Để chủ động ứng phó, phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 2357/SNNPTNT-CCCNTY ngày 09/10/2023 về chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa bão, trong đó đề nghị các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiếp tục thực hiện nội dung công văn số 2389/SNNPTNT-CCCNTY ngày 14/10/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động phòng chống bão lũ, đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi;
- Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi;
- Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có (rơm, cỏ, cám, chuối, thức ăn tinh…) tại địa phương;
- Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn (rơm khô, rơm cuộn), đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi thời tiết mưa lớn kèm nhiệt độ xuống thấp. Trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài và có rét đậm, rét hại phải đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát, giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, sử dụng các vật dụng sẵn có như: chăn, áo, bao tải gai đã cũ để mặcgiữ kín, giữ ấm cho trâu bò.Đưa trâu bò ở vùng trũng thấp lên nơi cao hơn và che chắn có kiểm soát. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời. Chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc.