Để chủ động kịp thời ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn đạt hiệu quả, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh ta, ngày 13/5/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn số 582/SNNPTNT-CCCNTY về việc Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh ở lợn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện ngay các nội dung sau:
- Chỉ đạo chính quyền cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tai xanh ở lợn và phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện tiêm phòng đầy đủ; chậm phát hiện, không xử lý kịp thời để dịch xảy ra trên địa bàn.
- Tổ chức các lực lượng thú y cơ sở cùng các ban ngành chức năng và đoàn thể quần chúng tại địa phương giám sát dịch bệnh tận đến thôn, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện kịp thời khi có dịch xảy ra.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, cung ứng đầy đủ vắc xin, đồng thời tuyên truyền, vận động và yêu cầu người chăn nuôi chấp hành tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin triệt để theo quy định; tiêm phòng vắc xin phòng bệnh tai xanh lợn ở những vùng nguy cơ cao, cơ sở chăn nuôi giống, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn.
- Hàng tháng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với các vùng nguy cơ cao như ổ dịch cũ, hố chôn, các nơi giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật. Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
- Tổ chức lực lượng liên ngành để kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu động vật và sản phẩm sản phẩm động vật ra vào địa phương.
- Khi có dịch phải chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi lực lượng đoàn thể nhanh chóng bao vây, dập tắt, ngăn chặn không để dịch lây lan, tiến hành xử lý gia súc bị bệnh và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên diện rộng, các cơ sở chăn nuôi, nơi nguy cơ cao như cơ sở giết mổ, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật,... Tiêm phòng vắc xin xung quanh ổ dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư hóa chất cần thiết và trang thiết bị, phương tiện để phòng chống dịch. Phối hợp với các địa phương giám sát, chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống dịch tai xanh có hiệu quả. Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch tại gốc, công tác kiểm tra thủ tục và lâm sàng gia súc tại các cơ sở giết mổ, mua bán tập trung; thực hiện đúng qui trình giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu các tổ chức, chương trình, dự án và các chủ chăn nuôi, kinh doanh gia súc thực hiện đúng qui định kiểm dịch khi nhập con giống gia súc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật, đặc biệt là trong kiểm soát buôn bán, vận chuyển động vật bị bệnh, động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các ban, ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các nội dung trên theo chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc.