Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi sản phẩm dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Dèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, dệt nên những tấm Dèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo. Giá trị hoa văn, kĩ thuật dệt dèng, chèn cườm của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, được thế giới biết đến và công nhận giá trị qua nhiều hoạt động quảng bá. Việc công nhận nghề mang giá trị bảo tồn văn hóa, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng tại địa phương giáp biên giới.
Trong những năm qua, thông qua các chương trình, đề án, dự án, từ nhiều nguồn kinh phí của các sở ngành và địa phương như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Kế hoạch khuyến công địa phương, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ … đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Đặc biệt với 08 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế qua hơn 17 năm đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế (như nghề pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may áo dài truyền thống; giấy trúc chỉ; các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên…). Đồng thời, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình. Một số địa phương đã đầu tư cải thiện cảnh quan, môi trường; hỗ trợ hoạt động sản xuất nghề, đào tạo nghề… và kết nối các sự kiện văn hóa du lịch tại các nghề, làng nghề truyền thống (Như Lễ hội Chợ quê ngày hội - Cầu ngói Thanh Toàn, Lễ hội Hương xưa làng cổ gắn làng nghề gốm Phước Tích và mộc Mỹ Xuyên, Lễ hội Sóng nước Tam Giang, Ngày hội vùng cao A Lưới tái hiện nghi lễ cúng dâng Zèng của dân tộc Tà Ôi…).
Một số làng nghề như mây tre đan Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Trài… đã được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại nên đã phát triển khá tốt.
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành liên quan quản lý và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất tại 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hiện có. Đã công nhận thêm 03 nghề truyền thống gồm Nghề nón lá Vân Thê, Nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương và Nghề dệt dèng A Roàng, nâng tổng số lên 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống và 06 nghề truyền thống được công nhận. Ước doanh thu của 36 nghề, làng nghề được công nhận đạt khoảng 440 tỉ đồng, thu nhập bình quân lao động khoảng 3,67 triệu đồng/tháng.