Nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với công tác Thú y, đồng thời để ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Bác Hồ đối với ngành Thú y nước nhà từ khi còn non trẻ, Thủ tướng chính phủ đã Quyết định lấy ngày 11/7 hàng năm làm ngày truyền thống Ngành Thú y.
Việc Quyết định lấy ngày 11/7 hàng năm là “Ngày truyền thống Ngành Thú y” là sự ghi nhận việc đóng góp về sức lực, trí tuệ và cả xương máu của nhiều thế hệ cán bộ Thú y qua các thời kỳ cách mạng, đồng thời là sự động viên đối với cán bộ Thú y từ Trung ương đến cơ sở đang từng ngày, từng giờ thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân cũng như tham gia hội nhập kinh tế Quốc tế.
Việc tổ chức kỷ niệm “Ngày truyền thống Ngành Thú y” sẽ tạo thêm động lực cho Ngành Chăn nuôi - Thú y toàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hội nhập kinh tế Quốc tế; tập trung khống chế nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và Dại chó…
* Lực lượng hội viên ngành chăn nuôi, thú y, thú y thuỷ sản ngày càng được đào tạo, củng cố vững mạnh và nâng cao về mọi mặt.
Được sự quan tâm của Hội Thú y Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y được sinh hoạt trong các tổ chức, các Chi Hội với sự hổ trợ tích cực của Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông lâm Huế, Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư, Chi cục Chú y, Trạm Thú y các huyện, thị; là lực lượng có trình độ chuyên môn cao, gồm 22 Phó giáo sư, tiến sĩ, 28 thạc sỹ, 70 kỹ sư, bác sỹ được đào tạo bài bản về Chăn nuôi, Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Thú y thủy sản… phù hợp với năng lực công tác.
Tại các phường, xã, thị trấn đã có 280 hội viên là những Thú y trưởng, phó được hưởng phụ cấp hệ số 1 và 0,5. Mạng lưới hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y cơ sở được mở rộng đến tận thôn, bản với hơn 480 người đang thực hiện hằng ngày công tác giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, phòng chống dịch, tuyên truyền và thực hiện các hoạt động dịch vụ được nhân dân tín nhiệm cao.
* Trong thời gian qua, công tác Chăn nuôi đã có sự tăng trưởng mạnh; số lượng, chất lượng gia súc, gia cầm và tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng lên đáng kể nhờ triển khai có hiệu quả các Đề án phát triển chăn nuôi như: Lai tạo đàn bò, Phát triển đàn lợn giống tỷ lệ nạc cao; phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Cụ thể trong hai năm lại đây trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, với quy mô lớn lên tới hàng nghìn con: Điển hình Trại CP Hồng Vân (Lộc Hòa, Phú Lộc) đang nuôi 2.600 con lợn hậu bị, 36 đực giống đã và đang xuất bán lợn giống (2.050 con); Trại CP Hương Vân nuôi 3.150 lợn thịt; Trại của bà Nguyễn Thị Thọ (Quảng Điền) 4.000 lợn thịt; trại của ông Hồ Dựng (Quảng Điền) 1.000 lợn thịt, Trại công ty Việt Thái 6.400 lợn thịt. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.002 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học và có xu hướng tăng lên.
Đối với gia cầm, người chăn nuôi đã biết sử dụng các giống chuyên dụng như gà, vịt chuyên trứng, gà kiêm dụng trứng thịt, gà thả vườn nhâp nội. Chuyển dần từ hình thức chăn nuôi gia cầm phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp.
Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của tỉnh theo hướng hạn chế dần và tiến đến không phát triển chăn nuôi nơi tập trung đông dân cư để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng…, đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế dịch bệnh lây lan cho người và gia súc, gia cầm.
* Công tác phòng chống dịch bệnh động vật đã đạt hiệu quả cao:
Trong 5 năm qua, các loại dịch bệnh ngủy hiểm như Cúm gia cầm, Tai xanh lợn, LMLM gia súc đã được khống chế có hiệu quả. Dịch bệnh thủy sản đã được phát hiện, xử lý và khống chế kịp thời và giảm dần theo các năm.
Xác định tiêm phòng là khâu then chốt trong phòng chống dịch bệnh do đó hoạt động tiêm phòng đã được chú trọng từ việc lựa chọn, bảo quản vắc xin từ kho lạnh, tủ lạnh, hộp bảo quản; dụng cụ tiêm; hội thảo chuyên đề, hướng dẫn cập nhật sổ tiêm phòng; cam kết tiêm đảm bảo tiến độ, số lượng, chất lượng; UBND các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, có kế hoạch triển khai cụ thể, tuyên truyền cho nhân dân... Các Hội viên tại cơ sở đã tham gia một cách tích cực, đồng bộ, do vậy việc tiêm phòng được tổ chức tập trung dứt điểm trong thời gian ngắn có hiệu quả cao. Số liệu tiêm phòng luôn đạt trên 85% diên tiêm; năm sau cao hơn năm trước.
Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được đẩy mạnh tại nơi nguy cơ cao, các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Hàng năm, đã tổ chức 01-2 Lễ Phát động nhằm tuyên truyền để người chăn nuôi biết và tự thực hiện. Toàn tỉnh có 155 tổ tiêu độc với 200 hội viên tham gia; phương tiện gồm 171 máy tiêu độc, 150 bình bơm; hàng năm cấp phát 10-15 tấn Benkocid để triển khai thực hiện.
* Công tác kiểm soát, xuất nhập, giết mổ được ngành Thú y đặc biệt quan tâm vì đây là một trong những nguy cơ chủ yếu làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Việc kiểm dịch xuất, nhập đúng quy trình; chú trọng giám sát, nuôi cách ly, tiêm phòng, gia súc, gia cầm; tiêu độc chuồng trại trước khi đưa vào chăn nuôi; kiểm soát việc vận chuyển thông qua các chốt kiểm dịch, thông tin hai chiều để nắm tình hình...
Việc quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung được thực hiện theo Quyết định 1590 và 2463 của UBND tỉnh. Đến nay, các huyện đã xây mới 8, quy gom 6 và nâng cấp 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã có tác dụng tốt trong việc đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, ATTP và môi trường sinh thái.
Việc kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ được thực hiện đúng quy trình gắn với các điều kiện vệ sinh thú y và ATTP đã cung cấp thực có nguồn gốc động vật đảm bảo chất lượng cho người dân yên tâm tiêu dùng.
Đến nay, đã có 18 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm, 21 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện Vệ sinh Thú y, 297 cá nhân có liên quan đến hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
* Công tác khoa học kỹ thuật và chẩn đoán xét nghiệm ngày càng được đầu tư và hoạt động có hiệu quả:
Khoa Chăn nuôi - Thú y, Đại học Nông Lâm Huế đã tham gia thực hiện nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng vào thực tiễn để phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả.
Trung tâm Khuyến Nông, Lâm, Ngư đã triển khai nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi nhiều mô hình chăn nuôi như nuôi bò thịt BBB, nuôi lợn trên đệm lót sinh học, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP, chăn nuôi gà Ai Cập lấy trứng... đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi tham gia thực hiện và áp dụng.
Với đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị hiện đại như máy PCR, ELISA. Phòng xét nghiệm của Chi cục đã được Cục Thú y thẩm định và công nhận năng lực xét nghiệm một số bệnh do virus gây ra và ngày càng khẳng định vị trí của mình.
Năm 2014, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật phía Bắc đã được xây dựng và chuyển địa điểm; Trạm phía Nam được nâng cấp. Các trang thiết bị cũng được bổ sung nhiều lên. Công tác đào tạo được tập trung nhiều cho cán bộ. Hội viên hoạt động từ các lĩnh vực này đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Cảnh quan 2 Trạm đã trở nên xanh sạch đẹp, chất lượng phục vụ tốt hơn, mở rộng quảng bá nhiều hơn, nhất là việc tư vấn, mổ khám, làm kháng sinh đồ phục vụ tới các trang trại, gia trại, hộ gia đình được người chăn nuôi tin tưởng, hưởng ứng. Kết quả điều trị năm sau luôn cao hơ năm trước. Năm 2014 đã điều trị 5.500 ca (tăng 22% so với năm 2010) và 6 tháng đầu năm 2015 đã điều trị 3.000 ca.
Việc xét nghiệm kịp thời, chẩn đoán chính xác và có phát đồ điều trị hiệu quả, hàng năm có hơn 300 mẫu tôm được xét nghiệm và việc trả kết quả xét nghiệm không quá 24h đã góp phần phòng chống dịch bệnh thủy sản đạt hiệu quả cao.
* Công tác cải cách hành chính đã được quan tâm, do đó, chất lượng hiệu quả công tác của đơn vị được nâng lên rõ rệt. Tác phong làm việc đổi mới, thực hiện văn hoá nơi công sở, tổ chức văn phòng một cửa, niêm yết công khai các thủ tục hành chính. Tổ chức tiếp dân, giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại có tình, có lý được nhân dân đồng tình. Xây dựng được tình đoàn kết thống nhất cao trong ngành tạo không khí thi đua sôi nổi hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Năm 2014, công tác giải quyết thủ tục hành chính ở Chi cục Thú y đã được Tổng cục Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận đạt Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
* Ngành Thú y là nòng cốt để xây dựng Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh ngày càng lớn mạnh, quy tụ được lực lượng cán bộ KHKT CNTY trong tỉnh để tăng thêm sức mạnh, góp phần vào việc bảo vệ và phát triển chăn nuôi của tỉnh nhà: như Khoa Chăn nuôi - Thú y, Khoa Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư, Công ty Cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi. Trong các đợt tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản, Ngành thú y luôn được sự hỗ trợ về KHKT, bổ sung lực lượng sinh viên của Khoa CNTY, khoa Thuỷ sản, cán bộ các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Hội CNTY Tỉnh là thành viên của Hội LHKHKT tỉnh, của Hội Thú y và Hội Chăn Nuôi Việt Nam và luôn được Hội cấp trên đánh giá cao.
* Không ngừng nâng cao trình độ năng lực công tác; đẩy mạnh công tác khoa học kỹ thuật và chẩn đoán xét nghiệm; tiếp tục đầu tư và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn:
Bản thân mỗi CBCNV, mỗi Hội viên hội CNTY luôn luôn học tập nâng cao trình độ về mọi mặt về chăn nuôi, dịch tễ, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, thú y thủy sản, chẩn đoán xét nghiệm… Tiếp tục học từ trường, lớp, học từ thực tiễn để đủ năng lực phục vụ nông ngư dân trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
* Tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành thú y giai đoạn 2010-2015 theo đề án của UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai thực hiện có hiệu quả về các mặt tổ chức, đào tạo cán bộ, xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản; Nâng cao năng lực và trình độ trung cấp cho các hội viên là trưởng, phó thú y các phường, xã; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để làm việc.
* Phòng chống dịch bệnh có hiệu quả bằng việc chủ động giám sát dịch bệnh chặt chẽ, phát hiện nhanh, xử lý gọn không để lây lan thành dịch. Không ngừng nâng cao công tác Khoa học kỹ thuật đặc biệt công tác chẩn đoán xét nghiệm và nghiên cứu khoa học để phục vụ tốt công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Tiếp tục đề nghị Cục Thú y thẩm định và công nhận về năng lực xét nghiệm bệnh thuỷ sản (bệnh đốm trắng, đầu vàng…). Thường xuyên giám sát việc lưu hành mầm bệnh qua công tác xét nghiệm, xác định nguy cơ, tổng hợp, phân tích, dự tính dự báo dịch để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
* Đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt số lượng, chất lượng. Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, phiếu tiêm phòng, phương tiện thông tin tuyên truyền như loa, đài, tờ rơi...phục vụ triển khai tiêm phòng chính vụ, tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho gia súc, gia cầm mới sinh, mới nhập đàn.
* Tăng cường xã hội hóa công tác tiêu độc, tổ chức các tổ tiêu độc để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường những nơi nguy cơ cao, vận động người chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc cơ sở chăn nuôi.
* Thực hiện kiểm dịch xuất, nhập đúng quy trình, chốt chặn 24/24h, quan tâm các dự án nhập gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi. Thực hiện tốt quy trình KSGM, kiểm tra VSTY, đảm bảo an toàn VSTP. Phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục quy hoạch việc giết mổ tập trung theo Quyết định 1590 và 2463 của UBND tỉnh.
* Thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện: công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
* Tiếp tục chăm lo xây dựng Hội CNTY tỉnh ngày càng vững mạnh, tích cực tham gia công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thực hiện tốt công tác phát triển hội viên tại các chi hội, động viên toàn thể hội viên tích cực tham gia công tác của Ngành về Chăn nuôi và Thú y, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản có hiệu quả; chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho các hội viên, xây dựng tình đoàn kết thống nhất cao giữa các hội viên trong các Chi hội và trong Tỉnh hội để cùng nhau phấn đấu hoàn thành suất sắc các nhiệm vụ đề ra.