tụ ruộng đất để hình thành các cánh đồng lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuổi giá trị, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác xã để làm hạt nhân trong các khâu liên kết.
(2) Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phục vụ du lịch; gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng ven biển, đầm phá.
(3) Triển khai thực hiện các chính sách, định hướng phát triển nông nghiệp của Trung ương phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong các lĩnh vực: Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,…
(4) Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân. Hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chú trọng công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại để định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả.
(5) Đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn. Ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá, hệ thống đê sông, đê biển, kè chống sạt lở để nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Thực hiện quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(6) Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, có ít nhất 3/8 huyện/thị xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, có 01 huyện đạt nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 87%, trong đó có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên./.